Trở thành mentor sau khi không tin tưởng trung tâm du học

Làm nghề mentoring (tạm dịch: cố vấn), trong khi Ánh Tuyết phải đi học thêm nhiều ngành học để làm mentor, Vân Anh lại phải học cách cân bằng cảm xúc với mentee.

Vào năm 2018, khi Lã Vân Anh (hiện 28 tuổi) tìm hiểu du học Đài Loan, thị trường du học có rất ít thông tin, chủ yếu được cung cấp từ các trung tâm tư vấn du học. Khi tự mày mò thêm, cô nhận thấy có sự chênh lệch giữa năng lực bản thân và trường học được trung tâm tư vấn. Cụ thể, Vân Anh thấy sức mình có thể xin được vào những trường tốt hơn nhiều, thậm chí có khả năng được học bổng, trong khi các trường được trung tâm giới thiệu là cơ sở có liên kết với trung tâm tư vấn du học.

Sau khi đã đến Đài Loan học và làm việc, Vân Anh bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện của mình trên mạng xã hội và nhận được nhiều quan tâm. Cô hiện làm việc tại một ngân hàng ở Đài Bắc (Đài Loan), đồng thời mentor miễn phí cho những người có nhu cầu du học Đài Loan.

Mỗi năm, Vân Anh đồng hành cùng 5-10 mentee (người được hướng dẫn) để chọn trường, làm hồ sơ xin học bổng du học.

"Vai trò của mentor là một người dẫn đường. Tôi hay nói với các mentee rằng tôi chỉ là bảng chỉ đường", Vân Anh chia sẻ với Zing, nói rằng cô muốn giúp các bạn đi sau tiết kiệm thời gian và tiền bạc hơn là tự làm rồi rút ra kinh nghiệm. Mục tiêu của cô là giúp các mentee tránh lặp lại những lỗi sai của những người đi trước.

"Tôi không phải người làm hộ"

Vân Anh tâm niệm mentor cần là người trung thực, biết lắng nghe và biết điểm dừng.

“Không phải bạn nào tôi cũng định hướng cho bạn đi du học. Sau khi nói chuyện với một số bạn, tôi khuyên các bạn nên ở Việt Nam để phát triển sẽ phù hợp hơn hoặc bạn ấy cần thời gian để chuẩn bị kỹ càng hơn”, Vân Anh nói.

 Với mentee, Vân Anh quan niệm mình chỉ là người dẫn đường.

Với mentee, Vân Anh quan niệm mình chỉ là người dẫn đường.

Cô chia sẻ trong quá trình dẫn dắt, cô thường cố gắng đào sâu về gia cảnh và những vấn đề cá nhân. Theo Vân Anh, cách này giúp cô nhận định đúng về con người và lý do chọn đi du học của mentee. Từ đó, mentor sẽ đưa ra những kinh nghiệm cá nhân, phân tích phù hợp với mentee.

Ánh Tuyết hiện là mentor miễn phí cho một số học sinh trong độ tuổi 13-19 tuổi.

"Công việc của mình gồm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu là chuẩn bị hồ sơ học thuật, giai đoạn sau là hướng dẫn nộp hồ sơ. Ngoài ra, mình cũng là người giúp các em loại bỏ những rào cản khác trong quá trình làm hồ sơ du học", Tuyết chia sẻ.

Cô cho biết đối tượng mentee chủ yếu của cô ở tuổi đang đi học. Các em chưa va chạm nên hầu như cô phải dạy cho mentee những thứ nhỏ nhất như sử dụng cá tiện ích của Google.

Đồng quan điểm với Vân Anh, Tuyết luôn hy vọng mentee phải nhớ được "mentor là người hướng dẫn, không phải là người làm hộ". Theo Tuyết, mentee luôn phải giữ tinh thần cầu thị và chủ động. Sự chủ động và cố gắng học tập của các mentee sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy của mentor cũng như chính sự phát triển của các em

"Mentor giỏi nhưng mentee không chịu thực hiện thì cũng vẫn sẽ vô ích. Mentor giỏi những thành tích cá nhân của họ cũng không có nghĩa sẽ có khả năng mentor tốt", Tuyết chia sẻ.

Câu hỏi nào để bắt đầu tìm mentor?

Tuyết cho biết khi làm mentor, cô đã phải học thêm rất nhiều thứ để định hướng cho mentee của mình. Cô cho biết mình đã từng học về lướt sóng vì mentee muốn làm dự án về dạy lướt sóng và sau này khởi nghiệp. Thậm chí, để tiện định hướng cho mentee muốn theo ngành Khoa học máy tính, cô đăng ký thêm các môn của viện Khoa học máy tính dù là một sinh viên chuyên ngành Tài chính.

