Trợ cấp thôi việc với người làm việc tại nhiều đơn vị

Ông Huỳnh Thanh Lâm (thanhlamxnno@...) nguyên Phó Trưởng phòng Hành chính - Kế toán Xí nghiệp Nhà ở và Dịch vụ đô thị Cà Mau thuộc Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Dầu khí đề nghị giải đáp về việc chi trả trợ cấp thôi việc đối với trường hợp của ông.

Quá trình công tác chưa hưởng trợ cấp thôi việc của ông Lâm như sau:

- Tháng 3/1997 - tháng 12/1998: Công tác tại Đoàn ca múa nhạc tỉnh Cà Mau;

- Tháng 1/1999 - tháng 9/2004: Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau;

- Tháng 10/2004 - tháng 12/2010: BHXH tỉnh Kiên Giang;

- Tháng 1/2011 - tháng 6/2012: Xí nghiệp Nhà ở và Dịch vụ đô thị Cà Mau trực thuộc Công ty Cổ phần Phát triển đô thị Dầu khí;

- Tháng 7/2012 ông Lâm xin nghỉ việc và được Công ty cổ phần Phát triển đô thị Dầu khí ra quyết định cho nghỉ việc, nhưng không có trợ cấp thôi việc cho thời gian công tác từ tháng 3/1997 - tháng 12/2008.

Ông Lâm đã đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho thời gian từ tháng 1/2009 - tháng 6/2012.

Ông Lâm muốn biết, Công ty cổ phần Phát triển đô thị Dầu khí không trả trợ cấp thôi việc cho ông có đúng quy định không?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời trường hợp của ông Lâm như sau:

Các trường hợp hưởng trợ cấp thôi việc

Điều 2 Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sửa đổi khoản 3, mục III, Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số trường hợp cụ thể trong việc chi trả tiền trợ cấp thôi việc như sau:

- Người lao động thực hiện nhiều hợp đồng lao động (HĐLĐ) tại một doanh nghiệp mà khi chấm dứt từng HĐLĐ chưa thanh toán trợ cấp thôi việc thì doanh nghiệp cộng thời gian làm việc theo các HĐLĐ để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động. Trường hợp, có HĐLĐ do người lao động đơn phương chấm dứt trái pháp luật thì thời gian làm việc theo HĐLĐ đó không được tính trợ cấp thôi việc.

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ cuối cùng.

- Người lao động làm việc cho công ty Nhà nước nhưng có thời gian làm việc theo chế độ biên chế và có cả thời gian làm việc theo HĐLĐ thì cộng cả hai loại thời gian này để tính trợ cấp thôi việc.

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ cuối cùng.

- Người lao động làm việc ở nhiều công ty Nhà nước do chuyển công tác trước ngày 1/1/1995, thì trợ cấp thôi việc được tính theo thời gian làm việc ở từng công ty nhà nước.

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc cho người lao động ở từng doanh nghiệp là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ ở công ty Nhà nước cuối cùng. Công ty Nhà nước cuối cùng có trách nhiệm chi trả toàn bộ số tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động, kể cả phần trợ cấp thôi việc thuộc trách nhiệm chi trả của công ty Nhà nước mà người lao động đã làm việc trước khi chuyển công tác trước ngày 1/1/1995, sau đó gửi thông báo theo mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này để yêu cầu hoàn trả số tiền đã được chi trả hộ.

Trường hợp công ty Nhà nước được chi trả hộ đã chấm dứt hoạt động thì ngân sách Nhà nước hoàn trả số tiền trợ cấp thôi việc đã được chi trả hộ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản doanh nghiệp mà người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm cộng cả thời gian người lao động làm việc cho mình và thời gian làm việc cho người sử dụng lao động liền kề trước đó để tính trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt HĐLĐ cuối cùng.

Đối với công ty Nhà nước thực hiện phương án sắp xếp lại hoặc chuyển đổi hình thức sở hữu (chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ phần hóa, giao, bán) thì áp dụng theo quy định của Nhà nước đối với các trường hợp này.

Thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc

Trường hợp ông Huỳnh Thanh Lâm, có quá trình công tác tại các cơ quan, đơn vị khu vực Nhà nước từ tháng 3/1997 đến tháng 12/2010. Theo ông Lâm trình bày khi thôi việc tại các cơ quan, đơn vị đó ông chưa nhận trợ cấp thôi việc.

Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thì từ ngày 1/1/1995 trở đi, khi thôi việc ông Lâm được các cơ quan, đơn vị khu vực Nhà nước nơi đã làm việc trả trợ cấp thôi việc tương ứng với thời gian ông làm việc tại cơ quan đơn vị đó (trừ thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 1/1/2009 trở đi).

Thời gian tham gia công tác ở khu vực Nhà nước, các lần thôi việc, chuyển công tác tại cơ quan, đơn vị khu vực Nhà nước của ông Lâm đều thực hiện sau ngày 1/1/1995, do vậy nếu ông chưa nhận trợ cấp thôi việc thì có thể đến từng cơ quan đơn vị cũ đề nghị trả trợ cấp thôi việc.

Tháng 1/2011 ông Lâm ký hợp đồng lao động với Công ty cổ phần Phát triển đô thị Dầu khí, làm việc tại đơn vị trực thuộc là Xí nghiệp Nhà ở và Dịch vụ đô thị Cà Mau. Đến ngày 1/7/2012 ông Lâm thôi việc theo nguyện vọng đã được Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển đô thị Dầu khí đồng ý, ra quyết định số 266/QĐ-ĐTDK ngày 28/6/2012 về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông Lâm.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 41 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật BHXH không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm.

Thời gian từ tháng 1/2011 đến tháng 7/2012 ông Lâm làm việc tại Công ty cổ phần Phát triển đô thị Dầu khí có đóng bảo hiểm thất nghiệp cho nên thời gian này không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc.

Theo các quy định nêu trên, Công ty cổ phần Phát triển đô thị Dầu khí (Cà Mau) không phải trả trợ cấp thôi việc cho ông Lâm trong thời gian ông làm việc tại Công ty, đồng thời không có nghĩa vụ chi trả trợ cấp thôi việc thay cho các cơ quan đơn vị khu vực Nhà nước nơi ông Lâm đã công tác trước đây .

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Các tin liên quan:

>> Chế độ thôi việc khi chuyển công tác

>> Thời gian tính trợ cấp thôi việc

>> Chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động

>> Trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm

>> Chế độ thôi việc đối với công chức cấp xã

>> Trợ cấp thôi việc cho người lao động ở doanh nghiệp cổ phần hóa

>> Trợ cấp thôi việc trong công ty TNHH một thành viên Nhà nước

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/tro-cap-thoi-viec-voi-nguoi-lam-viec-tai-nhieu-don-vi/20128/146595.vgp