Trở ngại nào ngăn ông Biden hàn gắn quan hệ với Trung Quốc?
Chính quyền Biden phải đối mặt với trở ngại lớn khi cố gắng giảm leo thang căng thẳng với Trung Quốc.
Ngay sau khi công tố viên liên bang Mỹ công bố thỏa thuận cho phép Giám đốc tài chính của Huawai rời Canada và trở về Trung Quốc, các nghị sỹ Mỹ đồng loạt lên án động thái này.
Trong vòng vài giờ đồng hồ, ít nhất hai chính khách theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc - Thượng nghị sỹ Marco Rubio tới từ Florida và Tom Cotton tới từ Arkansas đưa ra các tuyên bố. Một trong số đó khẳng định Tổng thống Biden đang mềm mỏng với Bắc Kinh.
Mặc dù không nằm ngoài dự đoán, phản ứng từ những nghị sỹ như Rubio hay Cotton báo hiệu thứ có thể thành trở ngại lớn nhất mà chính quyền Biden phải đối mặt khi họ tìm cách giảm leo thang căng thẳng với Trung Quốc.
Sức ép từ Quốc hội Mỹ
Việc thực hiện bất cứ thay đổi chính sách nào cũng sẽ rất khó khăn, ít nhất là sau tháng 11/2022, khi các đảng không còn tập trung vào Trung Quốc để làm giảm uy tín của đối thủ nhằm giành ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào Quốc hội.
"Các nghị sỹ không dành thời gian để tìm hiểu về các công ty Trung Quốc. Họ chỉ đang tận dụng các công ty như Huawei như một ví dụ về cách họ nhìn nhận vấn đề Trung Quốc một cách rộng hơn. Bầu không khí ở đó sẽ trói buộc ông Biden về mặt chính trị trong việc tạo ra các thay đổi, kể cả khi cơ quan hành pháp muốn làm điều gì đó để nới lỏng quan hệ với Trung Quốc", quản lý cấp cao tại một nhà cung cấp công nghệ của Mỹ cho hay.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm. Tháng 6, ông rút lại một loạt sắc lệnh dưới thời Trump cấm tải các ứng dụng WeChat và TikTok của Trung Quốc.
Thượng nghị sỹ Rubio sau đó thúc giục ông Biden cấm TikTok sau khi cơ quan nhà nước Trung Quốc nắm giữ 1% cổ phần và ghế hội đồng quản trị tại đơn vị trong nước của ByteDance - công ty mẹ của nền tảng chia sẻ nhạc TikTok.
Sau khi bà Mạnh Vãn Châu được trả tự do, ông Rubio cảnh báo cách tiếp cận của ông Biden với Trung Quốc là "mềm mỏng một cách nguy hiểm" và làm dấy lên những câu hỏi về khả năng và sự sẵn sàng của nhà lãnh đạo Mỹ trong việc đối đầu với mối đe dọa tới từ Huawei và Bắc Kinh.
Ngay cả những thay đổi ít nhạy cảm liên quan tới Huawei cũng dẫn tới các phản ứng mạnh mẽ.
Hồi tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ phê duyệt các đề xuất mua chip ôtô trị giá hàng triệu USD cho Huawei của Trung Quốc. Chip ôtô được sử dụng để cung cấp năng lượng cho màn hình video và cảm biến không được coi là công nghệ tiên tiến nhất.
Nhưng ông Rubio và cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục chỉ trích ông Biden yếu thế trước Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ sau đó ra tuyên bố phủ nhận bác bỏ cáo buộc về một "lập trường mềm mỏng".
Hiện tại, không có bất cứ thay đổi nào về chính sách và việc phê duyệt giấy phép cho các sản phẩm ít nhạy cảm hơn cũng rất chậm.
Một phần của sự chậm chạp cũng có thể là do Quốc hội khi các các vị trí lãnh đạo chủ chốt xử lý chính sách xuất khẩu công nghệ trong Bộ Thương mại vẫn đang bỏ trống.
Alan Estevez, đề cử của ông Biden cho vị trí lãnh đạo Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Ngoại giao Mỹ được đề cử từ tháng 7 đã ra điều trần hồi giữa tháng 9 và vẫn đang chờ xác nhận.
Không có chuyện nới lỏng
Hồi đầu năm, Gina Raimondo khi đó là ứng viên Bộ trưởng Thương mại Mỹ suýt không được xác nhận vì bày tỏ lập trường ủng hộ cách tiếp cận ít khắc nghiệt hơn với Huawei.
Ông Cruz và dân biểu đảng Cộng hòa tới từ bang Texas Michael McCaul đã kêu gọi Thượng viện chặn xác nhận bà Raimondo. Kể từ đó, đa số trong Thượng viện tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn liên quan tới vấn đề này.
Vào cuối tháng 7, Thượng nghị sỹ Dân chủ Mark Warner giới thiệu dự luật cấm mua các thiết bị viễn thông của Trung Quốc.
Tới tháng 8, các nghị sỹ Cộng hòa kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ bổ sung nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc Honor, một công ty con của Huawei, vào danh sách pháp nhân bị cấm kinh doanh tại Mỹ.
Hai ngày sau khi bà Mạnh trở lại Trung Quốc, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nông thôn ở Mỹ được hướng dẫn về cách đăng ký vào chương trình của chính phủ liên bang, để thay thế bất kỳ thiết bị nào mà mạng của họ đang sử dụng từ Huawei và một nhà cung cấp viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE.
"Có một đồng thuận lưỡng đảng ở Quốc hội về việc thúc đẩy chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và những lo ngại về việc chính quyền Biden đang trở nên mềm mỏng với Trung Quốc trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới. Do đó, có thể sẽ không có bất cứ nới lỏng nào về chính sách về Trung Quốc và các vấn đề công nghệ. Thay vào đó, sẽ có thêm các điều chỉnh về các chiến lược dưới thời Trump", Paul Triolo, trưởng nhóm thực hành chính sách công nghệ tại Eurasia Group nhận định.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tro-ngai-nao-ngan-ong-biden-han-gan-quan-he-voi-trung-quoc-ar640165.html