Trịnh Văn Quyết và các bị cáo trong vụ FLC ân hận nói lời sau cùng
Sau hơn một tuần xét xử, trưa 29/7, 50 bị cáo trong vụ án 'Thao túng thị trường chứng khoán' và 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản', xảy ra tại Tập đoàn FLC được Hội đồng xét xử cho phép nói lời sau cùng trước khi vào nghị án.
Hai bị cáo được đề nghị giảm mức án
Sáng 29/7, phiên tòa xét xử vụ FLC tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát. Tại phiên tranh luận, đa số ý kiến của các bị cáo và luật sư đồng ý với quan điểm truy tố của Viện Kiểm sát về tội danh; bị cáo đã nhận thức được sai phạm, ăn năn hối cải; tự nguyện khắc phục hậu quả; xin giảm nhẹ hình phạt… Tuy nhiên, kiểm sát viên thấy cần phân tích thêm để các bị cáo nhận thức hành vi của mình.
Cụ thể, đối với ý kiến bào chữa của nhóm luật sư bảo vệ bị cáo Trịnh Văn Quyết cho rằng vụ án chỉ có 133 người đến trình báo, có đơn yêu cầu bồi thường mới là bị hại; nhóm hơn 30.000 người mua cổ phiếu ROS còn lại chưa thể xác định được, một số còn trùng tên.
Phản biện lại ý kiến trên, Viện Kiểm sát xác định Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, cầm đầu, tổ chức trong việc lừa đảo, bán cổ phiếu ROS của Công ty Faros cho hơn 30.000 nhà đầu tư, thu lợi bất chính hơn 3.600 tỷ đồng.
Bị cáo Quyết và đồng phạm thực hiện một chuỗi hành vi vi phạm kéo dài trong nhiều năm, bắt đầu bằng việc mua lại Công ty Faros, nâng vốn từ 1,5 tỷ đồng lên hơn 4.800 tỷ đồng nhưng trong đó chỉ có gần 1.200 tỷ đồng là vốn thật.
Tiếp đó, các bị cáo đưa cổ phiếu ROS lên sàn chứng khoán, lợi dụng HOSE để thực hiện hành vi phạm tội. Hơn 30.000 nhà đầu tư lầm tưởng Công ty Faros có vốn thật nên bỏ tiền ra mua cổ phiếu ROS, tạo điều kiện cho Trịnh Văn Quyết thu về hơn 4.800 tỷ đồng (trừ vốn đi được hưởng lợi bất chính hơn 3.600 tỷ đồng).
Viện Kiểm sát cho rằng, bị hại phải được xác định tại thời điểm hành vi chiếm đoạt thực hiện xong. Tuy nhiên, sau khi các luật sư của bị cáo Quyết trình bày, phía công tố rà soát, thấy có trường hợp trùng tên nên xác định lại bị hại trong vụ án là hơn 25.000 trường hợp (trước đó, cáo trạng xác định hơn 30.400 bị hại).
Việc xác định lại số lượng bị hại nói trên, theo kiểm sát viên vẫn không làm thay đổi kết quả điều tra. Trọng tâm vẫn là việc Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu khống, thu tiền dùng cho mục đích cá nhân.
Từ những phân tích trên, Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm đề nghị mức án với ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) là 24 - 26 năm tù cho 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán"; 46 bị cáo còn lại, kiểm sát viên nhận thấy mức đề nghị án cũng đã phù hợp.
Trong phần đối đáp, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm, bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh) và bị cáo Nguyễn Thanh Bình (cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC) đều thành khẩn khai báo, có thêm tình tiết giảm nhẹ.
Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo Sinh từ 8 - 9 năm tù xuống còn 7 - 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; giảm án cho bị cáo Bình từ 8 đến 9 năm tù xuống còn 7 - 8 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Hối hận muộn màng
Đến cuối giờ sáng, Hội đồng xét xử cho phép các bị cáo nói lời sau cùng trước khi bước vào phần nghị án.
Trình bày đầu tiên, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết, trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình, bị cáo luôn có những hoài bão và ước mơ phát triển các lĩnh vực như: Sân golf, khu nghỉ dưỡng, bất động sản, hàng không và đã có những thành tựu nhất định được xã hội ghi nhận, đánh giá cao cũng như "thay da đổi thịt" những vùng đất khó, đem lại việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động. Tuy nhiên, tại cùng một thời điểm, để thực hiện đồng thời nhiều ước mơ và hoài bão lớn như vậy, bị cáo đã phải làm một số việc vượt quá giới hạn pháp luật cho phép, dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.
Trong lời nói sau cùng của mình, bị cáo Quyết bày tỏ sự hối hận vì trong suốt quãng đời doanh nhân hơn 20 năm của bản thân, cho dù đã luôn nỗ lực, cố gắng thì bị cáo cũng không thể phủ nhận một sự thật là nhiều người thân, người bạn và đồng nghiệp, những người vì tin tưởng Quyết mà rơi vào vòng lao lý.
Cựu Chủ tịch FLC cũng lời xin lỗi đến tất cả những người được xác định là bị hại trong vụ án, mong được nhận sự khoan hồng từ các bị hại cho tất cả các bị cáo trong vụ án này. Theo bị cáo Quyết, đây là bài học quá lớn sẽ ám ảnh suốt cuộc đời bị cáo và những bị cáo khác. Bởi vậy, bị cáo xin được dùng lời nói sau cùng một lần nữa xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho tất cả các bị cáo.
Sau cùng, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC khẩn khoản: “Tôi chưa xin giảm nhẹ cho bản thân không phải vì tôi không muốn, nhưng đứng trước hàng chục con người bị liên đới tại phiên tòa ngày hôm nay, tôi cảm thấy việc xin cho bản thân vào giờ phút này thực sự khó nói”.
Tới lượt mình, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) cho hay, anh ruột Trịnh Văn Quyết là người bị cáo rất kính trọng, là niềm tự hào của cả dòng họ. "Hôm nay anh ấy đứng lên xin nhận hết trách nhiệm cho các bị cáo còn lại, mong Hội đồng xét xử xem xét", Trịnh Thị Minh Huế buồn rầu.
Về phần mình, bị cáo bày tỏ rất ân hận vì nhiều người đã quá tin tưởng vào bị cáo mà ký tất cả các giấy tờ. Chỉ mong Tòa giảm hình phạt cho tất cả.
Người thứ 3 đứng lên bục phát biểu là bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS). Trong khoảng 10 phút, Nga khóc nói không thành lời. Đầu tiên, Nga gửi lời xin lỗi những đồng phạm có mặt trong phiên tòa đã vì "anh em" bị cáo mà chịu cảnh hôm nay. Bị cáo rất ân hận, mong Tòa giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo.