Trợ giúp xã hội là đầu tư cho phát triển bền vững

Hội từ thiện Thánh Hữu trao xe lăn cho các đối tượng khuyết tật ở huyện Sông Hinh - Ảnh: VĂN NGỌC

Để góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong bối cảnh xã hội đang ngày càng phát triển, vai trò và nhiệm vụ của hệ thống trợ giúp xã hội (TGXH) trở nên quan trọng và cần thiết.

Theo báo cáo của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), số người cần trợ giúp xã hội trên cả nước rất lớn, khoảng 22,5 triệu người, chiếm 25% dân số. Xuất phát từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 488/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là đề án). UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành Kế hoạch 122/KH-UBND ngày 19/7/2017 về triển khai đề án này trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, hàng năm Sở LĐ-TB-XH và Sở TT-TT phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền công tác phát triển trợ giúp xã hội.

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH Phú Yên) cho biết, việc kết hợp sự hỗ trợ từ Nhà nước với gia đình và cộng đồng, đề án được kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng của các đối tượng hưởng trợ giúp xã hội trong việc thích ứng với rủi ro và đạt được mức sống tối thiểu trong cộng đồng xã hội.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên toàn tỉnh có hơn 39.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, 25.765 hộ nghèo, 22.050 hộ cận nghèo và hơn 20.000 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong đó 6.820 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 2.931 người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa, 5.214 người khuyết tật thuộc dạng thần kinh, trí tuệ và 5.373 người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo).

Theo đề án, với mục tiêu giai đoạn 2017-2020, 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội; 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu.

Trong giai đoạn 2021-2025 phấn đấu 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng (theo quy định chung của Chính phủ); triển khai thực hiện kịp thời các chính sách trợ giúp đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số theo quy định của Chính phủ… 70% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 30% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.

Cũng theo ông Đinh Viết Hậu, trên cơ sở đề án, Sở LĐ-TB-XH đề ra các giải pháp thực hiện, gồm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách trợ giúp xã hội; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp trong chỉ đạo, huy động nguồn lực và thực hiện trợ giúp xã hội.

Tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về chính sách trợ giúp xã hội, vận động xã hội nhằm thay đổi cách thức trợ giúp xã hội theo hướng tiên tiến, hiệu quả, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp đối tượng trợ giúp xã hội.

Nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội. Đối với công tác quản lý nhà nước về trợ giúp xã hội, tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết chính sách trợ giúp xã hội dựa vào nhu cầu của người dân bảo đảm công khai, minh bạch; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội...

Đặc biệt, Sở LĐ-TB-XH triển khai quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội theo mục tiêu của đề án; phát huy năng lực, hiệu quả của các cơ sở trợ giúp xã hội hiện có, hỗ trợ các cơ sở trợ giúp xã hội công lập có đủ điều kiện trợ giúp toàn diện cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Huy động, sử dụng nguồn lực trợ giúp xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trên các lĩnh vực phòng ngừa, phát hiện, chăm sóc và trợ giúp xã hội cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài trong việc hỗ trợ kinh nghiệm, nguồn lực để triển khai các hoạt động của đề án.

VĂN NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/225047/tro-giup-xa-hoi-la-dau-tu-cho-phat-trien-ben-vung.html