Trở lại Vạn Giã

Hơn mười năm, từ khi nghỉ hưu, tôi mới trở lại thị trấn Vạn Giã. Mấy chục năm làm việc, số lần tôi đi công tác ở Vạn Ninh khá nhiều, từ khi còn là tỉnh Phú Khánh nên Vạn Giã với tôi quen thuộc như về nhà.

Chúng tôi đón xe buýt ở trạm trên đường Quang Trung, chạy khoảng hai giờ là đến nơi. Anh bạn đồng nghiệp cũ ngày xưa làm ở Phòng Công nghiệp Vạn Ninh đón và cho chúng tôi mượn chiếc xe máy để đi đây đó. Còn gì bằng khi tình đồng nghiệp vẫn như ngày nào chúng tôi làm việc với nhau.

Phố cũ không thay đổi nhưng những con đường mới mở khiến bước chân khám phá của chúng tôi phải dè dặt một chút. Nhất là khu có bờ kè và đường mở rộng thật đẹp, thoáng đãng. Bờ kè khá dài nên chúng tôi phải chạy xe máy mới bao quát hết khu vực mới này của thị trấn. Biển trải dài mênh mông tít tắp, xa xa là Hòn Lớn gợi nhớ cảm giác phiêu lưu của những ngày tuổi trẻ. Nơi đó có Hòn Ông yên tĩnh, nước trong vắt, gần bờ mà lăn tăn cả đàn cá nhởn nhơ lượn lờ dưới nước, có Điệp Sơn với con đường cát lộ ra khi thủy triều xuống, nhớ Đầm Môn thời chưa có con đường xẻ cát từ đèo Cổ Mã qua thôn Tuần Lễ chạy thẳng xuống Đầm Môn, mọi giao thông với đất liền đều phải bằng ghe đến bến đò Vạn Giã...

Trên cầu Trần Hưng Đạo nhìn xuống.

Một người dân địa phương chỉ cho chúng tôi hàng dừa tít phía trong và bảo rằng ngày xưa biển ở đó. Nhìn dải đất rộng từ hàng dừa ra đến bờ kè, tôi hình dung nó có thể sẽ là một khu phố mới hay công viên tuyệt đẹp nay mai. Tôi nhìn ra hướng biển một lần nữa để ghi lại hình ảnh một làng chài nhỏ, những chiếc ghe thảnh thơi neo đậu, hàng dừa xanh, cát trắng, sóng vỗ nhẹ vào bờ... thấy như làng nằm tựa vào dãy núi phía sau, nhưng đó chỉ là cảm giác thôi, từ biển đi đến núi còn xa lắm!

Đứng trên cầu Trần Hưng Đạo nhìn xuống vùng cửa sông đổ ra biển mới cảm nhận được một Vạn Giã êm đềm, bình yên với màu xanh biển, trời, núi... Bao giờ cũng vậy, tôi luôn có nhiều cảm xúc khi nhìn ngắm một nơi đến là vùng cửa sông, suy nghĩ về dòng chảy trôi miệt mài từ nguồn về biển, trên đường đi của nó biết bao câu chuyện lịch sử, địa lý...

Ngồi nghỉ chân trong một quán trà cũng là nơi một thời đi công tác huyện chúng tôi chờ qua trưa để làm việc buổi chiều. Ký ức tuổi trẻ như khúc phim quay chậm, nhưng hồi ấy chỉ là nơi chúng tôi đến làm việc, có cả chút nôn nóng khi chiều rồi mà việc chưa xong, ai cũng mong về phố.

Tôi mở lại những album cũ về Vạn Giã, quán cà phê quen, món ăn xứ biển, mắm ruột Vạn Ninh, nhà nhà ngồi gỡ ốc sút làm mắm..., một đứa bé ngồi nhìn ra biển trong trưa vắng. Hình như nhìn ra biển là thói quen của bất cứ ai sống ở vùng biển, hình thành từ lúc còn bé thơ?

Cảng cá Quảng Hội hôm chúng tôi đến chưa thật sự hoạt động. Cầu tàu dẫn ra biển thật dài, đứng giữa một vùng trời nước mênh mông mới hiểu thế mạnh của thị trấn trong tương lai. Khi ấy, tất cả những bến cá nhỏ sẽ dời hết về bên này, bộ mặt thị trấn sẽ khang trang, đẹp đẽ hơn.

Cũng chỉ là ngẫu nhiên khi chị bạn đi cùng ngỏ ý muốn đến vài ngôi chùa, hôm ấy, chúng tôi đến chùa Tân Long mới biết thêm địa danh “Cây Sộp” nổi tiếng với bao nhiêu hàng ăn, toàn những món hấp dẫn. Ngồi ăn tô bánh canh hẹ dưới tán cây sộp lại được nghe kể nhiều chuyện về cây cổ thụ có tuổi đời hơn 300 năm. Gốc cây rộng với bộ rễ chùm cực khủng, cây cao hơn 40m, tán lá rộng tỏa bóng mát khoảng 60m, đặc điểm của cây sộp này là thay lá chỉ trong một ngày...

Tạm biệt Vạn Giã, chúng tôi hẹn trở lại đây vào một ngày cây sộp thay lá.

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/202407/tro-lai-van-gia-4893d70/