Trở thành việc làm thường xuyên

Được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động từ năm 2016, phong trào thi đua 'Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học' của ngành Giáo dục đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đáng chú ý, tại Hà Nội, phong trào này đã góp phần không nhỏ để ngành Giáo dục Thủ đô duy trì vững chắc vị trí dẫn đầu cả nước về quy mô, chất lượng giáo dục trong 5 năm qua.

Điểm nổi bật trong hoạt động đổi mới, sáng tạo là ngành Giáo dục Thủ đô đã cụ thể hóa phong trào thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo thành những tiêu chí, phong trào thi đua phù hợp với thực tiễn. Tiêu biểu có thể kể đến việc tổ chức xét giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo"; phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc", “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Đặc biệt, quá trình triển khai phong trào, ngành Giáo dục Hà Nội đã huy động được sự chung sức, đồng lòng của đội ngũ nhà giáo và các nhà quản lý giáo dục trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Mỗi cán bộ, giáo viên đều có sự sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, với phương châm: “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”. Nhờ vậy, đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã từng bước đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, mang lại niềm tin, sự mến yêu của học sinh và toàn xã hội.

Để phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” giai đoạn 2020-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phát động đạt hiệu quả, ngành Giáo dục Thủ đô cần cụ thể hóa nội dung rèn luyện đạo đức, tự học, đổi mới sáng tạo trở thành nhiệm vụ và hoạt động thường xuyên của mỗi nhà giáo. Kết quả thực hiện của mỗi nhà giáo là tiêu chuẩn để đánh giá, xét thi đua của tập thể, cá nhân trong cả năm học. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên, thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới; kỹ năng lập kế hoạch dạy học, dạy học tích cực, đánh giá học sinh; nâng cao phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, xây dựng nhà giáo mẫu mực.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là mỗi đơn vị, trường học căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị mình, xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho phù hợp, trên cơ sở các tiêu chuẩn về đạo đức, về việc tự học và về đổi mới, sáng tạo. Đồng thời, các nhà trường cần xây dựng môi trường giáo dục, văn hóa nhà trường mang tính mô phạm, tất cả vì học sinh thân yêu; đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa - học sinh thanh lịch”. Các nhà trường cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên được thể hiện năng lực, trí tuệ, sức sáng tạo của mình, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục.

Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” lấy đội ngũ nhà giáo là nòng cốt. Vì vậy, các thầy, cô giáo cần không ngừng nghiên cứu, học tập, rèn luyện nâng cao năng lực, trình độ, trau dồi kỹ năng sư phạm và đạo đức, làm tốt hơn nữa việc truyền thụ kiến thức cho học sinh; dạy học sinh bằng chính đạo đức, nhân cách, phẩm chất của mình.

Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập phải trở thành việc làm thường xuyên, không có điểm dừng. Chỉ có như vậy, việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện mới đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn mới.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/984059/tro-thanh-viec-lam-thuong-xuyen