Trò chưa thi, thầy chưa nghỉ
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các trường THPT đã kết thúc ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12, nhưng ở các vùng sâu, vùng xa, nhiều thầy cô vẫn miệt mài sát cánh cùng học sinh từ ghế nhà trường đến khu nội trú.
Những ngày này, từ khu nội trú đến các phòng học ôn tập tại Trường THPT Lang Biang (huyện Lạc Dương) luôn sáng đèn đến tận khuya. Giai đoạn này, Ban Giám hiệu và giáo viên bộ môn nhà trường đã chia thời khóa biểu, tăng tiết dạy để hướng dẫn các em ôn tập. Trong ngày, học sinh thực hiện việc ôn tập kiến thức trên lớp. Tối đến, tại khu nội trú, các em tự giác ôn tập thêm với sự giám sát, hỗ trợ của giáo viên, từ 19 giờ đến 21 giờ.
Em Rơ Ông K’Huyền, học sinh lớp 12A1 tâm tư: “Với học sinh vùng sâu, vùng xa như tụi em, ngại nhất là các môn Toán và Anh văn nên em dành nhiều thời gian để ôn tập, giải đề thi minh họa môn này. Em thấy an tâm hơn vì thầy cô luôn kèm cặp chúng em từ trên lớp học đến tận khu nội trú. Em hy vọng sẽ vượt qua được kỳ thi này”.
K’Huyền chia sẻ, cách ôn bài của em cũng khá đơn giản, cố gắng nắm hết các kiến thức nền trong sách giáo khoa, sau đó thì tìm thêm tài liệu, bài tập nâng cao để làm.
Năm nay, Trường THPT Lang Biang có 97 em học sinh khối 12. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các em nghỉ học suốt 3 tháng nên việc học và ôn thi gặp nhiều khó khăn.
Ngay sau khi đi học trở lại, nhà trường khẩn trương xây dựng kế hoạch học tập; đồng thời, ôn tập cho học sinh, nhất là khối 12. Trường cũng đã tiến hành kiểm tra, đánh giá kiến thức tiếp thu của học sinh, áp dụng phương pháp bổ sung, rèn luyện cho các em trước khi tham gia kỳ thi này.
Ông Đặng Thành Long - Hiệu trưởng Trường THPT Lang Biang cho biết: Không giống học sinh ở các TP Đà Lạt, Bảo Lộc hay các huyện có có nền tảng kiến thức tốt, năng lực của học sinh vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Lạc Dương còn hạn chế nên các thầy, cô giáo bộ môn của nhà trường phải tìm những phương pháp hiệu quả nhất để bổ sung kiến thức cho các em.
Đối với Trường THPT Lang Biang, việc mở các lớp ôn tập cho các em được nhà trường tiến hành dựa trên việc phân loại năng lực từng học sinh và phân hóa theo từng tổ hợp. Giáo viên sẽ dựa vào các khối mà trường cao đẳng, đại học tuyển sinh để ôn tập, nội dung bám sát vào chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.
CẦN LÀM TỐT CÔNG TÁC
PHÂN LUỒNG HỌC SINH
Nhiều trường THPT vùng sâu, vùng xa, có tỉ lệ học sinh yếu đông chia sẻ nếu công tác phân luồng ngay từ năm cuối cấp THCS tốt hơn thì những em có học lực kém tìm được hướng đi đúng cho mình ở các trường nghề; tránh tình trạng lên cấp THPT thì không theo kịp chương trình, bỏ học giữa chừn. Khi thi tốt nghiệp THPT thì việc bồi dưỡng cho học sinh trung bình và yếu đòi hỏi phải nhiều hơn nhằm giảm tỉ lệ rớt tốt nghiệp.
Theo thầy Long, với phương châm “trò chưa thi, thầy chưa nghỉ”, để giúp học sinh “vượt vũ môn”, Ban Giám hiệu và các thầy, cô giáo bộ môn sẽ đồng hành cùng các em xuyên suốt cho đến những ngày diễn ra kỳ thi.
Còn tại Trường THPT DTNT tỉnh, cô Phạm Thị Hồng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong giai đoạn “nước rút” ôn thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh việc hệ thống kiến thức, rèn kỹ năng làm bài, nhiệm vụ trọng tâm của thầy cô là dồn sức cho học sinh yếu, giúp các em thi đậu tốt nghiệp THPT.
Theo cô Hồng, với quyết tâm “không để học sinh yếu kém ở lại phía sau”, nhà trường căn cứ vào năng lực và kết quả học tập của học sinh, để chia ra nhiều mức độ học tập.
Đối với học sinh yếu kém, giáo viên bộ môn sẽ ôn tập trung ở phần thông hiểu, nhận biết, củng cố kiến thức cơ bản, chủ yếu tập trung kiến thức lớp 12. Mỗi chương, bài học đều có phần nhận biết, nhằm giúp học sinh yếu, trung bình đạt được điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.
Ngoài giờ ôn thi trên lớp, hằng đêm, các thầy, cô giáo đến khu bán trú của các em để kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc, hướng dẫn thêm cho các em có học lực hạn chế hơn để các em tham gia kỳ thi có kết quả như mong muốn.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202008/tro-chua-thi-thay-chua-nghi-3015939/