Trở lại buôn Lê
Hồ Lắk sáng mùa xuân, khói sương giăng phủ mịt mù, kéo rê đi, ôm gần trọn ngọn núi Lạc Thiện vẫn bao đời chở che cho con nước miền thượng. Tôi đứng bên mạn buôn Lê (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) chờ mãi mới thấy giọt nắng 'xé mây' rơi xuống để nhìn rõ hơn những con thuyền độc mộc thuôn dài, nhỏ xinh đang trầm mình mưu sinh trên sóng nước lòng hồ...
1. Hồ Lắk có tự bao giờ, tôi đã hỏi nhiều già làng trong các buôn ven hồ nhưng không ai nhớ nổi. Họ chỉ biết rằng, hồ Lắk là vùng đất trũng cuối cùng hứng mạch nước từ dãy núi Chư Yang Sin đổ về. Hồ có diện tích trên 6 km2 mặt nước, là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai Việt Nam sau hồ Ba Bể (Bắc Kạn) và là hồ nước tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên.
Hồ Lắk mang một vẻ đẹp huyền bí và chứa trong mình đầy những huyền thoại. Ngài Bảo Đại thời lập Hoàng Triều Cương Thổ trên toàn cõi Tây Nguyên vào giữa thế kỷ trước đã chọn hồ Lắk là đích đến và điểm hạ trại cho những cuộc đi săn xuyên đại ngàn của mình. Năm 1951, mỏm rừng nhô ra bên mép hồ được nhà vua cất một dinh thự để nghỉ dưỡng và thưởng lãm phong cảnh hồ. Ngày nay, đứng trên trại săn xưa của ngài hoàng đế cuối cùng nền phong kiến Việt Nam nhìn xuống thấy hồ Lắk như một viên ngọc lóng lánh, đẹp đến nao lòng cả ngày lẫn đêm, cả sương giăng và mây phủ, cho dù cái “background” rừng xanh rủ bóng xuống hồ không còn nữa. Hồ Lắk như một “tráng sĩ”, đẹp một cách cô độc với lịch sử của nó.
Tròn 10 năm tôi trở lại nơi này, mọi thứ đã thay đổi quá nhiều. Hồ Lắk dường như đang lặng lẽ với thời gian, khi cá tôm thưa dần và dân chài vắng bóng. Tôi muốn đi giữa lòng hồ, 5 phút sau chị H’Hoa Buôn Giá đã nở một nụ cười tỏa nắng đón tôi bằng chiếc độc mộc phủ rêu xanh và nhuộm màu thời gian.
Con thuyền độc mộc của chị dài hơn 6m, rộng 0,6m, có tuổi đời khoảng 70 năm, đây là tài sản quý giá nhất mà chị H’Hoa được bố để lại. Người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở buôn Lê, ngay bên hồ Lắk đã rất đỗi tự hào khi có tuổi thơ gắn liền với đời sông nước và con thuyền độc mộc. Ngày bé, H’Hoa thường được bố cho đi đánh cá ở hồ Lắk bằng thuyền độc mộc. Hoa nhớ rõ, thuở ấy, hồ Lắk còn nguyên sơ và hoang vắng, cá tôm nhiều vô kể. Dân làng các buôn ven hồ như: buôn Lê, buôn Jun, buôn M’Liêng... sống nhờ đặc ân của hồ, biết bao lứa con cháu đều được nuôi dưỡng từ dòng nước này. Họ đánh cá tôm không bao giờ bán, chỉ phục vụ đủ cho bữa ăn là dừng lại nên vòng sinh trưởng của sản vật trong hồ luôn dồi dào, phong phú và đa dạng.
Trên chiếc thuyền độc mộc, tuổi thơ của H’Hoa được vẫy vùng, tung cánh dọc dài con nước. Những đêm giăng lưới mơ về mùa xuân no ấm trên miền non cao. Thế rồi, thời gian và quy luật tạo hóa, hồ Lắk phải trầm mình để thích nghi. Tôm cá đánh bắt vô tội vạ đến thời cạn kiệt, mực nước hồ thấp dần qua từng năm, dân làng cày cấy, trồng hoa màu trên diện tích bị cạn. Lâu dần, bờ hồ bị đẩy vào phía trong, những chiếc độc mộc trôi theo dòng lở... Và rồi, hồ Lắk buồn tênh với con nước cạn.
Nhiều ngư dân đã bán thuyền, lên bờ làm nương rẫy. Chị Hoa và một vài người khác thương tiếc không nỡ bán, đã giữ lại và bây giờ sử dụng để chở khách du lịch đi tham quan hồ. Có thuyền độc mộc, hồ Lắk còn lưu giữ được nét văn hóa bản địa truyền thống. Chúng nằm bên hồ, đơn độc với nắng gió và chỉ có dịp lướt sóng trong những ngày lễ, Tết.
