Trớ trêu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Hiện hàng chục ngàn giáo viên đang phải khốn đốn xuôi ngược trước Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD do Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục - Đào tạo, về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Trong khi cả nước tích cực cải cách thủ tục hành chính, ngành giáo dục lại phát kiến “giấy phép con” gây phức tạp cho quá trình giảng dạy của giáo viên. Ngoài các chứng chỉ tin học và ngoại ngữ, giáo viên muốn “tiêu chuẩn hóa” phải có thêm chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Để có chứng chỉ khó hiểu này, mỗi giáo viên phải nộp 3 triệu đồng để học 5 buổi online.
Theo tâm sự chua chát của nhiều giáo viên, cả khóa học có mức phí không nhỏ nhưng đa số kiến thức mang nặng tính lý thuyết và hình thức. Nghĩa là, giáo viên chỉ học để có chứng chỉ, không áp dụng được vào công tác giảng dạy. Thậm chí “việc học và thi đều là làm cho có, mang tính chất đối phó để cuối cùng lấy được cái chứng chỉ hợp thức hóa quy định hết sức vô lý của cơ quan quản lý”.
Học hay không học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là sự băn khoăn của hầu hết giáo viên lúc này. Bởi hơn ai hết họ hiểu được giá trị thực của những chứng chỉ đó. Nhưng không học liệu sẽ đi đâu, về đâu? Vậy là giáo viên tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm các văn bằng, chứng chỉ của mình mà không biết rằng đến khi nào nó mới kết thúc. Việc Bộ Giáo dục - Đào tạo viện dẫn Luật Viên chức và các văn bản liên quan về quy định chức danh nghề nghiệp là hoàn toàn đúng. Song luật hay các văn bản pháp luật khác cũng phải bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống.
Giáo viên là nghề đặc thù. Mỗi giáo viên chỉ cần tập trung trau dồi năng lực chuyên môn riêng biệt của mình để nâng cao trình độ, nhằm truyền đạt kiến thức đến học sinh hiệu quả. Giáo viên môn thể dục hay giáo viên môn Tiếng Việt mà đòi hỏi chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học, thực sự có cần thiết? Bây giờ lại đòi hỏi thêm chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, quả thật là chuyện bi hài.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, nhận định: “Bản chất, giáo viên trước khi ra giảng dạy là đã được đào tạo và công nhận nghề nghiệp sư phạm. Do đó, quy định có thể bỏ yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên. Điều này sẽ đáp ứng sự phù hợp của xu hướng chung hiện nay là giảm bớt các chứng chỉ không cần thiết; đồng thời giảm bớt được những phiền hà. Hiện nay đã có những đề xuất từng bước bãi bỏ chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học. Vậy nên, đối với ngành sư phạm, nên xem xét lại về quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên. Nếu quy định bắt buộc giáo viên lại phải qua một khâu đi học bồi dưỡng để có chứng chỉ theo yêu cầu, gây nhiều tốn kém và không cần thiết”.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở nhiều nội dung bồi dưỡng đã không bám sát tiêu chuẩn, lại đưa những kiến thức thuộc về nhiệm vụ quản lý cơ sở giáo dục hoặc những kiến thức đã được học ở chương trình cao đẳng hay đại học. Những giáo viên chỉ đứng lớp, vậy cung cấp những nội dung về quản lý nhân sự và quản lý khoa học cho họ để làm gì?
Bàn về sự thiếu chuyên nghiệp của Công văn 971 trên, TS. Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh: “Lẽ ra sau khi có các thông tư ban hành tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, ngay lập tức chương trình bồi dưỡng phải căn cứ vào đó để sửa đổi cho phù hợp với tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn mới ban hành năm 2021 có một số nội dung mới đưa vào lại lấy chương trình đã được thẩm định năm 2016 là điều không thể chấp nhận được”.
Không thể tiêu chuẩn hóa giáo viên bằng những quy định trớ trêu và ngược ngạo. Từ thực tế oái oăm của ngành giáo dục, Bộ Nội vụ cần khảo sát và có phương án chỉnh sửa các loại chứng chỉ chức danh đối với đội ngũ viên chức. Bởi lẽ, có chứng chỉ liên quan đến việc bổ nhiệm và cũng có chứng chỉ đơn thuần là bồi dưỡng nghiệp vụ, có chứng chỉ bắt buộc và chứng chỉ không bắt buộc.