Trợ cấp thôi việc trong công ty TNHH một thành viên Nhà nước

Ông Lê Văn Thất (lethat1986@...) đề nghị hướng dẫn giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động tại Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Nhà nước.

Ông Thất công tác tại Công ty TNHH một thành viên Nhà nước, thành lập tháng 10/2011, chính thức đi vào hoạt động được 4 tháng, trước đây là Ban quản lý Dự án thuộc một sở trong tỉnh.

Hiện nay, Công ty có trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) theo đúng quy định, thời gian công tác của người lao động là 26 năm (chưa hưởng trợ cấp). Ông Thất muốn được biết Công ty giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động này theo quy định tại Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 hay quy định tại Điều 3 Thông tư 10/2012/TT-BLĐTBXH ngày 26/4/2012?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời ông Thất như sau:

Theo ông Lê Văn Thất trình bày, công ty ông đang làm việc là Công ty TNHH một thành viên Nhà nước thành lập tháng 10/2011, chính thức đi vào hoạt động được 4 tháng, trước đây là Ban quản lý Dự án thuộc một sở trong tỉnh. Như vậy Công ty này được kế thừa tài sản, cơ sở vật chất, đội ngũ viên chức, người lao động và kế thừa nghĩa vụ của Ban Quản lý dự án.

Cách tính và chi trả tiền trợ cấp thôi việc

Cách tính và chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động khi chấm dứt HĐLĐ được quy định tại Điều 2, Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH sửa đổi khoản 3, mục III, Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH như sau:

Công thức tính trợ cấp thôi việc ở từng doanh nghiệp:

Trong đó:

- Tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp tính trợ cấp thôi việc (tính theo năm) được xác định theo khoản 3, Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ, trừ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ. Trường hợp, tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp tính trợ cấp thôi việc có tháng lẻ (kể cả trường hợp người lao động có thời gian làm việc tại doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên nhưng tổng thời gian làm việc tại doanh nghiệp tính trợ cấp thôi việc dưới 12 tháng) thì được làm tròn như sau: Từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng làm tròn thành ½ năm; Từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng làm tròn thành 1 năm.

- Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ, gồm tiền công hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).

- Trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản doanh nghiệp mà người lao động chấm dứt HĐLĐ, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm cộng cả thời gian người lao động làm việc cho mình và thời gian làm việc cho người sử dụng lao động liền kề trước đó để tính trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ cuối cùng.

Đối với công ty Nhà nước thực hiện phương án sắp xếp lại hoặc chuyển đổi hình thức sở hữu (chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ phần hóa, giao, bán) thì áp dụng theo quy định của Nhà nước đối với các trường hợp này.

Trợ cấp thôi việc đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại doanh nghiệp

Ngày 20/8/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 91/2010/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu được chuyển đổi từ công ty Nhà nước, công ty thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định về chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên nhưng chưa giải quyết chính sách lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002, Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10/8/2004, Nghị quyết số 07/2007/NQ-CP ngày 6/2/2007, Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ, nay tiếp tục thực hiện sắp xếp lại theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: Cổ phần hóa, giao, bán; Chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên; Chuyển thành đơn vị sự nghiệp; Giải thể, phá sản.

Theo đó, tại khoản 4, Điều 3 và Điều 4 Nghị định này quy định:

- Người lao động dôi dư đang thực hiện HĐLĐ không xác định thời hạn không đủ điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu thì thực hiện chấm dứt HĐLĐ và được hưởng chế độ như sau:

Trợ cấp 1 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm (đủ 12 tháng, số tháng lẻ cộng dồn vào giai đoạn tiếp theo) thực tế làm việc (có đi làm, có tên trong bảng thanh toán lương) trong khu vực Nhà nước (công ty 100% vốn Nhà nước; cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; nông, lâm trường quốc doanh), không kể thời gian người lao động đã nhận trợ cấp thôi việc, mất việc làm và thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định nhưng thấp nhất cũng bằng 2 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có);

Được hỗ trợ thêm 1 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm (đủ 12 tháng, số tháng lẻ cộng dồn vào giai đoạn tiếp theo) thực tế làm việc trong khu vực Nhà nước;

Được hưởng 6 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) để đi tìm việc làm.

- Người lao động dôi dư đang thực hiện HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng thì thực hiện chấm dứt HĐLĐ và được hưởng các chế độ sau:

Trợ cấp 1 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm thực tế làm việc trong lĩnh vực nhà nước, không kể thời gian người lao động đã nhận trợ cấp thôi việc, mất việc làm và thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Trợ cấp 70% tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) ghi trong HĐLĐ cho số tháng còn lại chưa thực hiện hết HĐLĐ đã giao kết, nhưng tối đa cũng không quá 12 tháng; trường hợp mức trợ cấp này thấp hơn mức tiền lương tối thiểu chung tại thời điểm nghỉ việc thì được tính bằng mức tiền lương tối thiểu chung.

Trường hợp ông Lê Văn Thất phản ánh, Công ty TNHH một thành viên Nhà nước nơi ông làm việc đã được thành lập trên cơ sở kế thừa quyền, nghĩa vụ của Ban Quản lý Dự án và mới đi vào hoạt động chính thức, không phải là trường hợp tiếp tục thực hiện sắp xếp lại theo phương án: cổ phần hóa, giao, bán; hoặc chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên; hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp; hoặc giải thể, phá sản. Do đó khi người lao động thôi việc ở Công ty trong giai đoạn này, không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại khoản 4, Điều 3 và Điều 4 Nghị định 91/2010/NĐ-CP và hướng dẫn trả trợ cấp cho người lao động dôi dư tại Điều 3 Thông tư 10/2012/TT-BLĐTBXH

Trường hợp này tính và chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 2 Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH sửa đổi khoản 3, mục III, Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

Mức tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc

Trợ cấp thôi việc cho người lao động ở doanh nghiệp cổ phần hóa

Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm

Chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động

Thời gian tính trợ cấp thôi việc

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính hưởng trợ cấp thôi việc

Trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động

Các trường hợp được và không được hưởng trợ cấp thôi việc

Cách tính trợ cấp mất việc làm cho lao động ở DN bị giải thể

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/tro-cap-thoi-viec-trong-cong-ty-tnhh-mot-thanh-vien-nha-nuoc/20126/141487.vgp