Trở lại để hàn gắn
Giữa tháng 4 đầy ắp hoài niệm lịch sử, một nhóm cựu chiến binh Mỹ và những người bạn đã đến thăm Hội Người mù thị xã Quảng Trị, cùng ngắm nhìn công trình nhỏ do chính mình chung tay xây dựng, sửa chữa. Trở lại để hàn gắn, họ được sưởi ấm trái tim.
Một thời, ông Cao Nghĩa (sinh năm 1963), trú tại thị xã Quảng Trị không thiện cảm với người Mỹ. Khi mới 17 tuổi, một vụ tai nạn bom mìn đã cướp đi đôi mắt sáng của ông. Từ đó về sau, nhiều đêm, ông Nghĩa thảng thốt giật mình ngay cả trong những giấc mơ bởi tiếng nổ kinh hoàng từ quá khứ vọng lại. Ông nghĩ, nếu lính Mỹ không đến, gieo rắc chiến tranh, để lại ẩn họa bom mìn thì cuộc đời mình và nhiều người sẽ khác. Mãi đến sau này, khi trở thành hội viên, rồi cán bộ Hội Người mù thị xã Quảng Trị, tiếp xúc với nhiều người Mỹ, cái nhìn thiếu thiện cảm của ông Cao Nghĩa mới dần thay đổi. Ông biết, không ít cựu binh Mỹ cũng đã và đang chịu nhiều nỗi đau do chiến tranh. “Nhiều người Mỹ đã đến, giúp đỡ chúng tôi, trong đó có các cựu chiến binh (CCB), một thời cầm súng sang Việt Nam. Tôi cảm nhận rõ, họ đến với sự chân thành, mong muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho người dân nước bạn, chứ không đơn thuần là để cứu rỗi tâm hồn”, ông Nghĩa chia sẻ.
Gần đây nhất, giữa tháng 4/2021, Chủ tịch Hội Người mù thị xã Quảng Trị Cao Nghĩa và hội viên rất vui khi đón các CCB Mỹ là thành viên Tổ chức Cựu chiến binh Vì hòa bình (VFP) và những người bạn đến thăm. Sau cái bắt tay xiết chặt, họ cùng nhau thực hiện nghi lễ khánh thành công trình vệ sinh mới và bước vào căn nhà bếp vừa được tu sửa, cải tạo. Từ đây, cán bộ, hội viên Hội Người mù thị xã Quảng Trị không còn phải vất vả dò dẫm về nhà ăn trưa, rồi tất tả quay lại xưởng làm hương, tăm tre, chổi đót… Họ có thêm ít thời gian để nghỉ ngơi giữa hai buổi làm việc. Mỗi lần đi vệ sinh, tắm rửa, những người khiếm thị ở xưởng sản xuất cũng không phải loay hoay, vất vả như trước. “Có một nhà bếp mới và phòng vệ sinh thích hợp với người khuyết tật ngay tại xưởng là giấc mơ có thật đối với tôi cũng như các anh chị em làm ở đây”, ông Trần Đình Lợi, hội viên Hội Người mù thị xã Quảng Trị nói.
Niềm vui của cán bộ, hội viên Hội Người mù thị xã Quảng Trị khiến trái tim ông Chuck Searcy và các thành viên trong đoàn dâng trào hạnh phúc. Ông Chuck là CCB lục quân Mỹ. Năm 1966, chiến tranh Việt Nam bước vào hồi ác liệt, Chuck được đưa đến Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn ở đất nước xa xôi này, chàng lính trẻ Chuck Searcy nhận ra, đây là cuộc chiến phi nghĩa và sự tham gia của của mình chỉ góp phần mang lại đau khổ cho dân thường. Ông Chuck vật lộn với chính lương tri của mình từ đó cho đến khi bước ra khỏi cuộc chiến. Sau nhiều lần cân nhắc, ông Chuck Searcy đã quyết định trở lại Việt Nam để “làm một điều gì đó ý nghĩa”. Năm 2001, ông trở thành người đồng sáng lập Dự án RENEW và hiện là cố vấn quốc tế của dự án. Ông Chuck cũng chính là Chủ tịch VFP chi nhánh 160, tập hợp những CCB Mỹ sống, làm việc tại Việt Nam.
