Trò chơi dân gian Cổ Nhơn: Miền nhớ của người Bình Định xa xứ

Với nhiều người Bình Định đón tết xa quê, trong nhiều nỗi nhớ có nỗi nhớ không khí râm ran từ đầu làng đến cuối xóm của ngày hội Cổ Nhơn.

Cổ Nhơn- trò chơi dân gian độc đáo

Nhiều trò chơi dân gian đã tạo thành nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của địa phương. Cổ Nhơn ở Bình Định cũng thế, trò chơi dân gian đã tạo nên nét văn hóa tao nhã đặc biệt, thắng là vui mà thua cũng cười. Nhiều người con xa xứ tâm sự rằng, mỗi dịp xuân về, nỗi nhớ quê gắn với ký ức về trò chơi gắn với tuổi thơ, Cổ Nhơn là miền nhớ không quên.

Nơi phổ biến trò chơi Cổ Nhơn nhiều nhất, lưu truyền được nét văn hóa bền vững và sự thích thú say mê của những người bản địa là thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn.

30 tết (tháng thiếu 29), Cổ Nhơn khai hội và có thể kéo dài đến mồng 5, mồng 6 tùy nơi. Thế nhưng từ độ 25 tháng Chạp, người dân đã sôi nổi, bàn luận, chờ đợi một mùa Cổ Nhơn đến.

Mỗi dịp xuân về, người Bình Định háo hức chờ hội Cổ Nhơn.y. (Ảnh: Nguồn Internet)

Mỗi dịp xuân về, người Bình Định háo hức chờ hội Cổ Nhơn.y. (Ảnh: Nguồn Internet)

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Nhân (Bình Định), trò chơi Cổ Nhơn gần giống với trò chơi hò bài thai, một trò chơi dân gian rất phổ biến ở vùng Bình - Trị - Thiên. Hai trò chơi này có liên hệ về nguồn gốc với một lối chơi mà cổ nhân gọi là hò thai. Đây là loại chơi đố bằng thơ, các cụ thường dùng để chơi vui trong dịp chơi xuân.

Cổ Nhơn cũng tương tự như chơi xổ số hoặc bầu cua tôm cá, nhưng có nhiều sự khác biệt. Thay vì các dãy số trong vé số, hay 6 con vật trong bầu cua tôm cá gà nai, thì ở đây sẽ có tổng cộng 36 con.

Tổ chức trò chơi là Hội xổ Cổ Nhơn. Hội này chịu trách nhiệm ra câu đố (hay gọi là câu Thai) thường là 4 câu thơ lục bát. Người soạn câu Thai là những người có uy tín, am hiểu truyền thống. Khi luận thường luận theo tuồng, theo tích, các thể thơ tứ tuyệt.

Hội có trách nhiệm thu tiền (Tịch) của người chơi và chung tiền cho những người chơi có đáp án chính xác được xác nhận trên tờ phiếu của hội bán ra.

Cứ ngày hai lần, tùy theo mỗi địa phương mà chọn giờ, có thể là 6h và 14h, hội xổ Cổ Nhơn sẽ chọn đáp án (1 trong 36 con vật) cho vào một chiếc hộp gỗ có khóa, niêm phong.

Hộp gỗ sẽ được treo trên ngọn cây nêu trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương, hội xổ và người dân. Cây nêu này cao hơn 5m thường được đặt trước sân của trụ sở chính quyền. Dưới sân lúc nào cũng có dân quân trực canh gác. Cũng với sự có mặt đó, đến 12h và 18h, đại diện hội xổ sẽ có người kéo hộp gỗ xuống, mở và công bố đáp án.

Dữ liệu của đáp án trong bảng Cổ Nhơn gồm có 36 con vật được chia thành 9 nhóm. Cụ thể:

Bảng 36 con vật tượng trưng cho 36 đáp án đối với câu đề mà Hội xổ Cổ Nhơn đưa ra. Người chơi nếu mua được đáp án đúng vào cuối buổi thì giải thưởng sẽ được nhân lên 25 lần so với giá trị mua ban đầu. (Ảnh: Nguồn Internet)

Bảng 36 con vật tượng trưng cho 36 đáp án đối với câu đề mà Hội xổ Cổ Nhơn đưa ra. Người chơi nếu mua được đáp án đúng vào cuối buổi thì giải thưởng sẽ được nhân lên 25 lần so với giá trị mua ban đầu. (Ảnh: Nguồn Internet)

Người chơi Cổ Nhơn muốn mua bao nhiêu con, bao nhiêu tiền cũng được. Mua 1, nếu trúng sẽ nhận được gấp 25 lần.

