Trở lại vùng lũ Sa Ná

Chúng tôi trở lại Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) sau hơn một tháng trận lũ kinh hoàng quét qua. Hậu quả để lại trên bản vùng cao xứ Thanh vẫn còn rất nặng nề. Đến thời điểm này, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt đã và đang được tiến hành khẩn trương, nhưng vẫn còn đó những bộn bề khó khăn.

Phòng học lắp ghép cho học sinh học tạm trong lúc chờ xây dựng trường mới tại bản Sa Ná.

Ngay sau khi “lũ dữ” đi qua, lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, ban, ngành và cộng đồng xã hội đã có mặt kịp thời để thăm hỏi, động viên các gia đình có người gặp nạn, bị thiệt hại nặng nề về nhà ở, đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn khắc phục hậu quả sau lũ, giúp nhân dân ổn định đời sống.

Tỉnh Thanh Hóa đã quyết định dành 52.000m2 đất rừng sản xuất để xây dựng khu tái định cư (TĐC) cho 51 hộ dân, 1 nhà văn hóa, 2 điểm trường (mầm non và tiểu học) tại bản Sa Ná. Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh, huyện Quan Sơn đã yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa dân vào nơi ở mới trước ngày 31-11-2019. Việc thi công được thực hiện theo phương châm tạo được mặt bằng đến đâu sẽ cho người dân tiến hành xây dựng nhà đến đó. Để tạo điều kiện cho việc thi công, huyện Quan Sơn cũng đang khẩn trương khắc phục, xây dựng các tuyến đường vượt sông để đưa phương tiện, thiết bị, vật liệu vào thi công khu TĐC để đảm bảo tiến độ. Cùng với các giải pháp trên, huyện cũng đề nghị UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng cầu bê tông và đường giao thông vượt sông Luồng nối các bản Bo Hiềng, Sa Ná, Son, Ché Lầu, xã Na Mèo đi các bản Mùa Xuân, Xía Nọi, xã Sơn Thủy.

Đối với các điểm trường và nhà văn hóa bị lũ cuốn trôi hiện nay các đơn vị thi công cũng đang triển khai các phương án xây dựng. Tuy nhiên, để giúp học sinh hai bản Son và Sa Ná có phòng học để kịp đón năm học mới 2019 - 2020, huyện Quan Sơn đã quyết định đầu tư xây dựng phòng học lắp ghép cho học sinh học tạm trong lúc chờ xây dựng trường mới. Về lâu dài, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã có văn bản đề nghị cấp trên đầu tư kinh phí để xây mới 5 phòng học, 3 phòng nhà ở giáo viên và các công trình phụ trợ; cấp trang thiết bị, bàn ghế và đồ dùng dạy học ở điểm trường khu Son (Trường Tiểu học Na Mèo). Xây mới 5 phòng học, 2 phòng nhà ở giáo viên, 1 bếp ăn bán trú cho học sinh và các công trình phụ trợ, cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy học cho điểm trường khu Sa Ná (Trường Mầm non Na Mèo).

Lũ đi qua cũng đã làm cho phần lớn diện tích đất sản xuất ở Sa Ná bị vùi lấp. Đến nay, việc khôi phục sản xuất còn gặp nhiều khó khăn và phải mất một thời gian dài người dân mới có thể khắc phục hậu quả được bởi đất, đá cùng các loại cây đã làm sa mạc hóa đồng ruộng. Tuy nhiên, trước mắt địa phương đang chỉ đạo nhân dân khắc phục bằng cách vệ sinh, dọn đất, đá bồi lắng và sẽ được cán bộ UBND huyện, xã hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp...

Đồng chí Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo chia sẻ: Lũ đi qua để lại nhiều đau thương mất mát, thiệt hại về người và tài sản không thể tính hết, thế nhưng được sự chung tay, góp sức từ các cấp, ngành và những tấm lòng hảo tâm của người dân cả nước, đời sống người dân vùng lũ Sa Ná tạm thời ổn định, nhưng phía trước vẫn còn bao bộn bề khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Bài và ảnh: Gia Bảo

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/tro-lai-vung-lu-sa-na/108177.htm