Trở lại lớp học nơi có 36 học sinh từng bị cách ly

Dường như thời gian qua, cô trò lớp 10A2 đã tạm thời chiến thắng trong cuộc chiến với dư luận nhiều hơn là với bệnh tật.

Lớp 10A2, Trường THPT Võ Thị Sáu (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) - nơi có 36 học sinh từng bị cách ly - đã quay trở lại trường. Ảnh: Nguyễn Thảo

Lớp 10A2, Trường THPT Võ Thị Sáu (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) - nơi có 36 học sinh từng bị cách ly - đã quay trở lại trường. Ảnh: Nguyễn Thảo

Đứng lớp đã sang năm thứ 19 ở Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), cô giáo Phạm Thị Bích Ngọc lần đầu tiên cảm nhận được sự trưởng thành của những đứa học trò “tiểu yêu” của mình rõ ràng đến thế.

Cô Ngọc là giáo viên chủ nhiệm lớp 10A2 – nơi có nữ sinh D., một trong 16 người ở Việt Nam dương tính với virus corona và đã hồi phục thời gian qua. D. chính là em ruột của cô gái trở về từ Vũ Hán đã lây bệnh cho 6 người khác ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Đúc kết lại hơn 1 tháng cùng nhau chống dịch, cô Ngọc bảo, chính sự sợ hãi chứ không phải bệnh tật mới là thứ khiến mọi người mất tinh thần. Dường như thời gian qua, cô trò lớp 10A2 đã tạm thời chiến thắng trong cuộc chiến với dư luận nhiều hơn là với bệnh tật.

Không giống như 36 học sinh của lớp phải cách ly tập trung, cô Ngọc và một số giáo viên khác được yêu cầu tự cách ly tại nhà. Cô tâm sự, rất may là khi các con được ăn ở cùng nhau, các con thấy vui và hạn chế nghe những lời xì xào, bàn tán kỳ thị. Còn cô, khi ở nhà, đã cảm thấy rất tự ái khi nghe người ta nói những câu rất gay gắt, thậm chí là trước mặt mình.

“Nhiều người không cần biết tình trạng sức khỏe của mình đang như thế nào, mà chỉ biết rằng mình ở trường đấy, lớp đấy… như thể mình cũng là người bệnh”.

Thời gian đầu khi vẫn còn nhiều hoang mang, đọc những dòng tâm sự trên Facebook của một số học trò, cô giáo dạy Văn đã bật khóc. Những cảm nhận của các em về sự kỳ thị của mọi người khiến cô đồng cảm, nhưng ở vị trí của mình, cô không dám viết.

“Mình cảm thấy thật may mắn khi có những đứa trẻ như thế”.

Đám học trò "tiểu yêu" mà cô Ngọc luôn tự hào. Ảnh: Nguyễn Thảo

Đám học trò "tiểu yêu" mà cô Ngọc luôn tự hào. Ảnh: Nguyễn Thảo

Với D. – cô học trò trầm tính chẳng may mắc bệnh, điều mà cô Ngọc e ngại nhất bây giờ là tâm lý, tinh thần của em khi quay trở lại trường. Hơn lúc nào hết, cô cần sự cảm thông của chính những học trò lớp 10A2, của cả trường Võ Thị Sáu và cộng đồng với cô học trò 16 tuổi.

Suốt thời gian D. bị cách ly, một ngày 2 lần cô trao đổi tin tức, gọi cho học trò hỏi thăm, động viên tinh thần. “Em chỉ chia sẻ rằng em mong các bạn không sao”.

Từ hồi có dịch, cô nhận được nhiều cuộc gọi của phụ huynh - người lo lắng, người gay gắt. Áp lực từ phía phụ huynh với cô giáo, với nhà trường là điều dễ hiểu ngay cả ở những ngôi trường cách xa Vĩnh Phúc hàng trăm km.

Thế nhưng, cô Ngọc cũng nhận được những cuộc gọi đáng yêu như thế này. “Phụ huynh gọi đến cho mình, kể chuyện: ‘Cô ơi, con nhà tôi nó lại còn thế này chứ… Hôm trước, tôi có mắng ‘gia đình nhà ấy thiếu trách nhiệm, biết con như thế mà còn cho con đến trường, làm cho bao nhiêu người lo sợ. Thế rồi, nó mắng lại tôi. Nó bảo: ‘Mẹ không được nói như thế. Bệnh tật không chừa bất kỳ ai, chẳng ai muốn như thế cả. Hôm con đến lớp muộn nên không biết ai nói gì mà bạn ấy đã nước mắt ngắn dài tủi thân. Mẹ nói ít thôi!’”

Cô Ngọc không ngờ học trò của mình đã trưởng thành đến thế. Cô nhắc đi nhắc lại rằng mình thật may mắn khi có những đứa học trò vừa tình cảm vừa hiểu biết.

Hơn ai hết, cũng là một người mẹ, cô biết “tính mạng là quan trọng, nuôi một đứa trẻ không hề dễ dàng”, nhưng cô cũng nói rằng “có khi chính sự sợ hãi giết chết chúng ta sớm hơn bệnh tật”.

"Mẹ Ngọc" là cái tên mà học trò lớp 10A2 vẫn gọi cô chủ nhiệm. Ảnh: Nguyễn Thảo

"Mẹ Ngọc" là cái tên mà học trò lớp 10A2 vẫn gọi cô chủ nhiệm. Ảnh: Nguyễn Thảo

Sinh nhật tròn 40 tuổi, cô Ngọc mới được học trò lập cho một tài khoản Facebook. Tính đến nay, cô dùng mạng xã hội được hơn 9 tháng. “Trước đó, mình chẳng biết rằng thế giới bên ngoài kia phong phú đến như thế” – cô Ngọc cười vang khi chia sẻ.

1 tháng qua, cô đọc được những dòng tâm tư của học trò, đọc được cả những khen chê mà dư luận đang bàn tán, về chuyện mà mình là người trong cuộc. Cô băn khoăn khi người ta đặt câu hỏi “tại sao lại cho các em đến trường?” – một câu hỏi mà cô chưa dám trả lời. Cô chỉ bảo: “… nhưng có nên chăng, chúng ta hãy cho nhau niềm tin?”

“Và trong cuộc chiến này, chúng ta sẽ không bỏ lại ai cả” – câu nói lại dòng chia sẻ của một cô học trò lớp 10A2 mà cô tâm đắc.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/nhung-ngay-doi-mat-voi-ban-tan-cua-lop-hoc-bi-cach-ly-621892.html