Trở lại cột mốc 203
Cột mốc 203 - nơi từng diễn ra sự kiện năm 2015 vẫn sừng sững, hiên ngang trên biên giới. Với những người dân ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cột mốc 203 vẫn hiền hòa, yên bình như tình hữu nghị được xây dựng bao đời nay của nhân dân 2 nước Việt Nam và Campuchia.
Về ấp Bình Bắc - về cột mốc 203
Sau 3 tháng, tôi có dịp trở lại Đồn Biên phòng (ĐBP) Thạnh Trị. Đường về đồn khang trang, xe ôtô có thể bon bon một mạch. Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa - Đồn trưởng ĐBP Thạnh Trị, cho biết: "Hơn 1 năm qua, ĐBP Thạnh Trị là điểm đến của nhiều đoàn khách. Hầu hết các đoàn Dân - Quân - Chính - Đảng đến thăm đơn vị để động viên cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới. Qua mỗi chuyến thăm, CBCS trong đơn vị cũng tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Hầu hết các đoàn đều muốn ghé thăm cột mốc 203, được tận mắt nhìn cột mốc chủ quyền quốc gia". Biết mục đích chuyến công tác của tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Nghĩa nói: “Lát nhà báo cứ chạy thẳng ra cột mốc, ghé chốt, đơn vị đã báo anh em dưới chốt”.
Con đường từ ĐBP Thạnh Trị đến đường tuần tra biên giới nơi đặt chốt ước chừng 20km. Một nửa tuyến đường trên địa bàn xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường được trải nhựa phẳng lì, nửa còn lại qua địa bàn ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây trải đá đỏ, mùa mưa vẫn sình lầy trong những chuyến cơ động từ đơn vị đến chốt tuần tra. Trên con đường đến chốt, cái nắng nóng đầu giờ chiều phả trong chút bụi của những thửa ruộng mới thu hoạch xong. Mất hơn nửa giờ, tôi cũng đến Chốt phụ số 1. Chốt được đặt ngay trên đường tuần tra và là một trong những chốt đầu tiên được triển khai trên tuyến biên giới trong những ngày cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Cách vài trăm mét là cột mốc 203.
Thượng úy Phan Công Nguyên - Chốt trưởng Chốt số 1, cho biết: “Sau sự kiện xảy ra tại cột mốc 202, 203, đến nay, tuyến biên giới do ĐBP Thạnh Trị quản lý trở nên bình yên. Người dân 2 bên biên giới luôn đoàn kết, đồng lòng, vừa giúp nhau làm ăn, vừa xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị”.
Bên tách trà, Thượng úy Phan Công Nguyên kể cho tôi nghe những câu chuyện thường ngày. Nhà ai có ruộng, nhà ai nuôi bò trên tuyến biên giới, rồi người dân nước mình và người dân nước bạn gắn bó ra sao, Thượng úy Nguyên thuộc như lòng bàn tay. Thoáng cái trời đã gần xế bóng. Mấy bầy sáo bay về kêu rộn trên đường tuần tra. Phía dưới ruộng, những đàn bò đã no căng bụng vẫn còn tham gặm mấy bụi cỏ.
Đoàn kết, giữ vững biên cương Tổ quốc
Vừa dứt câu chuyện cùng Thượng úy Phan Công Nguyên, chưa kịp chào ra về, ông Năm Rương đã đặt chân đến chốt. “Lâu quá mới gặp lại chú, vẫn khỏe chứ?”, ông bắt tay rồi nở nụ cười hào sảng của người từng bao năm gắn bó với cột mốc 203, với ấp Bình Bắc và những người lính biên phòng qua các thế hệ. Cũng vì mối thân tình nên hầu như ngày nào ông cũng ghé chốt thăm anh em biên phòng. Nói như ông Năm Rương thì “một ngày mà không ra biên giới như thiếu cái gì đó trong người”. Trong câu chuyện vội cuối ngày, ông vẫn không quên nhắc đến kỷ niệm những ngày cùng lực lượng biên phòng, chống dịch bệnh, câu chuyện cũ về sự kiện cột mốc 202, 203 và cả những hy vọng về tương lai khi hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc giữa 2 đất nước.
Thiếu tá Lê Trung Sơn - Chính trị viên ĐBP Thạnh Trị, khẳng định, dù so với nội địa, biên giới còn khó khăn nhưng với nhiệm vụ được giao, mỗi CBCS trong đơn vị đều nỗ lực khắc phục, giữ vững lập trường, tư tưởng vững vàng, với quyết tâm cao nhất quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cũng như thực hiện "nhiệm vụ kép" phòng, chống dịch bệnh ngay từ cửa ngõ biên cương. Bên cạnh đó, ĐBP Thạnh Trị phối hợp tốt các lực lượng trên tuyến biên giới cũng như chú trọng công tác đối ngoại với chính quyền, các lực lượng vũ trang nước bạn và đối ngoại nhân dân nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước.
Trên tuyến đường biên giới mùa này, lúa đã thu hoạch xong, phía giáp đường biên gần 2 năm qua, người dân 2 nước đã không còn trồng lúa để chuẩn bị thực hiện chủ trương hoán đổi đất, tiến tới hoàn chỉnh công tác phân giới, cắm mốc. Tận dụng những đồng cỏ tự nhiên, những đàn bò của người dân 2 bên biên giới vẫn nhởn nhơ gặm cỏ suốt cánh đồng nơi cột mốc 202, 203. Thi thoảng gặp những người dân trên tuyến biên giới, tôi lại nhận được những nụ cười, câu chào tựa thân quen./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tro-lai-cot-moc-203-a152704.html