Trở về làm dấu gạch nối

Điện thoại đổ chuông, tôi bấm nghe: '… Anh hãy là cầu nối của Đồng Nai với Quảng Trị đi…' . 'Yên chí, tôi sẽ về mà!', 'Lần nào cũng thấy anh nói: Sẽ về…'.

Tác giả cùng nhà báo Trần Đăng Mậu (trái) trước Đài chứng tích Sinh viên - Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

Tác giả cùng nhà báo Trần Đăng Mậu (trái) trước Đài chứng tích Sinh viên - Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

Dù chỉ biết nhau qua Facebook, tôi và nhà báo Trần Đăng Mậu (Hội Nhà báo Quảng Trị) đã nhanh chóng trở thành thân quen.

Như đã hẹn nhau, tôi và anh bạn tên Nhất quyết định về thăm lại mảnh đất một thời “đỏ lửa” bằng chuyến tàu hỏa từ ga Biên Hòa.

Tôi mang theo trên hành trình biết bao hình ảnh của một thời tuổi trẻ với lý tưởng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Những cái tên của gần nửa thế kỷ vẫn còn nghe sao réo rắt: Cửa Việt, Cam Lộ, Đông Hà, Ba Lòng, Thạch Hãn, Thành cổ… Vâng, nơi đó những đồng đội của tôi đã nằm xuống. Nơi mà chính đối phương gọi là “cối xay thịt”. Ôi chiến tranh! Tôi như không thấy vạn vật ngược chiều vun vút qua cửa sổ con tàu, cũng như âm thanh tiếng động. Quá khứ ùa về trong tôi rộn rã. Vị mặn thấm ra ngoài khóe mắt…

***

Tôi nguyên là lính sư 304 tham gia chiến trường Quảng Trị 1972 giữa lúc hai bên chiến tuyến đang trong giai đoạn giằng co nhau quyết liệt. Thế mà đã gần nửa đời người đi qua. Nhà báo Trần Đăng Mậu cùng cựu chiến binh Bùi Thạc Long chờ đón chúng tôi như chờ đón người thân nơi viễn xứ bao năm ly biệt trở về. Và hai “tình yêu” ấy bỗng trở thành hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị. Tôi không thể kìm nổi nước mắt khi nhớ về một chiến trường khốc liệt với biết bao xương máu của đồng đội đã đổ xuống trong 81 ngày đêm. Nhà báo Trần Đăng Mậu như hiểu được nỗi lòng của tôi, anh nói như đọc sách: Sự hy sinh anh dũng của bộ đội ta ngày ấy đã góp một phần quyết định vào thắng lợi trên bàn hội nghị Paris, tạo thời cơ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tổ quốc, dân tộc đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ! Vâng, chính tôi đã chứng kiến biết bao chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này. Trong lòng đất này có biết bao tuổi thanh xuân một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã hy sinh mà vẫn chưa tìm thấy hài cốt? Thành cổ Quảng Trị một thời máu lửa mãi mãi là bài học bi hùng cho các thế hệ mai sau, xác định thái độ sống và chiến đấu vì một đất nước Việt Nam yêu tự do, độc lập.

Nhà báo Trần Đăng Mậu hướng mắt lên Đài tưởng niệm, nói trong nghẹn ngào: “Đài tượng niệm là một biểu tượng nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ giải phóng quân trong 81 ngày đêm bảo Thành cổ. Có thể nói, đây là một nghĩa trang tập thể, nhưng lại không một nấm mồ…” Rồi nhà báo giải thích cho tôi nghe việc thiết kế Đài tượng niệm phải theo quan điểm triết lý âm dương. Chân Đài tưởng niệm đắp theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái… Lư hương đặt giữa hai phần âm - dương để khách viếng thăm thắp hương tưởng nhớ, tri ân những người lính đã hy sinh anh dũng. Có 81 bức phù điêu tượng trưng cho 81 tờ lịch ghi từ ngày 28-6-1972 (ngày đầu trận chiến) đến ngày 16-9-1972 (ngày quân ra rút khỏi Thành cổ). Nhà báo Trần Đăng Mậu hỏi tôi: “Anh nhớ ngày nào nhất?”. Tôi bảo: “Nhớ ngày 16 tháng 9 nhất, vì đó là ngày quân ta nhận lệnh cấp trên rút quân khỏi Thành cổ…” Vị nhà báo bỗng nín lặng trong phút giây...

