Trở lại hình thức Việt Nam tự đầu tư xây dựng NMLD Dung Quất

Ngày 12/2/2003, Petrovietnam đã thành lập Ban Quản lý dự án Nhà máy lọc dầu (QLDA NMLD) Dung Quất để triển khai dự án xây dựng NMLD theo phương án Việt Nam tự đầu tư. Sau khi trở lại hình thức tự đầu tư, Ban QLDA NMLD Dung Quất đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến vấn đề pháp lý, bộ máy tổ chức...

Theo đó, Ban QLDA NMLD Dung Quất đã tập trung giải quyết các vấn đề pháp lý của các hợp đồng sau khi chấm dứt Liên doanh; kiện toàn bộ máy tổ chức và ổn định tư tưởng của cán bộ công nhân viên, tiếp tục đàm phán Hợp đồng EPC 1; tập trung giải quyết những phát sinh, vướng mắc về kỹ thuật, công nghệ và tài chính của các Gói thầu EPC 5A, EPC 5B, EPC 7; lập kế hoạch đào tạo tổng thể và chuẩn bị công tác sản xuất...

Lễ ký Hợp đồng Gói thầu EPC 1+4 NMLD Dung Quất giữa Ban QLDA NMLD Dung Quất (nay là BSR) và Tổ hợp nhà thầu Technip - ngày 17/5/2005.

Lễ ký Hợp đồng Gói thầu EPC 1+4 NMLD Dung Quất giữa Ban QLDA NMLD Dung Quất (nay là BSR) và Tổ hợp nhà thầu Technip - ngày 17/5/2005.

Để đảm bảo công tác quản lý, giám sát dự án trong điều kiện Việt Nam chưa có kinh nghiệm về xây dựng NMLD, Chính phủ cho phép Petrovietnam thuê đơn vị tư vấn quản lý, giám sát và vận hành chạy thử NMLD Dung Quất. Ngày 24/10/2003, Hợp đồng PMC (Tư vấn quản lý, giám sát, vận hành thử nhà máy) đã được Petrovietnam ký kết với Công ty Stone & Webster (Vương quốc Anh).

Trong quá trình tiếp tục triển khai dự án, nhận thấy cơ cấu sản phẩm theo thiết kế cũ trước đây có xăng Mogas A83 và dầu diesel công nghiệp - đây là những sản phẩm không phù hợp với quy định mới của Nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xăng dầu - nên Ban QLDA NMLD Dung Quất đã đề xuất phương án bổ sung 2 phân xưởng công nghệ xử lý LCO bằng hyđro và izome hóa vào cấu hình nhà máy. Với phương án này, nhà máy sẽ loại bỏ xăng Mogas A83 và dầu diesel công nghiệp ra khỏi cơ cấu sản phẩm để sản xuất xăng Mogas 90/92/95 và dầu diesel ôtô chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn quy định về chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường xăng dầu quốc tế.

Lễ ký bổ sung Gói thầu EPC 2+3 giữa Ban QLDA NMLD Dung Quất (nay là BSR) và Tổ hợp nhà thầu Technip - ngày 24/8/2005.

Lễ ký bổ sung Gói thầu EPC 2+3 giữa Ban QLDA NMLD Dung Quất (nay là BSR) và Tổ hợp nhà thầu Technip - ngày 24/8/2005.

Do bổ sung hai phân xưởng công nghệ nói trên vào cấu hình nhà máy, thiết kế tổng thể FEED do Tư vấn Foster Wheeler lập trước đây cần phải điều chỉnh và phát triển cho phù hợp. Trước yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Petrovietnam lựa chọn nhà thầu phát triển thiết kế tổng thể và lập lại tổng dự toán của nhà máy. Ngày 18/2/2004, Hợp đồng phát triển thiết kế tổng thể (FDC) được ký giữa Petrovietnam và Tổ hợp Nhà thầu Technip.

Có thể nói, việc phát triển thiết kế tổng thể là một quyết định cực kỳ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng kỹ thuật công nghệ của NMLD Dung Quất, giải quyết được vấn đề giao diện, kết nối giữa các gói thầu EPC; đồng thời cho phép nhà máy sản xuất ra cơ cấu sản phẩm mới có chất lượng cao, đón đầu và cạnh tranh được với thị trường xăng dầu trong khu vực cũng như thế giới.

Bên cạnh đó, 4 gói thầu EPC quan trọng nhất trước đây (EPC 1, 2, 3 và 4) đã được tập trung vào một hợp đồng để đàm phán và ký kết với Tổ hợp nhà thầu Technip, như vậy toàn bộ công tác thiết kế, mua sắm, lắp đặt, chạy thử, chạy nghiệm thu nhà máy đều do Tổ hợp Technip tiến hành đồng bộ, đảm bảo tiến độ và chất lượng của nhà máy, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong công tác quản lý, giám sát triển khai dự án.

Lễ khởi công xây dựng Gói thầu EPC 1+4&2+3 NMLD Dung Quất - ngày 28/11/2005.

Lễ khởi công xây dựng Gói thầu EPC 1+4&2+3 NMLD Dung Quất - ngày 28/11/2005.

Sau một thời gian tích cực đàm phán, ngày 17/5/2005, Hợp đồng EPC 1+4 đã được ký kết giữa Petrovietnam và Tổ hợp nhà thầu Technip gồm Công ty Technip France (Pháp), Technip Geoproduction (Malaysia), JGC (Nhật Bản), Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha) thực hiện, trong đó Technip France đứng đầu. Ngày 25/6/2005, Hợp đồng EPC 1+4 bắt đầu có hiệu lực.

Ngày 24/8/2005, Hợp đồng EPC 2+3 bao gồm khu bể chứa dầu thô, đường ống dẫn sản phẩm, khu bể chứa và cảng xuất sản phẩm được Petrovietnam ký kết với Tổ hợp nhà thầu Technip. Hợp đồng EPC 2+3 được các bên thỏa thuận xem như một phụ lục của Hợp đồng EPC 1+4. Ngày 21/9/2005 hợp đồng EPC 2+3 có hiệu lực. Trước đó, ngày 17/6/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 546/QĐ-TTg về việc điều chỉnh Dự án đầu tư NMLD Dung Quất với tổng mức đầu tư của dự án là 2,501 tỷ USD chưa bao gồm chi phí tài chính.

Ngày 28/11/2005, Lễ khởi công các gói thầu EPC 1+2+3+4 được Tổ hợp nhà thầu Technip phối hợp với Petrovietnam tổ chức tại công trường.

(Còn nữa)

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tro-lai-hinh-thuc-viet-nam-tu-dau-tu-xay-dung-nmld-dung-quat-682664.html