Trở lại 'cuộc chơi thương mại' ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ muốn tự lấp khoảng trống sau khi rời TPP

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại kiểu mới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm tái hiện diện trong hợp tác thương mại ở khu vực.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số ở châu Á-Thái Bình Dương. (Nguồn: Reuters)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số ở châu Á-Thái Bình Dương. (Nguồn: Reuters)

Nỗ lực quay trở lại

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số ở châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Australia, New Zealand, Singapore với mong muốn đặt ra các chuẩn mực cho nền kinh tế số.

Chính sách này cũng cho thấy nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm đề ra một chính sách kinh tế mới cho khu vực và kiểm soát sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trước đó, quan chức hàng đầu của Nhà Trắng về châu Á, Kurt Campbell đã ám chỉ về một thỏa thuận kinh tế kỹ thuật số tiềm năng như một cách để Mỹ hoạt động hiệu quả hơn ở châu Á. Thỏa thuận này được cho là sẽ đặt ra các chuẩn mực cho nền kinh tế số, bao gồm những quy định sử dụng dữ liệu, thúc tiến thương mại và sắp xếp thủ tục hải quan điện tử.

Rõ ràng, chính quyền Tổng thống Biden đang quan tâm đến việc theo đuổi những cơ hội thương mại mới ở khu vực sau khi dành những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tập trung nhiều vào thực thi các hiệp định thương mại hiện có hơn là xúc tiến các cuộc đàm phán mới.

Nhưng quan trọng hơn cả, chính sách này sẽ cho thấy một nỗ lực sớm của chính quyền Tổng thống Biden nhằm đề ra một chính sách kinh tế mới cho khu vực, nhất là khi chính quyền tiền nhiệm đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.

Lạc quan về triển vọng

Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á Wendy Cutler bày tỏ sự ủng hộ đối với chính sách này của Mỹ.

Ông Wendy Cutler cho rằng, thỏa thuận này có thể dựa trên các thỏa thuận hiện có trong khu vực như Thỏa thuận Thương mại Kỹ thuật số Mỹ-Nhật Bản, cũng như các thỏa thuận khác đã đạt được như Thỏa thuận Thương mại Kỹ thuật số Singapore-Australia và Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số Singapore-New Zealand-Chile.

Một hiệp định thương mại kỹ thuật số sẽ “đưa Mỹ trở lại cuộc chơi thương mại ở châu Á, trong khi cũng để ngỏ việc gia nhập lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”, ông Wendy Cutler nhận định.

Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực châu Á của Phòng Thương mại Mỹ, Charles Freeman cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ việc đàm phán một hiệp định kỹ thuật số, đặc biệt trong bối cảnh không có TPP”.

Ông Charles Freeman cho rằng, Mỹ muốn thấy một số loại thỏa thuận hướng tới tương lai, dựa trên quy tắc trong khu vực, đặc biệt có thể xây dựng hình mẫu cho một thỏa thuận toàn cầu.

Thách thức song hành

Một thỏa thuận như Mỹ mong muốn có thể tránh được một số rào cản chính trị, vốn đã cản trở các cuộc đàm phán thương mại đa phương trước đó. Thỏa thuận thương mại kỹ thuật số này cũng không cần Quốc hội thông qua trong bối cảnh các đảng viên Dân chủ tiến bộ phản đối trong nhiều năm.

Ngay cả các đảng viên Cộng hòa cũng có rất ít sự ủng hộ đối với các hiệp định thương mại tự do toàn diện sau những lời chỉ trích của cựu Tổng thống Trump về các thỏa thuận mà những người tiền nhiệm đạt được.

Tuy nhiên, theo ông Nigel Cory, Phó giám đốc chính sách thương mại tại Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF), một trong nhiều thách thức đối với chính sách thương mại hiện đại là tìm ra cách để cân bằng các lợi ích cạnh tranh khác nhau trong một thỏa thuận toàn diện về sản xuất, lao động, nông nghiệp, dịch vụ, các quy tắc về môi trường...

Đây cũng là nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp đòi hỏi chính quyền Tổng thống Biden phải tìm cách giải quyết.

(theo South China Morning Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tro-lai-cuoc-choi-thuong-mai-o-chau-a-thai-binh-duong-my-muon-tu-lap-khoang-trong-sau-khi-roi-tpp-151504.html