Trở ngại khiến nạn nhân bị bạo lực và xâm hại không dám lên tiếng
Theo Thượng tá Khổng Ngọc Oanh (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công An), có nhiều phụ nữ, trẻ em bị xâm hại một thời gian dài nhưng không dám lên tiếng. Một trong những lý do đầu tiên và cũng là trở ngại lớn chính là vì phần lớn đối tượng xâm hại, bạo hành chính là người thân.
Tham luận tại hội thảo chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lên tiếng bảo vệ phụ nữ, trẻ em” do TW Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Oanh cho biết, đối tượng xâm hại, bạo lực trẻ em hầu hết là người thân, trong đó có người nghiện ngập, thậm chí có đối tượng “loạn thần ngáo đá”, sẵn sàng xách cổ con mình chạy trên mái nhà, rồi dìm trẻ em xuống nước, hay chỉ vì mâu thuẫn nhỏ giữa vợ chồng mà sẵn sàng mua thuốc trừ sâu về đổ vào sữa cho các con uống, những đối tượng chăm sóc trẻ em mà không có kỹ năng nuôi dạy trẻ…
Thượng tá Khổng Ngọc Oanh khuyến cáo một vấn đề mới nữa, nhất là trong các tỉnh phía Nam, tình trạng những phụ nữ có hoàn cảnh không hoàn thiện, sống đơn thân, họ có quan hệ yêu đương và cho các đối tượng yêu đương đến nhà mình ăn ngủ như vợ chồng. Hầu hết những đối tượng này có hành vi bạo hành, thậm chí xâm hại với con của họ. Vấn đề đặt ra, khi công an tiếp nhận điều tra, nhiều chị em này không tích cực phối hợp với cơ quan công an làm rõ tội của các đối tượng đó. Nhiều người còn bao che cho các đối tượng, kể cả khi bác sĩ phát hiện ra các dấu hiệu bạo hành báo cáo, họ vẫn nói con vào nhà vệ sinh tự ngã.
Thượng tá Khổng Ngọc Oanh khẳng định, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền ngay với chính các nạn nhân để họ ý thức về việc mình bị bạo hành và quyền được bảo vệ của mình để họ dũng cảm lên tiếng bảo vệ chính mình cũng như bảo vệ con em của mình.