Điểm thu hút ở trò chơi là cuộc đấu trí của người bán Tịch (người của Hội) thường là người biết bàn, luận về thai sao cho có lý để thu hút người chơi mua con vật đó. Người nào luận càng hay thì càng thu hút được người mua.

Hiện nay người bán Tịch cũng bắt kịp thời đại 4.0 để bán Cổ Nhơn online. Phần là để những người con xa xứ cũng tham gia được để vơi bớt nỗi nhớ quê nhà, phần vì các khâu mua bán cũng nhanh gọn.

Người chơi dựa vào ý nghĩa của đề mà luận ra đáp án, đây chính là phần sôi nổi nhất. Nội dung của 4 câu đề thường về danh lam, thắng cảnh, các chiến thắng lịch sử, câu chuyện văn học, cuộc sống đời thường...

Đáp án cũng bám vào những ý đó, tuy nhiên không phải ai cũng là người chiến thắng. Chưa chắc người luận hay đã thắng, cũng chưa hẳn người chọn bừa sẽ thua. Vì đã là thơ thì luận kiểu nào cũng có lý, cũng đúng nhưng để trùng với lựa chọn của hội thì không hề đơn giản.

Câu thai trong đề thường gọn, lời lẽ đơn giản. Chẳng hạn như đề ra mùng 6 Tết năm Nhâm Dần 2022 của thị xã Hoài Nhơn như sau:

Bình Đê, Phủ Cũ hai đầu

Tam Quan bến cảng, nhịp cầu Bồng Sơn

Ai về thị xã Hoài Nhơn

Chung tay kiến thiết đẹp hơn quê mình.

Cơ sở từ bài thơ trên, người chơi có trách nhiệm luận ra đáp án đó là con vật gì trong 36 con như đã nêu ở trên.

Có người luận từ bài thơ trên, quê mình hiện nay luôn giàu đẹp, có cuộc sống yên bình hạnh phúc vì thế hãy mua Thái Bình (Con rồng nằm). Có người lại luận khác rằng, trong bài thơ có nhắc đến Tam Quan, nơi đây chim én rất nhiều, là biểu tượng của mùa xuân về vì thế hãy mua Thượng Chiêu (con Én).

Đáp án cuối cùng khiến mọi người bật ngửa trong vui vẻ, hân hoan vì lời giải thích của ban tổ chức quá chi là hợp tình, hợp lý. Cách giải thích vô cùng khéo léo vì bài thơ ca ngợi quê hương Hoài Nhơn, nơi đây có con sông Lại Giang chảy qua. Cũng là con rồng nhưng không phải là con rồng nằm (Thái Bình) mà là con rồng bay (Giang Từ) để biểu đạt con sông Lại Giang ấy.

Đáp án con rồng bay (Giang Từ) đã khiến người chơi, luận đề "bật ngửa" trong thích thú mặc dù đã thua cuộc chơi. (Ảnh: Nguồn Internet)

Đáp án con rồng bay (Giang Từ) đã khiến người chơi, luận đề "bật ngửa" trong thích thú mặc dù đã thua cuộc chơi. (Ảnh: Nguồn Internet)

Mỗi câu đề sẽ có vô số cách hiểu khác nhau nên mỗi người có một cách suy luận, từ trí thức đến nông dân, từ người già đến trẻ nhỏ đều có cách luận riêng cho mình tạo sự đa dạng, hấp dẫn đặc biệt.