Suốt mùa Tết năm nay, chị H’Hoa chở tôi là cuốc thứ hai. Mỗi chuyến, chị thu về 80 ngàn đồng. Dẫu vậy, nhưng tôi không hiểu vì sao chị Hoa lại cười tươi và hồn nhiên một cách lạ lùng đến vậy. Nhà chị nghèo, đất đai ít, chồng bị giảm sức lao động, 3 đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn, mọi thứ đều một vai chị gồng gánh. Chị bảo, ngày Tết đi rửa chén cho nhà hàng được trả 300 ngàn/ngày. Ngày thường lên nương, ra ruộng và đi làm thuê. Riêng làm du lịch thuyền độc mộc với thu nhập như thế thì chỉ như đi dạo thôi, đi cho vơi nỗi nhớ sông hồ, cho con thuyền đỡ cô lẻ trên bến vắng.
2. Những chấm nhỏ rải rác xa xăm trên mặt hồ, theo hướng chỉ tay của chị Hoa chính là những con thuyền độc mộc cuối cùng của hồ Lắk. Tiếng đập nước quanh dải lục bình xanh gần mạn hồ, phía ngọn đồi có dinh thự Vua Bảo Đại là âm thanh của người đánh cá hồ Lắk. Những ngày Tết, Ma Nâu (40 tuổi, buôn Lê) thường ra hồ từ khi sương còn chưa tan để chèo thuyền độc mộc. Khách vắng, anh kéo theo manh lưới nhỏ và chiếc giỏ tranh thủ kiếm thêm chút thức ăn cho bữa cơm chiều. Khi ánh bình minh xuyên thủng những màn mây sương, Ma Nâu buông lưới. Anh chạy nhảy tưng bừng trên đầu lưới, lấy cây đập nước bì bõm, hát múa đủ kiểu giữa lòng hồ để đuổi cá vào lưới. Xế trưa, anh thu về hơn ký cá tôm các loại, được xem là thu hoạch dồi dào trong một ngày. Ma Nâu rất vui, dù chiếc độc mộc chưa có một cuốc lướt sóng nào trong ngày.
Ma Nâu là em họ chị H’Hoa, họ cùng sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng người Mông dưới chân ngọn núi Lạc Thiện, bên cánh đồng Lắk mang đầy huyền bí. Được truyền lại thuyền độc mộc nhưng chị H’Hoa không đi chài lưới nữa, một phần là phụ nữ, việc bắt tôm cá khó khăn hơn đi làm nương rẫy. Còn Ma Nâu thì vẫn duy trì nghề lưới đơm bằng thuyền độc mộc, không hẳn là kế sinh nhai nữa, mà vì anh vẫn nặng lòng với con nước hồ Lắk ngày ngày phả gió, phả sương mát rượi lên căn nhà sàn cổ ven bờ ở buôn Lê.
Con thuyền độc mộc là ký ức duy nhất mà anh em Ma Nâu còn lưu giữ được về ông nội và bố thuở họ vác cuốc đi khai khẩn đất hoang, dựng xây buôn làng. Nghe bố kể lại, người Mông gọi “Lắk” nghĩa là nước, cho đến đỉnh núi cao nhất trong xứ cũng đặt tên là “Yang Lắk” (thần Nước). Xứ của nước và thần Nước ngồi trên cao đó để nhìn xuống, coi ngó, che chở, bao bọc dân làng. Vì là xứ nước, nên đây là quê hương của con thuyền độc mộc. Thời ông cha của Ma Nâu, đi làm rẫy, đi cấy lúa, đi bắt tôm cá cho đến đi uống rượu cần giao lưu giữa các buôn làng anh em cũng đều dùng thuyền độc mộc.
Được xem là những người cuối cùng mưu sinh bằng thuyền độc mộc bên hồ Lắk, chị H’Hoa, anh Ma Nâu và những người anh em của họ thoáng chút ngậm ngùi. Chị H’Hoa nói, nghèo thì đã nghèo rồi, phải ráng giữ cho được “bảo vật” văn hóa của dòng họ. Nói đến đây, tôi sực hiểu ra ý nghĩa trong cái cười vô tư của chị khi tiết lộ về nguồn thu nhập từ làm du lịch trong cả mùa Tết được có vài trăm ngàn đồng.
Thì ra, mỗi ngày được chống con thuyền độc mộc ra giữa hồ, được hít hà làn gió mát lành, được ngắm đàn voi lừng lững tung nước tắm mát đã là điều ý nghĩa với chị H’Hoa.