"Mình nhận ra các kỹ năng cứng và kỹ năng chuyên môn không thiếu tài liệu trên mạng, nhưng vấn đề là không biết bắt đầu từ đầu và phải đi qua những giai đoạn nào, cần học gì để đạt được điều đó, tư duy như thế nào", cô giải thích lý do đi học của mình.

 Để phục vụ cho công việc mentoring, Ánh Tuyết phải học thêm rất nhiều thứ không thuộc chuyên môn của mình.

Để phục vụ cho công việc mentoring, Ánh Tuyết phải học thêm rất nhiều thứ không thuộc chuyên môn của mình.

Tuyết cũng cho biết trước đây, cô cũng từng mông lung trong việc định hướng các em.

"Mình thường đóng vai trò lên chiến lược hơn là 'giảng dạy', nên ban đầu mình mông lung chưa rõ nên hướng dẫn các em bắt đầu từ đâu. Ngày trước khi mình 13, 14 tuổi cũng chưa được tiếp xúc những cái này nên mình không biết khi ở độ tuổi đó thì nên tiếp thu kiến thức như thế nào. Sau này, khi nói chuyện 1-2 buổi với các em kỹ hơn, mình đã rõ là nên làm gì tiếp theo cho từng em", cô kể.

Theo Tuyết, mentor không cần phải là người giỏi nhất, nhưng nên là người sẵn sàng học hỏi thêm các kiến thức để giúp đỡ các mentee một cách tốt nhất. Khi đã nhận, mentor cần có trách nhiệm đối với mentee mình, cần biết quản lý thời gian để có thể cân bằng giữa công việc cá nhân và thời gian dành do mentee. Không chỉ thế, mentor vẫn phải có thời gian tập trung cho những dự án cá nhân để luôn phát triển, để làm gương và tạo động lực cho mentee mình.

Hơn hết, một người mentor hạnh phúc mới mang lại cảm xúc tích cực cho mentee.

Là mentor của các mentee 13-19 tuổi, Tuyết cho biết nhiều lần phụ huynh của các mentee đưa ra những yêu cầu vô lý như viết luận hộ vì mentee không chịu viết luận do quen với việc "ăn sẵn". Theo cô, điều này là vi phạm đạo đức khi làm mentor.

"Ngoài ra, có lần mình còn bị phụ huynh hỏi khi mentee không muốn và không làm theo con đường gia đình định hướng. Trong khi em ấy thích nghiên cứu xã hội, ba mẹ lại muốn em học Y. Đến khi em không muốn làm hoạt động ngoại khóa thì phụ huynh lại hỏi mình", Tuyết kể.

Trong 5 năm làm mentor, Vân Anh rút ra nhiều bài học về vấn đề chia sẻ. Làm mentor đồng nghĩa với việc Vân Anh phải lắng nghe rất nhiều từ mentee của mình.

“Ai cũng có câu chuyện riêng. Làm mentor miễn phí nhưng nếu không cân bằng được cảm xúc, mentor dễ bị cuốn theo câu chuyện của mentee. Tự dưng, mình lại ‘mua’ cái bực vào bản thân”, Vân Anh tâm sự.

Vân Anh nói hầu hết tin nhắn mở đầu cô nhận được là “Hi chị/Alo chị”, “Chị ơi, đi du học Đài Loan bắt đầu từ đâu ạ?”, “Chị ơi, có ngành nào vừa dễ học vừa dễ kiếm việc làm không ạ?”... Cách đặt câu hỏi, trình bày khả năng của bản thân mentee có thể tạo ra khó khăn cho người dẫn dắt. Cô cho hay mentor sẽ dễ trả lời hơn khi mentee giới thiệu rõ ràng về bản thân, có mục tiêu cụ thể và biết đánh giá năng lực của mình.

Bên cạnh đó, Vân Anh cũng gặp những người có thái độ không lịch sự khi đề nghị cô làm mentor. Cô thường sẽ nhắc nhở và giữ bình tĩnh để không tiếp nhận điều tiêu cực từ người khác.

Vân Anh cho rằng cái tôi là vấn đề quan trọng nhất để đạt được hiệu quả của quá trình dẫn dắt. Mentee cần hạ cái tôi để tiếp nhận và lắng nghe chia sẻ, lời khuyên của mentor. Đồng thời, người dẫn dắt cũng cần phải có sự bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc để tránh cãi cọ khi bất đồng ý kiến với mentee.

Đối mặt với sự bất đồng ý kiến, Vân Anh luôn tôn trọng ý kiến của mentee và để các bạn tự đưa ra những lựa chọn cho bản thân.

Linh Thùy - Thanh Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tro-thanh-mentor-sau-khi-khong-tin-tuong-trung-tam-du-hoc-post1365930.html