Trò nghịch dại tuổi thơ
Mùa xuân trăm hoa đua nở. Với trẻ con nông thôn, nơi cây trái xum xuê thì đã quá quen thuộc nên có khi chẳng để ý hoa nở lúc nào mà chỉ rình xem bao giờ quả chín hay khi còn non chúng dùng vào trò gì của bọn “nhất quỷ nhì ma...”.
Tầm tháng ba, khi dưới gốc không còn những cánh li ti màu tím thì trên cành những chùm xoan non bắt đầu nhú. Vài hôm chúng đã nhỉnh bằng hạt đỗ. Tầm ấy làm đạn bắn phốc là vừa. Xóm tôi lồng nhồng gần hai chục đứa, thằng nào cũng nghịch như quỷ; nhiều hôm chơi phốc chia quân bắn nhau loạn cả xóm.
Ống phốc (súng phốc) làm bằng tre, thứ rất sẵn ở xóm ven sông. Thằng nào cũng mắt cú mắt cáo cả, liếc thấy ánh tre nào làm ống phốc được phải chặt ngay không mất. Đoạn tre làm ống phốc phải thẳng, đốt dài, lỗ vừa phải, muốn chơi được lâu thì để nguyên cả cật. Thằng nào thích màu mè thì dùng dao kẻ vẽ, khắc tên lên...
Cán phốc thường làm bằng đoạn tre khô vót tròn, tra vào đoạn tre có cọc kích thước bằng với ống phốc nhưng thường bọn trẻ cứ vào ống đũa mà vơ đại. Đũa tre ngâm mà lại để gác bếp bóng lừ rồi thì vót làm cán chẳng bao giờ sợ gãy. Công đoạn quan trọng nhất là “thử súng”. “Súng” chuẩn là tiếng nổ phải đanh, “đạn” phải bay nhanh, thẳng, xa.
“Súng ống” xong xuôi cần có “đạn” nữa mới bắt đầu “cuộc chiến” được. “Đạn” xoan sản xuất ngày nào “bắn” ngày đó, không để dành được vì bị héo bắn không ra gì nên trước “trận chiến” hai bên mới chuẩn bị. Thằng nào cũng trèo cây giỏi như khỉ nên chỉ một loáng là mấy cành xoan đã rơi xuống đất, tha hồ chơi.
Mỗi thằng làm mộc vốc, lấy lưỡi lam (dùng dao lưỡi dày sẽ bị dập) cắt quả xoan làm đôi đúc đầy hai túi quần, bắt đầu chia quân “chiến đấu”. Mỗi bên chọn ra một thằng làm tướng để chỉ huy bọn còn lại. Mỗi đội có “chiến thuật” riêng nhưng thường là tập trung “hỏa lực” vào thằng bắn gỏi nhất (thường làm tướng) để nhanh chóng tiêu diệt địch.
Lợi dụng địa hình địa vật là gốc cây, bờ rào duối để chiến đấu nên cả trận không mấy khi bị dính “đạn”. Nếu bị 3-4 thằng vây, tốt nhất là giơ tay đầu hàng. Thằng nào ngoan cố thì dừ đòn. “Súng” kê tận gáy làm đánh đóp cái thì giật nảy người. Nếu bị bắt làm tù binh thì cũng khẩn trương khai quân mình nấp ở đâu không sẽ bị “quân địch” tra tấn dã man. Nhiều hôm trời nóng bức vẫn không dám cởi trần vì sợ bố mẹ đánh đòn bởi có nhiều “vết thương” trên người.
Hết mùa xoan thì chuyển sang bắn đạn giấy. Sách vở cũ lúc này thành “đạn dược” hết. Mỗi thằng xé vài tờ giấy, rấp nước cho ẩm hoặc bỏ vào mồm nhai đến khi dính lại với nhau thì nhét vào nòng “súng”, dùng cán đập đạp mấy cái cho tòe ra rồi bắn. Nhưng chơi đạn giấy nạp đạn rất mất công và hay bị lộ nên chẳng hứng thú. Cả bọn rủ nhau chuyển sang đánh khăng (có nơi gọi là khẳng).
Trò này thì đơn giản hơn. Chỉ cần chặt một đoạn gậy chắc, vừa tay cầm làm cái và chặt mấy con khăng chừng gang tay là có thể chơi. Chỗ chơi thường là đường làng (đường đất) hoặc rệ đê để có thể đào lỗ. Để chọn người đánh trước hoặc cả nhóm oẳn tù tì hay đặt con khăng ngang lỗ rồi dùng cái hất. Thằng nào hất xa nhất được đánh trước.
Thằng đánh đặt con khăng vào lỗ theo chiều dọc, cầm cái đập vào đầu con khăng cho bật lên rồi phang. Những thằng chơi còn lại bắt. Nếu không bắt được thì thằng vừa đánh được đánh tiếp. Còn thằng nào bắt được thì thằng đánh phải cõng từ chỗ bắt về đến lỗ khăng và được đánh để những đứa còn lại bắt.
Trò này chơi quanh năm nhưng nguy hiểm hơn bắn phốc. Bình thường khăng chỉ làm bằng gỗ nhẹ để chơi cho dễ và bắt đỡ đau tay. Nhưng một hôm bị cõng nhiều quá, thằng Vinh vứt ngay bộ khăng cũ chặt cành nhãn làm cái và một đoạn tre tươi làm con. Lúc chơi, đến lượt thằng Hùng phệ đánh, thằng Vinh cay cú bắt bằng được để trả thù vì hôm trước oằn lưng cõng thằng này.
Hùng phệ vung tay, “vù” một cái đã thấy thằng Vinh ôm mặt lăn ra đất. Cả bọn chạy lại thì thằng Vinh nhổ ra cả máu tươi. Hôm sau mồm nó sưng vều, răng cửa sứt mất một miếng tướng nên có biệt danh Vinh sứt từ dạo ấy. Sau vụ thằng Hòa cũng bị con khăng bay trúng mang tai, rách miếng dài phải đi khâu thì phụ huynh cấm tiệt đánh khăng.
Những trò này giờ bọn trẻ không còn chơi. Ngập đầu ngập cổ trong bài tập, sách vở, học thêm những khi rảnh rỗi bọn trẻ lại sa vào game, mạng xã hội. Vẫn biết mỗi thời một khác nhưng khi lục tìm quá khứ, chí ít bọn tôi còn có nhiều “trò nghịch dại” để nhắc.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/van-hoa-van-nghe/75003/tro-nghich-dai-tuoi-tho.html