Gần đây xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại trên các phương tiện truyền thông về việc Israel sẽ đưa ra hành động quân sự, tức phát là phát động một cuộc tập kích đường không nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Iran.
Viễn cảnh Israel tấn công Iran theo nhận xét bắt nguồn từ lý do mà Tel Aviv vẫn cáo buộc trong suốt nhiều năm qua, đó là chương trình hạt nhân của Tehran phục vụ mục đích chế tạo vũ khí chứ không phải nhằm phát điện.
Cần nhấn mạnh, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào ngày 19/2/2023 cho biết Iran đã đạt mức làm giàu Uranium lên tới 84%. Trong khi để tạo ra một quả bom nguyên tử, họ cần đạt tới con số 90%.
Tuy vậy cột mốc trên được đánh giá là sắp hoàn thành, nếu không có bất ngờ quá lớn nào xảy ra thì dự kiến Iran sẽ có đủ lượng Uranium để chế tạo bom nguyên tử ngay trong năm 2023.
Để ngăn chặn điều này, Israel có thể sẽ sớm tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu. Không chỉ có vậy, tại Tel Aviv, một lập luận cực kỳ đáng quan tâm đã xuất hiện, đó là khả năng Tehran đã đủ sức chế tạo một quả bom nguyên tử "chưa hoàn thiện".
Trong bối cảnh Tehran tiếp tục làm giàu Uranium, tạo ra mối đe dọa về sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong chuyến thăm Israel đã chính thức tuyên bố sẵn sàng khởi động chiến dịch quân sự chung nhằm chống lại Iran.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc sau cuộc gặp với Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã xác nhận rằng chiến dịch quân sự của Mỹ - Israel chống lại Iran có thể sẽ bắt đầu trong thời gian ngắn nhất.
Không chỉ có vậy, Israel cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các đồng minh phương Tây. Hơn nữa các quan chức tại Tel Aviv từng đưa ra tuyên bố rất rõ ràng: "Bạn càng chờ đợi lâu, tình hình càng trở nên khó khăn hơn".
Đây là thông điệp được Thủ tướng Benjamin Netanyahu đưa ra tại một hội nghị an ninh ở Tel Aviv, rõ ràng ám chỉ một cuộc tấn công nhằm vào Iran. Israel nhiều khả năng sẽ hành động trước khi đối thủ nhận tiêm kích Su-35 và hệ thống phòng không S-300 từ Nga.
Trước tình hình trên, nhà khoa học chính trị người Ba Lan - ông Yury Baranchik cho rằng việc Iran làm giàu Uranium ở mức 84% sẽ đủ để phát triển "phiên bản bẩn" của một quả bom nguyên tử.
"Cần lưu ý rằng khả năng Tehran gây ra 'thiệt hại nhạy cảm' liên quan tới vấn đề hạt nhân cho Israel sẽ dễ dàng hơn, do Nhà nước Do Thái có diện tích nhỏ và mật độ dân số lên tới 412 người trên mỗi km2", ông Baranchik nhấn mạnh.
"Đừng quên rằng Tehran đã cất giấu các căn cứ quân sự và nhà máy làm giàu Uranium dưới lòng đất trong nhiều năm và nhiều thập kỷ qua, việc tiếp cận chúng không hề dễ dàng”, chuyên gia Baranchik nói tiếp.
Bên cạnh đó để phòng ngừa bất trắc và bảo vệ đồng minh Israel trước đòn đáp trả của Iran, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ phải bố trí tới 300 - 400 nghìn binh sĩ gần quốc gia này.
Nhà khoa học chính trị người Ba Lan tin rằng Mỹ cùng đối tác hiện không có cơ hội thực hiện điều này, bởi vì họ đang phải dồn sức cho cuộc xung đột Ukraine, chính vì vậy Israel sẽ chưa mạo hiểm tấn công Iran vì rủi ro quá lớn.