'Trợ thủ' đắc lực trong tuyên truyền pháp luật

Chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu thế tất yếu mà còn đang trở thành 'cánh tay nối dài' giúp lực lượng Quân đội thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Chuyển đổi số trong PBGDPL đang mở ra nhiều cơ hội đột phá về phương pháp, hình thức truyền đạt nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao hơn trong bảo mật thông tin.

Đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật

Trong kỷ nguyên số, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu cấp thiết đối với mọi lĩnh vực, trong đó có công tác PBGDPL. Phó Cục trưởng Cục phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên khẳng định, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực PBGDPL vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp trọng tâm để đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật.

Theo đó, điểm cốt lõi của chuyển đổi số không chỉ là số hóa các tài liệu, quy trình, mà còn là thay đổi tư duy, văn hóa tổ chức, từ lãnh đạo tới người thực hiện. Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm, được triển khai có lộ trình, phù hợp với điều kiện từng vùng miền, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.

Học viên Trường Sĩ quan Thông tin truy cập sử dụng các tài liệu điện tử giáo dục pháp luật trên kho lưu trữ thư viện số Ảnh: Tuấn Anh

Học viên Trường Sĩ quan Thông tin truy cập sử dụng các tài liệu điện tử giáo dục pháp luật trên kho lưu trữ thư viện số Ảnh: Tuấn Anh

Lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội đã được xác định là một bộ phận nòng cốt trong tiến trình chuyển đổi số PBGDPL. Theo ông Phan Hồng Nguyên, việc ứng dụng công nghệ đã mang lại sự thuận lợi trong việc nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cả lực lượng vũ trang như quân đội, công an… Sự hiện diện của nền tảng làm việc số, trợ lý ảo, công cụ chia sẻ tri thức pháp luật không chỉ giúp giải phóng sức lao động khỏi những công việc hành chính lặp lại, mà còn tạo môi trường huấn luyện hiện đại, chủ động cho cán bộ, chiến sĩ.

Một trong những hiệu quả rõ rệt của chuyển đổi số là thay đổi căn bản phương thức đào tạo, học tập pháp luật. Việc học trực tuyến, khai thác kho tài liệu điện tử giúp cán bộ, chiến sĩ tiếp cận kiến thức pháp luật mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Điều này không chỉ rút ngắn khoảng cách số mà còn giảm đáng kể chi phí tổ chức lớp học tập trung.

TS. Vũ Hoài Phương, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, công nghệ số, đặc biệt là AI giúp mở rộng phạm vi tuyên truyền pháp luật tới mọi đối tượng trong lực lượng vũ trang, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Việc chuyển đổi các nội dung tuyên truyền thành file âm thanh giúp chiến sĩ có thể nghe kiến thức pháp luật ngay cả khi đang luyện tập ngoài thao trường.

Không dừng lại ở khâu truyền tải, AI còn hỗ trợ mạnh mẽ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật. Nhờ các công cụ như ChatGPT, NotebookLM, Notion AI…, báo cáo viên có thể nhanh chóng xây dựng đề cương, biên soạn bài giảng, tạo sơ đồ tư duy hoặc mô phỏng tình huống pháp lý - những phương pháp đang ngày càng được sử dụng hiệu quả trong tuyên truyền pháp luật tại đơn vị.

AI có thể tạo tiểu phẩm pháp luật, mô phỏng đối thoại pháp lý, video minh họa tình huống vi phạm… Công cụ như Remini giúp tạo hình ảnh, video mà không vi phạm bản quyền; tích hợp thực tế ảo giúp chiến sĩ "trải nghiệm" luật trong môi trường huấn luyện. Bên cạnh đó, AI còn hỗ trợ khảo sát, phân tích dữ liệu PBGDPL, giúp báo cáo viên ra quyết định chính xác.

Linh hoạt và thận trọng trong sử dụng thông tin

Theo các chuyên gia, AI không thể thay thế vai trò con người - nhất là sự truyền cảm hứng, ngôn ngữ cơ thể và khả năng kết nối cảm xúc của báo cáo viên. AI chỉ là công cụ hỗ trợ, giúp họ làm việc nhanh hơn, hiệu quả và sáng tạo hơn. Đặc biệt, việc sử dụng các công cụ AI cần được gắn với nguồn dữ liệu kiểm chứng.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương băn khoăn về cách phân biệt và giới hạn thông tin như thế nào cho hợp lý, nhất là khi AI đang được đưa vào soạn bài giảng. Đồng thời, đặt ra một vấn đề thực tiễn, đó là trong giảng dạy pháp luật, việc đưa vào các dẫn chứng cụ thể như số liệu vi phạm, hành vi, văn hóa đơn vị… có thể khiến bài giảng sinh động hơn, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin mật.

Cục trưởng Cục Pháp chế Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Việt Dũng khẳng định, báo cáo viên cần linh hoạt nhưng phải thận trọng. Việc sử dụng thông tin trong bài giảng phải căn cứ theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Nếu là thông tin mật, cần xin phép cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa vào bài giảng; nếu không thuộc phạm vi mật, báo cáo viên có thể chủ động sử dụng để tăng tính thực tiễn và hiệu quả truyền đạt.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số PBGDPL trong quân đội và các lực lượng vũ trang, cần thống nhất nhận thức, coi chuyển đổi số là quá trình đổi mới tư duy và mô hình vận hành, không chỉ là áp dụng công nghệ. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện về tài chính, nhân lực và xã hội hóa công nghệ phục vụ PBGDPL; xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật dùng chung, vận hành hiệu quả Cổng PBGDPL quốc gia.

Mặt khác, nhân rộng các hình thức truyền thông mới như livestream, infographic, diễn đàn tương tác… Đào tạo đội ngũ sử dụng công cụ AI như ChatGPT, NotebookLM, Notion AI... Trên cơ sở đó, tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất trong thực thi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL là hành trình dài hơi, cần sự chung sức của nhiều bên, nhưng trước hết là từ đội ngũ báo cáo viên pháp luật quân đội - những người đang "đứng lớp" truyền tải tri thức pháp luật đến từng cán bộ, chiến sĩ. Sự chủ động đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin một cách linh hoạt, thận trọng, chính là chìa khóa để công tác PBGDPL trong Quân đội vững bước vào thời đại số.

Thảo Mộc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tro-thu-dac-luc-trong-tuyen-truyen-phap-luat-10380325.html