Trò 'ảo thuật' của giám đốc trung tâm pháp y

Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị làm sai lệch kết quả giám định, gây trở ngại trong xử lý vụ án cố ý gây thương tích

Ngày 13-3, Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao xác nhận vừa tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đình Cương - giám định viên, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị - về tội "Giả mạo trong công tác" theo điều 359 Bộ Luật Hình sự. Cơ quan điều tra cũng đã thực hiện lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc của ông này.

Thiếu 2 xương sườn gãy

Ngày 16-8-2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hướng Hóa ban hành quyết định trưng cầu giám định số 90/QĐ liên quan vụ việc "cố ý gây thương tích" xảy ra tại xã Tân Long (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Trên cơ sở hồ sơ trưng cầu, ngày 17-8-2021, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định thành lập tổ giám định pháp y gồm 2 giám định viên và 2 cán bộ giúp việc.

Tại thời điểm giám định trực tiếp N.M.D (35 tuổi, xã Tân Long; người liên quan đến vụ việc "cố ý gây thương tích" trên) và nghiên cứu bệnh án ngoại khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị ghi nhận anh D. bị gãy cung xương sườn số 7, 8, 9, 10, 11, 12 bên trái và nhiều dấu hiệu khác.

Ngày 20-8-2021, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị ký ban hành bản kết luận giám định pháp y, theo đó, tỉ lệ tổn thương cơ thể của anh D. là 15%.

Đến ngày 19-10-2021, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh ban hành Quyết định 234/QĐ-TTPY thành lập tổ giám định pháp y nhưng chỉ có 1 giám định viên và 2 cán bộ giúp việc. Kết quả của lần giám định lại lần thứ nhất này có nội dung ghi nhận anh D. bị gãy cung sau 4 xương sườn bên trái (số 7, 8, 9, 10). Tại bản kết luận này, tỉ lệ tổn thương cơ thể của anh D. biến thành 9%.

Trước vụ việc này, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã lập đoàn thanh tra. Quá trình thanh tra, đoàn đã chỉ ra một loạt thiếu sót trong quy trình giám định lần đầu và giám định lại lần thứ nhất. Đặc biệt, đoàn thanh tra chỉ ra việc giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh ban hành kết luận giám định pháp y về thương tích - giám định lại lần thứ nhất sử dụng kết quả giám định cá nhân (một giám định viên) để thay thế kết quả giám định tập thể là chưa thực hiện đúng theo nguyên tắc "tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn" quy định tại điều 3 Luật Giám định tư pháp.

Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao tống đạt các quyết định đối với ông Nguyễn Đình CươngẢnh: XUÂN NHA

Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao tống đạt các quyết định đối với ông Nguyễn Đình CươngẢnh: XUÂN NHA

Gây khó khăn cho công an

Theo điều tra của Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao, ông Nguyễn Đình Cương với vai trò là giám định viên đã làm sai lệch kết quả của bản kết luận giám định thương tích lại từ tỉ lệ thương tích 15% còn 9%. Cụ thể, người được giám định gãy 6 xương sườn nhưng bản giám định lại cho kết quả chỉ gãy 4 xương sườn.

Bản giám định lại lần thứ nhất này sau đó được cung cấp cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Hướng Hóa khiến vụ án "Cố ý gây thương tích" gặp trở ngại... Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao đang mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi của những người liên quan.

Sau khi có kết luận của đoàn thanh tra, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu Trung tâm Pháp y tỉnh xây dựng hoàn thiện quy trình giám định pháp y tại đơn vị trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc, quy định, quy trình giám định pháp y được Luật Giám định tư pháp và các văn bản pháp luật liên quan quy định. Đồng thời, chú trọng việc phân công nhiệm vụ để gắn với trách nhiệm cá nhân; tổ chức chặt chẽ công tác tiếp nhận, quản lý, khám đối tượng giám định...

Sở này cũng yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động giám định pháp y thuộc phạm vi quản lý. Cùng với đó, xem xét trách nhiệm của giám định viên trong việc thực hiện giám định lại lần thứ nhất và trách nhiệm của giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, việc ra quyết định thành lập tổ giám định lại lần thứ nhất và bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 234/TgT đối với anh N.M.D.

Tội giả mạo trong công tác

Theo Bộ Luật Hình sự quy định về tội giả mạo trong công tác: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn...

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: có tổ chức; người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu...

ĐỨC NGHĨA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/tro-ao-thuat-cua-giam-doc-trung-tam-phap-y-20230313210818088.htm