Trở ngại mới trong mối quan hệ giữa Đức và Ukraine
Trở ngại mới này đã khiến Tổng thống Ukraine cách chức Đại sứ nước này tại Đức. Trong khi đó, Đức dường như sẵn sàng vi phạm một số lệnh trừng phạt đối với Nga.
Theo báo Corriere della Sera (Italy) ngày 10/7, trong hơn một tháng qua, Đức đã chặn gói viện trợ trị giá 9 tỷ euro, vốn nằm trong hỗ trợ chính của EU dành cho Ukraine. Đây có thể là một trong những lý do khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 9/7 đột ngột cách chức Đại sứ Ukraine tại Berlin Andryi Melnyk.
Tuy nhiên, có một lý do khác: Kiev nghi ngờ rằng Berlin sẵn sàng vi phạm một số lệnh trừng phạt đối với Moskva để duy trì nguồn cung cấp khí đốt của Nga thông qua đường ống Nord Stream.
Cả hai vấn đề này đều khiến mối quan hệ của Ukraine với Đức gặp khó khăn trong nhiều ngày mà vẫn chưa có giải pháp nào được đưa ra.
Ý tưởng về khoản viện trợ trên, do Ủy ban châu Âu đề xuất, đã được tất cả các nhà lãnh đạo của EU xác nhận vào cuối tháng 5/2022. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo rằng EU sẽ cung cấp cho Ukraine khoản vay trị giá 9 tỷ euro vào cuối năm 2022. Theo Bloomberg, gói viện trợ mới dành cho Kiev bao gồm các khoản vay 25 năm với thời gian ân hạn 10 năm để trả nợ gốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner không ủng hộ việc Brussels đề nghị cấp vốn viện trợ cho Ukraine từ khoản nợ chung của EU sau khi đã làm như vậy trong đại dịch COVID-19. Hiện tại, Đức chỉ chấp thuận cho đợt viện trợ đầu tiên trị giá một tỷ euro.
Tờ báo của Italy lưu ý rằng tình hình hiện tại có thể là một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Ukraine Zelensky cách chức Đại sứ Ukraine tại Berlin Andriy Melnyk.
Phức tạp hơn là vấn đề về nguồn cung khí đối cho Đức. Công ty độc quyền của Nga Gazprom đã thông báo lần đầu tiên cắt giảm 60% nguồn cung trên Nord Stream, sau đó là lần thứ hai lên đến 90% chính thức từ ngày 11 - 21/7, với lý do kỹ thuật: đường ống dẫn khí đốt ở Nga buộc phải hoạt động ở mức thấp vì một tuabin mà Siemens sửa chữa ở Đức không được chuyển lại Nga vì nó phải chịu lệnh trừng phạt.
Do đó, Đức đang cạn kiệt khí đốt vì nước này áp dụng các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga. Xét cho cùng, việc phong tỏa các phụ tùng công nghệ và công nghiệp được coi là vũ khí hữu hiệu nhất trong tay EU để làm suy yếu Nga. Thực tế là Siemens đã gửi tuabin của Gazprom đến sửa chữa ở Canada, điều này đã khiến nó bị giữ lại khi áp dụng các lệnh trừng phạt.
Bước ngoặt mới đã khiến Kiev tức giận: Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã yêu cầu và nhận được sự đồng ý về việc trả lại tuabin từ Canada cho Đức, cho thấy dấu hiệu rõ ràng là Berlin muốn gửi nó trở lại Nga.
“Nếu có vấn đề pháp lý đối với Canada, tôi có thể nói rằng tuabin không phải được Canada vận chuyển cho Nga mà là cho chúng tôi. Chúng tôi buộc phải đề nghị vì cần Nord Stream để lấp đầy các kho chứa khí đốt", ông Habeck nói.
Người đứng đầu bộ phận vận hành hệ thống truyền tải khí (GTS) của Ukraine, Serhiy Makogon đã chỉ trích quyết định của Canada, cho rằng việc trả lại tuabin cho Nord Stream cho Gazprom vì Canada đã "không chịu nổi áp lực". Ông Makogon gọi quyết định trên của Canada là "một tiền lệ rất xấu cho việc vi phạm các lệnh trừng phạt". Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh quyết định của Canada.