Đi tìm nguồn gốc Cổ Nhơn

Đến nay chưa có một tài liệu chính thống nào nói rõ nguồn gốc xuất xứ của Cổ Nhơn, chỉ biết trò chơi này đã tồn tại từ rất lâu đời, được nhiều thế hệ truyền nhau. Ngày nay, Cổ Nhơn trở thành một “món ăn” ngày Tết cổ truyền đặc sắc, hấp dẫn, khó có thể thiếu của người dân Bình Định.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch (bút hiệu Lộc Xuyên, sinh tại Lộc Trung, Phước Sơn, Tuy Phước, Bình Định), trò chơi Cổ Nhơn đã xuất hiện khoảng thời nhà Nguyễn do du nhập từ bên ngoài. Khi về Việt Nam đã phát triển, biến hóa thành một trò chơi tao nhã trong dịp tết cho mọi tầng lớp người dân nhất là Bình Định.

Một câu thai ẩn chứa nhiều con vật có khả năng được xổ ra, rồi xổ lại con đã xổ, Cổ Nhơn là trò chơi dân gian mang tính chất độc đáo, riêng biệt tại Bình Định. (Ảnh: Nguồn Internet)

Một câu thai ẩn chứa nhiều con vật có khả năng được xổ ra, rồi xổ lại con đã xổ, Cổ Nhơn là trò chơi dân gian mang tính chất độc đáo, riêng biệt tại Bình Định. (Ảnh: Nguồn Internet)

Vui lắm, mỗi khi chống gậy ra mua Cổ Nhơn, nhìn một dãy con vật mà không biết mua con gì. Câu đố là như thế nhưng mua lần nào cũng trật hết trơn à, nhưng có bao giờ buồn đâu!”, cụ Nguyễn Thị Tư, 72 tuổi ở thị xã An Nhơn chia sẻ.

Với người Bình Định, ngày tết mà thiếu Cổ Nhơn như thiếu bánh tét, hoa mai vậy. Những ngày rộn ràng chuẩn bị đón tết thì khắp đường phố cũng rộn ràng treo bảng bán Cổ Nhơn. Trò chơi dân gian giàu chất trí tuệ này góp phần khiến ngày xuân tưng bừng hơn, vui hơn, tết cổ truyền ý nghĩa hơn.

Hình ảnh những đứa trẻ hăng say “luận Cổ”, suy đoán “vô lý” theo cách của mình hay những cụ ông, cụ bà đeo kính ngồi chiêm nghiệm, cân nhắc lựa chọn con vật sẽ ra. Rồi đến cả việc tính xem mình sẽ mua “Cổ” bao nhiêu tiền đến chuyện lắng nghe, sự tranh luận và ghi nhận ý kiến lẫn nhau để giải đáp được trò chơi.

Đánh Cổ Nhơn sướng nhất là bàn. Người nào bàn có lí được tán thưởng, không có lý thì lại “cãi nhau”, chúng tôi còn tìm bạn tâm giao để bàn cho thỏa chí”, một ông lão “nghiện” Cổ Nhơn ở thị xã Hoài Nhơn cho biết.

Với nhiều người Bình Định, ngày tết mà thiếu Cổ Nhơn như thiếu bánh tét, hoa mai vậy. (Ảnh: Nguồn Internet)

Với nhiều người Bình Định, ngày tết mà thiếu Cổ Nhơn như thiếu bánh tét, hoa mai vậy. (Ảnh: Nguồn Internet)

Không chỉ tại những điểm chơi Cổ Nhơn mà khi đến nhà chúc tết, đi chơi, họp lớp, thậm chí ngồi vào bàn nhậu cũng bàn luận, hỏi nhau í ơi về Cổ Nhơn.

Chơi Cổ Nhơn đã thành nét truyền thống của vùng đất này. Người dân ở địa phương mê, người đi xa cũng háo hức. Em trai tôi đang lao động ở Hàn Quốc, 3 năm rồi ăn tết xa quê nhưng tết nào cũng điện thoại về hỏi câu Thai rồi cùng cả nhà bàn luận”, anh Trần Đức Huy (sống tại thị xã Hoài Nhơn) chia sẻ.

Người chơi Cổ Nhơn mỗi người có một cảm xúc khác nhau vui, tiếc… nhưng đó chính là dư âm của những ngày Tết vui nhộn, tạo niềm phấn chấn cho một năm mới. Cổ Nhơn trở thành một nét văn hóa khiến nhiều người tò mò, thích thú khi ghé đến Bình Định những ngày tết.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tro-choi-dan-gian-co-nhon-mien-ky-uc-kho-quen-cua-nguoi-binh-dinh-xa-xu-ar736410.html