Trợ lực từ giá, xuất khẩu hồ tiêu quay lại mốc tỷ USD sau 6 năm
Sau 6 năm, 2024 là năm đánh dấu ngành hồ tiêu trở lại bảng xếp hạng nông sản xuất khẩu tỷ USD.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 15/11, Việt Nam xuất khẩu 226.366 tấn hồ tiêu, mang về 1,16 tỷ USD. Trong khi lượng xuất khẩu giảm 3,6% về lượng so với cùng kỳ năm trước (YoY), kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam lại tăng tới 46,8% YoY.
Trợ lực cho đà tăng trên là nhờ giá xuất khẩu hồ tiêu trong kỳ tăng 52% so với cùng kỳ, từ mức 3.371 USD/tấn tại kỳ trước lên 5.136 USD/tấn tại kỳ này.
Như vậy, nhờ giá xuất khẩu tăng cao, ngành hồ tiêu đã mang về kim ngạch tỷ USD sau 6 năm "im ắng".
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ giảm, tất cả các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng hai con số về giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu sang Thổ Nhĩ Kỳ giảm 34% YoY, còn 4.307 USD/tấn.
Ngược lại, giá bình quân hồ tiêu xuất khẩu Ukraine trong kỳ tăng tới 75% YoY, lên mức 6.076 USD/tấn; sang Kazakhstan tăng 60% YoY, lên 4.472 USD/tấn; UAE tăng 58,4% YoY, lên 5.353 USD/tấn; Nga tăng 52% YoY, đạt 5.216 USD/tấn...
Giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân của Việt Nam sang một số thị trường lớn cũng tăng vượt trội. Cụ thể, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân sang Mỹ tăng 31% YoY lên 5.268 USD/tấn; sang Đức tăng 33,5% YoY đạt 5.552 USD/tấn; Hà Lan tăng 28% YoY lên 5.715 USD/tấn...
Giá xuất khẩu tăng cao đã kéo kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường cũng tăng theo. Mỹ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024 với 337 triệu USD, tăng tới 95% so với cùng kỳ năm trước. Hồ tiêu xuất khẩu sang Đức cũng thu về 79 triệu USD, tương ứng tăng 143% YoY; UAE đạt 72 triệu USD, tăng 115% YoY...
Trong kỳ, các thị trường có mức tăng trưởng ba con số về kim ngạch còn có Ai Cập với +110% YoY; Bỉ với +132% YoY; Pakistan với +112% YoY.
10 tháng đầu năm 2024, hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng tăng 95% YoY lên 33,8 triệu USD; sang Italy tăng 97% YoY, đạt 7,4 triệu USD; Ba Lan tăng 92% YoY lên 15,6 triệu USD; sang Nga tăng 79% YoY, đạt 29,5 triệu USD; Hà Lan tăng 76% YoY, đạt 52 triệu USD...
Số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, đến hiện tại Việt Nam có 115.000 ha diện tích trồng hồ tiêu, trong đó Bắc Trung Bộ đạt 3.614 ha, Duyên hải Nam Trung Bộ đạt 75.352 ha và Nam Bộ với 36.011 ha.
Theo báo cáo của Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về hồ tiêu và gia vị 2024 công bố ngày 25/11, nông dân trồng hồ tiêu tại Việt Nam ngày càng có nhận thức rõ hơn về việc sử dụng các phế phẩm sinh học và thực hiện các biện pháp trồng trọt bền vững. Trong khi đó, giá tiêu tăng tạo động lực cho nông dân chăm sóc vườn tiêu tốt hơn, thúc đẩy tăng sản lượng.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, tình hình bất ổn địa chính trị diễn ra tại một số khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng đến việc giao thương, dẫn tới giá biến động, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu của ngành.
Thời tiết diễn biến khó lường, bao gồm hạn hán, mưa lớn và nhiệt độ thay đổi thất thường làm tăng chi phí đầu tư vào tưới tiêu và phòng ngừa dịch bệnh cho cây hồ tiêu.
Bên cạnh đó, các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tiêu chuẩn môi trường tại các thị trường lớn đã tạo áp lực cho ngành hồ tiêu trong việc điều chỉnh phương pháp canh tác và quy trình sản xuất...