Trợ giúp pháp lý cho những người 'yếu thế'
Các chính sách hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm ở Việt Nam có sự vận động và thay đổi phù hợp với quan điểm về mại dâm, bối cảnh kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Nhà nước giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, tổ chức hành nghề luật sư và luật sư, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia thực hiện, đóng góp, hỗ trợ hoạt động trợ giúp pháp lý. Do có sự thay đổi lớn trong quan điểm về quản lý đối tượng là người bán dâm do đó nhu cầu cần được trợ giúp pháp lý của người bán dâm khá cao. Đây cũng là một trong những nhu cầu chính đáng để người bán dâm nắm bắt được các thông tin cần thiết liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của họ.
Đối tượng của Luật Trợ giúp pháp lý ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin của người dân, cộng đồng. Theo Điều 10, Luật Trợ giúp pháp lý 2006, chỉ có “người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” mới được trợ giúp pháp lý. Điều này vô hình trung đã giới hạn pháp vi đối tượng hưởng lợi của Luật định do vậy hạn chế khả năng tiếp cận chính sách của người bán dâm trong trường hợp cần được trợ giúp pháp lý về các quyền và nghĩa vụ của bản thân.
Tuy nhiên, năm 2017 Quốc hội đã ban hành Luật số 11/2017/QH14 về trợ giúp pháp lý. Theo đó, đối tượng hưởng lợi từ Luật này đã tăng từ 3 nhóm lên đến 7 nhóm. Các nhóm đối tượng của Luật này bao gồm: Người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính (cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, người nhiễm chất độc da cam, người cao tuổi, người khuyết tật, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người, người nhiễm HIV).
Có thể thấy, các nhóm đối tượng thuộc điểm g, h của khoản 7 Điều 7 tương đối liên quan đến nhóm người bán dâm. Đây cũng là cơ hội để người bán dâm có thể tiếp cận được tốt hơn khi có nhu cầu được hỗ trợ thông tin pháp lý. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 9 Luật này yêu cầu “Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý”. Đây có thể coi là một trong những khó khăn đối với người bán dâm khi có nhu cầu nắm bắt thông tin pháp luật.
Dù chưa có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ pháp lý cho người bán dâm nhưng các địa phương luôn chủ động trợ giúp cho họ khi có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý về nhân thân và các vấn đề liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống mại dâm. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng để người bán dâm hiểu biết hơn về chính sách, pháp luật của Nhà nước qua đó tự bảo vệ quyền và lợi ích của chính bản thân mình.
Tuy nhiên, do tâm lý ngại tiếp xúc cũng như không muốn tiết lộ những hành động bạo lực của người mua dâm cũng như chưa am hiểu hết các quy định của pháp luật nên khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ pháp lý của người bán dâm còn thấp; phạm vi chủ yếu là người bán dâm hiện đang sinh hoạt tại các CLB, nhóm đồng đẳng mới có thể nắm bắt và được hỗ trợ thông tin pháp lý.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tro-giup-phap-ly-cho-nhung-nguoi-yeu-the-150262.html