Trợ thủ đắc lực của nhà nông
Trong thời đại số, điện thoại thông minh đã trở thành công cụ hữu ích, hỗ trợ đắc lực người nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Nhiều lợi ích
Việc làm đầu tiên vào mỗi sáng sau khi thức dậy của ông Nguyễn Huy Toản ở xã Nam Tân (Nam Sách) là mở điện thoại để xem hình ảnh tại khu nuôi cá lồng được camera ghi lại trong tối và đêm hôm trước. Từ năm 2016, khi lắp đặt hệ thống camera kết nối với điện thoại thông minh (ĐTTM) thì việc trông nom, chăm sóc cá của ông bớt vất vả hơn nhiều. Ông Toản kể ngày trước ông phải lọ mọ đêm hôm, mất rất nhiều thời gian để kiểm tra hết 32 lồng cá. Ban ngày ông chỉ quanh quẩn ngoài lồng cá, bận việc gì cũng chỉ tranh thủ làm, không dám đi đâu xa. Tối đến phải ngủ lại bè cá vì lo sợ kẻ gian. Khi có camera giám sát, ông Toản không còn tất bật, vội vã mà vẫn an tâm hơn trước. Hiện tại, ông Toản giao phó hết công việc ngoài bè nuôi cá cho công nhân chứ không phải ra tận nơi trực tiếp chỉ đạo. "Giờ có đi đâu thì tôi vẫn nắm bắt được tình hình nuôi cá ở nhà. Nhờ có công nghệ mà mọi thứ tiện lợi, dễ dàng hơn. Dùng ĐTTM chủ động hơn máy tính để bàn hay ti vi kết nối mạng. Ngồi chơi xơi nước vẫn có thể biết được cá ăn ít hay nhiều, con nào kém ăn, có biểu hiện lạ để kịp thời xử lý", ông Toản nói.
Từ khi sản phẩm trứng gà của gia đình lên sàn thương mại điện tử, ông Đào Hữu Thuân ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) mới nhận ra được nhiều lợi ích của ĐTTM có kết nối internet. Hằng ngày, ông đều sử dụng ĐTTM phát trực tiếp trên ứng dụng Voso của Viettel Post để khách hàng ở khắp mọi miền đất nước có thể thấy được quy trình sản xuất trứng gà VietGAP tại trang trại nhà ông. Là cơ sở nuôi gà đẻ trứng lớn, mỗi ngày xuất bán hơn 4 vạn quả nhưng trước kia ông chỉ mải lo sản xuất, còn việc tiêu thụ vẫn theo nếp cũ vì gia đình có nhiều mối quen đổ buôn ở trong và ngoài tỉnh. Năm 2020, sau khi tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) và nhất là sau biến cố từ dịch Covid-19 làm trứng gà khó bán theo cách truyền thống, ông Thuân mới bắt đầu tìm hiểu về bán hàng trực tuyến. Với sự giúp đỡ của nhân viên Viettel Post, chỉ sau vài ngày ông đã sử dụng thành thạo các tính năng trên ứng dụng Voso. Ông Thuân chia sẻ: "ĐTTM đã dùng từ lâu nhưng bây giờ tôi mới thấy được tầm quan trọng của nó. Các ứng dụng mua bán hàng trực tuyến được tích hợp trên ĐTTM mới đầu tôi cứ nghĩ rắc rối, phức tạp, song càng dùng càng thấy tiện lợi, hữu ích. Khách hàng của tôi không còn bó hẹp trong tỉnh và các địa phương lân cận mà đã mở rộng ra cả nước".
Xu hướng tất yếu
Hiện nay, với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, những nông dân nhạy bén đã không đứng ngoài cuộc mà nhanh chóng tiếp cận để không ngừng đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh. ĐTTM đã trở thành vật bất ly thân với nhiều nông dân. Nhờ ĐTTM có kết nối internet mà nông dân dễ dàng nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ để có điều chỉnh phù hợp.
Những lúc rảnh rỗi, bà Vũ Thị Quý (ngoài 60 tuổi) ở xã Thanh Sơn (Thanh Hà) lại cầm điện thoại đọc báo, tìm hiểu về kỹ thuật trồng cây. Bà Quý hào hứng khoe rằng kiến thức về nông nghiệp từ ngày được con trai mua cho chiếc ĐTTM đến nay còn nhiều hơn cả mấy chục năm trước đây cộng lại. "Nói tới nông dân thì mọi người thường liên tưởng tới những thứ cũ kỹ, lạc hậu nhưng hiện tại thì đã khác xưa. Tôi đã lớn tuổi mà còn biết dùng ĐTTM lên mạng, vào mạng xã hội để kết nối, giao lưu với nông dân ở nhiều nơi thì những người trẻ tuổi sẽ khai thác được nhiều tính năng của thiết bị này nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp", bà Quý khẳng định.
Trang trại trồng rau sạch của anh Nguyễn Tuấn Anh ở xã An Lâm (Nam Sách) áp dụng công nghệ cao tương đối đồng bộ. Một số phần việc phục vụ sản xuất được anh lắp đặt cảm biến tích hợp với ĐTTM để có thể dễ dàng điều khiển từ xa như tưới nước tự động, bật tắt thiết bị chiếu sáng tự động. Nhờ vậy anh tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, công sức so với cách làm thủ công. Vì thế, anh Tuấn Anh hướng tới xây dựng một mô hình nông nghiệp số. Anh luôn mong muốn sở hữu một trang trại được áp dụng tối đa tiến bộ của công nghệ thông tin để tối ưu hóa sản xuất. Chỉ cần chiếc ĐTTM là có thể điều hành được hoạt động ở trang trại. "Tôi đang nghiên cứu lắp đặt hệ thống màng che tự động theo điều kiện sản xuất. Những thông số về độ ẩm, nhiệt độ, trạng thái thời tiết được truyền về ứng dụng cài đặt sẵn ở ĐTTM. Dựa vào đó chỉ cần nhấn nút lựa chọn loại màng che phù hợp dù đang ở bất cứ đâu. Trời nồm ẩm sẽ kéo màng chống côn trùng, còn nắng thì hạ màng giảm nhiệt", anh Tuấn Anh cho hay.
Nông dân sử dụng ĐTTM kết nối internet đã trở nên phổ biến và những nông dân biết cách khai thác tính năng của thiết bị này để phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng ngày một nhiều hơn. Ứng dụng công nghệ số là xu hướng tất yếu của nông nghiệp hiện đại. Do đó cần phải có kế hoạch phát triển sản xuất phù hợp để những nông dân sở hữu thiết bị thông minh thực sự là nông dân công nghệ.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/tro-thu-dac-luc-cua-nha-nong-165870