Trò chuyện với hàng cau

Có những thứ cây bên nhà luôn gợi cho mỗi người nỗi da diết. Cây cau bên hiên nhà là loài cây như thế. Tôi yêu hoa xoan, hoa chanh trong thơ của Nguyễn Bính, yêu hoa bưởi của Phan Thị Thanh Nhàn, rồi yêu hoa cau trong thơ Hoàng Cầm, Xuân Diệu.

Tôi cũng đắm đuối khi Vũ Quần Phương viết rất gợi: Hương đuổi bắt/ Hay hồn tôi đuổi bắt/ Đã có rồi không mất/ Không thấy hoa/ Nhưng mùi hương thì biết/ Cái mùi hương da diết/ Tiếng gọi thầm/ Xa hút/ Một cõi vườn cao vút những thân cau… Tôi còn gặp bài thơ tình nỉ non của Đặng Khoa: Em về tìm lại hoa cau/ Đã vì sương muối rụng đau dưới chiều/ Đường kiều in đậm dáng kiều/ Dịu dàng chỉ một mỹ miều dễ hai…

Hẳn là phần nhiều thi sĩ sinh ra và lớn lên ở làng quê đều thấm đượm trong hương cau, từng mượn cây cau để tỏ bày tâm trạng vui buồn, nghiền ngẫm về cuộc đời. Tôi cũng yêu hàng cau, hoa cau và cứ thế mà dâng lòng lên cùng hoa, với cây và các thi sĩ. Tôi viết những bài thơ và tùy bút về cau, tình yêu đôi lứa. Trong nỗi nhớ ấp iu quê nhà, mo cau từng rụng xuống trong giấc mơ, từng là vật để tôi gối lên đó sự mộng mơ thuở tập làm người lớn. Dưới hương cau thoảng, tôi đã cất lời tỏ tình với người con gái thích gội đầu bồ kết, ngắm hoa gạo, hoa cải và lúng liếng đôi mắt đợi tôi bên gốc cau cao vút.

Minh họa: Mai Minh

Minh họa: Mai Minh

Trước và sau ngôi nhà tổ của tôi đều có cau. Phía trước nhà, cau được trồng khi ông bà mới sinh bố tôi. Hàng cau sau nhà được trồng cùng năm bố tôi lập gia đình. Ông tôi chỉ là người nông dân thuần túy nhưng lại vô cùng yêu những nét đẹp bình dị. Bởi thế, ông luôn chăm chút cho không gian quanh nhà. Nhà phải năm gian, hai chái, lợp ngói mũi hài cổ. Ông bảo, ngôi nhà nông thôn chỉ đẹp khi có sự hài hòa bởi khoảng xanh. Hàng cau trước và sau nhà, hoa trong khuôn viên chính là những khoảng trữ tình mướt mát để làm nên sự hài hòa ấy.

Sau này, ông tôi dựng nhà riêng cho bố tôi ở mé phải ngôi nhà chính. Ông cũng bố trí những khoảng có thể trồng được cây xanh, vừa lấy bóng mát, vừa tạo kiến trúc cho ngôi nhà thi vị. Bây giờ thì cả hai ngôi nhà với những hàng cau cùng thân cau các gia đình hàng xóm trở thành nơi neo giữ hồn quê. Đó là khối tài sản tôi thấy tự hào.

Mỗi người trong gia đình tôi đều gắn bó với cây cau một cách tự nhiên. Tự nhiên và thân thuộc như người tình thân. Thân thuộc bởi vì ngày nào cau cũng hiện diện trước nhà, là thực thể trong đời sống và trong nhiều sinh hoạt văn hóa. Vì yêu cau nên yêu cả dáng thẳng của cau, yêu những tàu lá, chiếc mo, yêu hương hoa thơm ngát, yêu những tổ chim trú ngụ bình yên ở đó. Ông tôi chính là người đã gieo vào lòng bố tôi và các chú, rồi lại gieo vào thế hệ tôi tình yêu quê nhà, yêu những ngõ cau mộc mạc, những sân phơi có bóng cau nghiêm trang. Có lần ông nội hỏi bố: “Nhìn lên cây cau con thấy điều gì?”. Bố tôi trả lời: “Con thấy bầu trời xanh”. Ông lại hỏi tôi: “Nhìn lên cây cau cháu thấy gì?”. Tôi thưa: “Cháu thấy bài học làm người ngay thẳng. Đó là triết lý của ông phải không ạ?”. Ông tôi gật đầu, cười. Tôi liền hỏi lại ông: “Vậy nhìn lên cây cau, ông đã thấy gì ạ?”. Ông điềm nhiên trả lời: “Ông thấy tương lai tươi đẹp của dòng họ ta”.

Thế đó, mỗi người một cách nghĩ, một “sự thấy” khác nhau. Điều đó làm nên sự đa tính cách, khác biệt trong mỗi thành viên, để người này không lặp lại người trước. Mỗi người đều có một cách sáng tạo, cách sống và làm việc, dù là nhổ cỏ, bắt sâu hay chỉ là dắt trâu ra đồng cày ruộng.

Một ngày bình an, tôi ngước lên hàng cau và hỏi: “Ở trên đó cau có gì vui?”. Tức thì từ trên những tàu cau một đàn chim xòe cánh bay ra. Tôi lại hỏi: “Cau có thấy bầu trời cao rộng?”. Những tàu cau đung đưa, tạo ra âm thanh xạc xào. Vậy cau có gì cho tuổi thơ tôi? Phấn hoa cau rụng xuống. Chiếc mo cau rơi như thả một nốt nhạc. Tôi chợt nhớ tới trò kéo xe bằng mo cau. Ngày xưa mỗi khi có chiếc mo cau là cái tàu lá khô rụng, hai chị em tôi thường dùng chơi cùng nhau. Tôi và chị thay nhau ngồi ở phần bẹ, rồi lại thay nhau cầm phần đầu của lá để kéo, rồi reo hò cười nói giòn tan.

Phía bên kia, người vợ mới cưới của tôi gọi: “Anh ơi, làm gì mà ngẩn người ra thế?”. Tôi quay về thực tại. Tôi nhớ mình tuổi ngây khờ/ Yêu em mà cưới bốn mùa hàng cau...

Tản văn của NGUYỄN VĂN HỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tro-chuyen-voi-hang-cau-614830