***

Chúng tôi tiếp tục viếng thăm nhà bảo tàng Thành cổ trưng bày các bức ảnh và hiện vật về cuộc chiến 81 ngày đêm. Một cảm xúc bất ngờ choán trong tâm trí tôi là bức ảnh Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính. Tôi như gặp lại nụ cười của chính mình, của đồng đội mình trong gian khổ ác liệt vẫn bừng sáng niềm lạc quan cách mạng, dẫu biết rằng giữa cái sống và cái chết chỉ còn trong gang tấc.

TX.Quảng Trị nơi có Thành cổ, hôm nay đã thay da đổi thịt, đang có sự phát triển vượt bậc trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, chế biến nông sản, gia công cơ khí… với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao…

Về Quảng Trị không thể quên dòng sông Thạch Hãn! Vâng, sông Thạch Hãn đã đi vào lịch sử kiêu hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Chúng tôi đến Bến Thả Hoa bên bờ Nam sông Thạch Hãn vào giữa trưa nắng thấy nước xanh trong, không đục đỏ như mùa hè đỏ lửa năm nào. Ngày ấy biết bao bộ đội ta đã hy sinh khi qua sông này để bổ sung người và vũ khí cho mặt trận Thành cổ vào giữa mùa nước lũ. Nhà báo Trần Đăng Mậu lại ngậm ngùi đọc lên trang sử: Trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, mỗi chiến sĩ giải phóng phải gánh chịu đến cả 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Lượng bon đạn kẻ thù sử dụng ở chiến trường Quảng Trị tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà đế quốc Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945... Còn tôi có cảm giác dòng sông như đang dùng dằng không chảy để nghe tiếng âm hồn cất lên từ đáy sông. Bỗng câu thơ của chiến sĩ giải phóng quân Lê Bá Dương ùa về trong tôi tha thiết: Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Hôm nay trở về với đất mẹ Quảng Trị, sao lòng tôi bâng khuâng đến thế. Hình ảnh khói lửa, bom đạn năm xưa đã lùi về dĩ vãng để hôm nay tôi về cất lên tiếng gọi: Đất mẹ anh hùng của con ơi!

Đứng đây, Bến Thả Hoa nhìn sang bờ Bắc sông Thạch Hãn, tôi hình dung những chiến sĩ giải phóng quân năm xưa mặc cho sóng lũ, bom đạn, đêm tối mịt mù vẫn quyết vượt sông đi vào Thành cổ để chiến đấu chống quân thù. Nhà báo Trần Đăng Mậu cho biết, vào những ngày lễ lớn, đặc biệt 27-7 hàng năm, nơi Bến Thả Hoa chính quyền địa phương đã tổ chức lễ thả hoa, thả đèn trên sông Thạch Hãn để tri ân, cầu cho linh hồn các anh hùng liệt sĩ siêu thoát.

Di tích, Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị là nơi đặc biệt, không những mang ý nghĩa lịch sử mà còn mang tính tâm linh thu hút khách du lịch trong nước và thế giới; là nơi cựu chiến binh và đồng bào về để thắp lên những nén tâm hương tưởng nhớ những người con trung kiên bất khuất đã không tiếc máu xương để bảo vệ mảnh đất này.

***

Quảng Trị mảnh đất “đầu sóng ngọn gió” trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù ngoại bang đã đi vào trang sử vàng dân tộc Việt Nam như một chân lý sáng ngời. Nỗi đau thương, mất mát, gian khổ khó khăn, ác liệt mà Quảng Trị gánh chịu đã góp phần quan trọng đem lại hòa bình cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Biết bao địa danh trên mảnh đất này đã hóa thành những tác phẩm văn học nghệ thuật mang tầm thời đại.

Quảng Trị đang ngự trị trong trái tim của biết bao người khi nhớ về một thời “máu lửa” giành giật từng tấc đất với kẻ thù. Xin nói lời tri ân sâu nặng!

Đào Sỹ Quang

(nguyên lính E9, F304 - Mặt trận Quảng Trị 1972)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202307/tro-ve-lam-dau-gach-noi-3172334/