3. Những người con của buôn Lê thế hệ sau này không hiểu hết được ý nghĩa thâm sâu của con thuyền độc mộc. Tôi đã đi về buôn M’Liêng gặp già làng Y Vẽ Ê Nuôl, một bậc bô lão của người Mông ở xứ Lắk. Già Y Vẽ năm nay 75 tuổi. Sống trọn một đời bên hồ Lắk, trải qua bao biến động của thời gian và sự thay đổi của vạn vật, nhưng già vẫn giữ được một đời sống tinh thần thuần khiết. Già Y Vẽ là thế hệ cưỡi voi ngao du rừng xanh, vượt đại ngàn quanh hồ Lắk, hiểu cặn kẽ đời sống tâm tình của con thuyền độc mộc.
Ông kể, để có một con thuyền độc mộc, việc đầu tiên là vào rừng sâu tìm cổ thụ có tuổi đời từ 40-50 năm. Người thợ đốn cây phải là những chàng trai có sức khỏe, có nhân cách đạo đức tốt, có tình yêu thương đồng loại. Sau khi tìm được cây gỗ ưng ý, người thợ mới dùng các loại rìu, đục để khoét lòng thuyền cho sâu, đẽo mũi thuyền cho thon gọn, bào nhẵn cả mặt trong lẫn mặt ngoài, tất cả các công đoạn phải mất vài tuần mới hoàn thành. Để tạo ra một chiếc độc mộc đi lại trên sông đòi hỏi người thợ đẽo thuyền phải rất tỉ mỉ, tinh tường và biết tính toán đảm bảo con thuyền phải cân đối từ phần thân đến mũi, hai bên mạn, đáy thuyền để khi xuống nước không bị nghiêng, lật.
Việc đẽo thuyền cũng phải theo tuần tự nhất định. Lần lượt đẽo từ phần đuôi, phần mũi rồi sau đó chia từng phần nhỏ để khoét lòng thuyền. Việc đẽo, khoét lòng thuyền được sử dụng các dụng cụ đơn giản như rìu, rựa và kết hợp giữa đục đẽo với đốt lửa nhằm làm khô bớt lượng nước trong thân gỗ, vừa dễ đẽo gọt, cũng là tạo độ co dãn để dễ nong - căng và cố định mạn thuyền bằng các thanh ngang vững chắc.
Sau khi chiếc thuyền được hoàn thành và hạ thủy, chủ nhà phải làm lễ tạ ơn, trong đó bắt buộc phải có một con gà và một ghè rượu để cúng Giàng. Cầu mong cho chiếc thuyền được bền bỉ, vượt qua mọi sóng to, nước lớn và hôm đó cũng là ngày trả công cho những người thợ đã tạo ra con thuyền. Bước cuối cùng là thử nghiệm thuyền trên sông nước để đảm bảo thuyền cân bằng, lướt sóng, vận chuyển dễ, an toàn. Thợ đẽo phải mang thuyền ra khu vực sông hồ để đánh giá, cân chỉnh. Sau khi đẽo xong, chiếc thuyền được lật úp và dùng sức nóng của lửa làm mịn máng thuyền. Thớ gỗ đẽo ra từ thân cây phải được dùng để nấu nồi cơm tỏ lòng thành với Giàng. Giữa sắc trời xanh ngắt của đại ngàn, trong tiếng réo sôi của miên man ghềnh thác, con thuyền vẫn lướt đi nhẹ nhàng như một cánh hoa ai thả trên sông, phải như thế thì mới được xem là thuyền độc mộc. Theo già Y Vẽ, nếu chặt cây không được sự đồng ý của Giàng sẽ gặp bất trắc, chiếc thuyền đang đẽo, đục bỗng nhiên nứt toác, đổ vỡ hoặc khi sử dụng sẽ nhanh chóng hư hỏng.
Đời sống tâm linh đồng bào dân tộc hướng về sông, về núi, họ ngưỡng vọng Giàng, ngưỡng vọng đất, ngưỡng vọng thần Nước, thần Lửa... nên con thuyền độc mộc là chứng nhân còn lại về một đời sống thuận theo đất trời, tôn trọng tự nhiên. Chiếc thuyền độc mộc còn là máu xương và linh hồn của bậc tiền nhân gửi gắm cho thế hệ con cháu. Khi những cánh rừng cổ thụ đã biến mất khỏi xứ Lắk thì con thuyền độc mộc cũng chính là hiện thân của rừng, của các bậc thần linh ngự trị trong từng thớ gỗ.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/tro-lai-buon-le-i723760/