Trợ giúp pháp lý góp phần phòng, chống tội phạm

Trong các vụ án, việc tham gia của Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã có những đóng góp không nhỏ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giúp việc điều tra và giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội...

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định các trường hợp nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ, như bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa; đề nghị trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý...

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Lào Cai tham gia trợ giúp pháp luật tại một vụ án xảy ra trên địa bàn huyện Bảo Thắng. Ảnh: Phạm Vũ Sơn

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Lào Cai hiện có 34 biên chế, người thực hiện trợ giúp pháp lý đã được chuẩn hóa và nâng cao trình độ theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; có 20 trợ giúp viên pháp lý. Từ năm 2018 đến nay, trung tâm tiếp nhận và thực hiện trung bình hơn 800 vụ, việc/năm, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng chiếm 50 - 55% so với tổng số vụ, việc tiếp nhận. Mỗi trợ giúp viên pháp lý thực hiện trung bình từ 15 đến hơn 20 vụ, việc tham gia tố tụng/năm (đạt mức khá trở lên theo quy định của Bộ Tư pháp); 2 luật sư ký hợp đồng trợ giúp pháp lý với trung tâm, từ năm 2019 đến nay thực hiện được 15 vụ tham gia tố tụng.

Trong những năm qua, tình hình các loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người và đặc biệt là tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Để đảm bảo quyền con người, quyền công dân cho nhóm người yếu thế trong xã hội được tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, ngay sau khi phát hiện, kiểm tra và xác định được đối tượng là người được trợ giúp pháp lý, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã trao đổi và thông tin cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cử trợ giúp viên pháp lý có mặt tham gia từ lúc đối tượng được đưa về trụ sở cơ quan điều tra cho đến khi kết thúc việc xét xử vụ án.

Người được trợ giúp pháp lý trong các vụ án này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực vùng cao, biên giới, hiểu biết pháp luật rất hạn chế, nhiều trường hợp không biết chữ và không thông thạo tiếng phổ thông như Sùng A Nhìa, Thào Seo Sử vận chuyển 10 bánh heroin; Pờ Nhù Xó vận chuyển 2.000 viên ma túy tổng hợp và thuốc phiện; Ma Seo Lềnh vận chuyển 12.000 viên ma túy tổng hợp; Mùa A Chang vận chuyển 66.000 viên ma túy tổng hợp; Hảng So Trung, Cháng Seo Sấn vận chuyển 72.000 viên ma túy tổng hợp; Cứ A Vảng, Tráng Thị Dín, Vàng Thị Pằng vận chuyển 84.800 viên ma túy tổng hợp…

Với vai trò và trách nhiệm, trợ giúp viên pháp lý đã bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trên cơ sở độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp chế và việc thực thi pháp luật công bằng, bình đẳng, chính xác. Trong các vụ án, việc tham gia của Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã có những đóng góp không nhỏ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giúp việc điều tra và giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Do tính chất công việc đặc thù của hoạt động điều tra, lại phát hiện ra đối tượng ở những địa điểm không thuận lợi, những nơi hẻo lánh, xa trung tâm, do vậy, quá trình di lý đối tượng về trụ sở trung tâm mất không ít thời gian, có nhiều vụ phải từ 22 giờ đến 24 giờ đêm mới về tới nơi, do vậy, việc lấy lời khai ban đầu diễn ra trong suốt khung giờ đêm, có buổi đến tận 3 - 4 giờ sáng hôm sau mới kết thúc. Các trợ giúp viên pháp lý của trung tâm khi được phân công đều tham gia nhiệt tình, trách nhiệm. Hầu hết các đối tượng liên quan đến ma túy thường bị mua chuộc, bị lợi dụng để tham gia những mắt xích của đường dây vận chuyển hoặc mua bán ma túy, thiếu hiểu biết pháp luật và thường có thái độ bất cần hoặc bi quan. Do vậy, ngoài việc giải thích các quy định của pháp luật có liên quan, trợ giúp viên pháp lý còn động viên tư tưởng, giúp các đối tượng có thái độ đúng mực, hợp tác trong suốt quá trình làm việc từ giai đoạn điều tra đến khi xét xử vụ án. Công tác tham gia tố tụng để bào chữa cho các đối tượng là người được trợ giúp pháp lý trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng nói chung và các vụ án có liên quan tới ma túy nói riêng góp phần bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội trong các vụ án, bảo đảm được quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Sự nỗ lực của trung tâm và các trợ giúp viên pháp lý đã được Giám đốc Công an tỉnh ghi nhận với Quyết định khen thưởng số 532 ngày 8/4/2020 và Quyết định số 638 ngày 5/5/2021 về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh cũng triển khai các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý nói chung và người bị buộc tội, bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nạn nhân bị mua bán khó khăn về tài chính nói riêng... Ví dụ như phối hợp với VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng phóng sự về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán; phối hợp với Truyền hình Quốc hội, Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai thực hiện phóng sự bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của đồng bào dân tộc thiểu số; lắp đặt bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng, đồn biên phòng, các xã biên giới, đồng thời phát tờ gấp về trợ giúp pháp lý cho người dân; tổ chức nhiều đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Thông qua các vụ, việc trợ giúp pháp lý cụ thể đã giúp người được trợ giúp pháp lý và người thân của họ cũng như người dân sinh sống trên địa bàn hiểu và có ý thức tôn trọng pháp luật hơn. Kết quả này góp phần ổn định an ninh chính trị, đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/353232-tro-giup-phap-ly-gop-phan-phong-chong-toi-pham