Theo dòng hoài niệm, ông Chuck Searcy cho biết, VFP là tổ chức hội tụ những CCB Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Cũng như ông Chuck, nhiều thành viên của tổ chức đã trở lại đất nước mà mình từng gieo rắc nỗi đau để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng của đời mình là hàn gắn vết thương chiến tranh. Với sự đồng lòng của các CCB Mỹ, VFP trở thành nhà tài trợ, đối tác của Dự án RENEW kể từ năm 2013. Thông qua các khoản tài trợ do tổ chức kêu gọi và đóng góp, Dự án RENEW đã triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ các gia đình người khuyết tật ở Quảng Trị bị ảnh hưởng bởi bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và chất độc da cam. Những việc làm của VFP thông qua Dự án RENEW tuy thầm lặng nhưng vô cùng thiết thực, ý nghĩa như: Cải tạo nhà ở, xây dựng công trình vệ sinh phù hợp với người khuyết tật; tặng con giống; hỗ trợ học bổng... Không dừng lại ở đó, VFP đã đứng ra tổ chức nhiều chuyến thăm Việt Nam, đến Quảng Trị cho CCB Mỹ và thân nhân. Trong hành trình, họ có dịp tìm hiểu về hậu quả chiến tranh và các nỗ lực của chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ quốc tế trong việc khảo sát, rà phá bom mìn.
Bao giờ cũng vậy, cứ mỗi chuyến thăm Quảng Trị, các CCB VFP đều mong muốn làm một điều gì đó ý nghĩa cho người dân địa phương dù là bé nhỏ. Vì thế, lần trở lại này, ai cũng vui khi được chung tay, góp sức xây dựng công trình vệ sinh và cải tạo nhà bếp cho cán bộ, hội viên Hội Người mù thị xã Quảng Trị. Theo ông Chuck Searcy, Chủ tịch VFP chi nhánh 160, toàn bộ kinh phí để xây dựng công trình do các CCB Mỹ tài trợ. Công trình này được dành để tưởng nhớ CCB Christopher Jamison, người từng chiến đấu ở Quảng Trị vào năm 1971. Năm 2013, ông Christopher Jamison đã trở lại chiến trường xưa cùng với vợ của mình trong một chuyến đi do VFP tổ chức. “Căn bệnh ung thu đã mang Christopher đi vào năm ngoái. Nhiều CCB và nhân viên y tế ở Mỹ cho rằng căn bệnh của ông ấy là do ảnh hưởng của chất độc da cam”, ông Chuck kể.
Tại lễ khánh thành, bàn giao công trình cho Hội Người mù thị xã Quảng Trị, các CCB Mỹ đều xúc động khi thấy nụ cười nở trên môi những người khiếm thị. Họ biết, nhiều cán bộ, hội viên ở đây mất đi đôi mắt sáng trong chiến tranh hoặc do hậu quả mà chiến tranh để lại. Vì thế, một số CCB Mỹ còn chút ngại ngần khi tiếp xúc. Khoảng cách ấy được rút ngắn khi họ thấy những người khiếm thị đón tiếp mình bằng cả tấm lòng. Họ chủ động gửi lời chào, bắt tay và ân cần thăm hỏi. Các CCB Mỹ đều rưng rưng xúc động khi nghe lời chia sẻ của Chủ tịch Hội Người mù thị xã Quảng Trị Cao Nghĩa: “Chúng tôi không quên những đau thương, mất mát do chiến tranh, bom mìn gây ra. Thế nhưng, chúng ta không thể cứ sống mãi với nỗi đau. Từ lâu, tôi cũng như người dân Việt Nam hiểu rằng, việc cần làm là hàn gắn vết thương chiến tranh. Chỉ nắm tay nhau, chúng ta mới có thể đi đến tương lai tươi sáng”.