Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ khuyết tật để ngăn chặn bạo lực gia đình
Các tổ chức của người khuyết tật cần hiểu rõ vai trò của mình trong việc nâng cao nhận thức về pháp luật cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số trong thúc đẩy bình đẳng giới. Đó là yếu tố quan trọng để giúp họ ngăn chặn bạo lực gia đình.
Nâng cao nhận thức pháp luật cho người khuyết tật
Ngày 25/12, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và hành động vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) đã tổ chức Diễn đàn "Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao năng lực đối với phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số trong thực thi luật Bình đẳng giới, luật Hôn nhân gia đình".
Tại diễn đàn, bà Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc trung tâm IDEA chia sẻ: "Nhiều phụ nữ và trẻ em gái là những đối tượng yếu thế cần được hỗ trợ, bảo vệ trước vấn nạn bạo lực, bị xâm hại. Đặc biệt, với những phụ nữ khuyết tật, nguy cơ bị xâm hại còn cao hơn do họ thiếu khả năng tự phòng vệ bởi những khiếm khuyết bản thân. Vì vậy, gia đình, nhà trường, cộng đồng, các tổ chức xã hội cần phải đồng hành bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trước các hành vi bạo lực".
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng hơn 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số trong đó 5,89% là nữ giới. Phần lớn phụ nữ khuyết tật sống ở vùng nông thôn, có gia cảnh nghèo khó, thậm chí rất nghèo. Phụ nữ khuyết tật không chỉ gặp những rào cản về giới, mà còn thêm rào cản về tình trạng khuyết tật của mình. Họ ít được tiếp cận với những cơ hội phát triển cá nhân, có những hạn chế trong tiếp xúc xã hội, kinh tế, các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm…
Hiện nay, nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật tuy đã tốt hơn, nhân văn hơn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, làm cản trở quá trình hòa nhập của người khuyết tật. Rào cản lớn nhất hiện nay là xã hội vẫn nhìn người khuyết tật bằng con mắt thương hại theo quan điểm từ thiện, nhân đạo chứ chưa theo cách tiếp cận tích cực dựa trên quyền cơ bản của họ.
Dự án "Thúc đẩy các biện pháp bảo đảm quyền của phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số trong thực hiện luật Bình đẳng giới, luật Hôn nhân và Gia đình" được thực hiện với mong muốn hỗ trợ cho phụ nữ khuyết tật và dân tộc thiểu số. Qua đó giúp họ những kiến thức cơ bản về luật pháp, những kỹ năng cần thiết và khả năng tiếp cận dịch vụ thông qua tập huấn, hội thảo, đối thoại chính sách, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực và tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức xã hội về phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới.
Sau 19 tháng triển khai ở các xã miền núi, trong đó có 4 xã Minh Quang, Khánh Thượng, Yên Bài và Vân Hòa (huyện Ba Vì, Hà Nội), dự án đã đạt được kết quả cao. IDEA đã phối hợp tốt với mạng lưới trợ giúp của địa phương nhằm cung cấp các kỹ năng, hiểu biết cho nhóm nòng cốt những kiến thức hỗ trợ pháp luật ban đầu để phụ nữ khuyết tật và phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận được với pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền địa phương.
Ông Đào Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Ba Vì nhấn mạnh, dự án đã xây dựng được một mạng lưới hỗ trợ pháp luật ban đầu bao gồm có cả người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người làm công tác xã hội và ban công tác mặt trận tại cơ sở. Họ sẽ trợ giúp người khuyết tật, người dân tộc thiểu số ngay sau khi vụ việc xảy ra tại địa phương. Việc có người khuyết tật tham gia vào mạng lưới hỗ trợ pháp luật ban đầu rất tốt bởi vì chỉ có họ mới hiểu rõ người cùng hoàn cảnh. Họ dễ tiếp cận và dễ khai thác lấy thông tin để trợ giúp nhanh hơn.
Đưa người dân tộc thiểu số vào nhóm nòng cốt, dẫn dắt
Chị Nguyễn Thị An ở xã Vân Hòa chia sẻ, khi được mời tham gia vào làm thành viên nhóm nòng cốt của dự án, chị đã được tham gia một loạt các khóa tập huấn. Sau khi học xong, nhóm nòng cốt đã về thôn thực hiện các buổi tuyên truyền pháp luật cho người dân tại thôn và hỗ trợ dự án tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý cho người dân tại thôn. Vì xã Vân Hòa là một xã miền núi có người dân tộc thiểu số chiếm 65% dân số, nhận thức của người dân về pháp luật còn hạn chế. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, người khuyết tật, phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số đã hiểu biết hơn về quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình trong xã hội. Họ đã biết tìm đến các lực lượng nòng cốt để chia sẻ, trợ giúp khi gặp phải các vụ việc trong cuộc sống. Họ biết được mình không bị bỏ rơi và bị phân biệt kỳ thị đối xử trong cuộc sống nữa.
Còn bà Vũ Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Quang - cho biết, các anh chị trong dự án đã cùng với các luật sư về thực hiện tại từng thôn nên nhiều người dân trong xã được tham gia buổi trợ giúp pháp lý hơn. Bên cạnh đó, các luật sư tham gia các buổi trợ giúp pháp lý là những người có chuyên môn và có kinh nghiệm làm việc với người dân nên người dân không cảm thấy ngại khi nhờ các luật sư tư vấn. "Cá nhân tôi cũng như các cán bộ xã đều đánh giá cao hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động của dự án. Hoạt động này đã nâng cao hiểu biết của người dân về pháp luật, làm cho người dân hiểu rõ hơn về quyền cũng như nghĩa vụ của mình. Dự án góp phần hỗ trợ cho cán bộ, chúng tôi làm công việc của mình tốt hơn", bà Thu Hà nói.