Trở về quê hương thời Covid-19: Chuyến bay đáng nhớ và chuyện của 14 ngày cách ly

Thấy thấp thoáng hình bông sen vàng trên nền xanh quen thuộc ở đuôi máy bay của Vietnam Airlines từ xa, tôi cảm thấy an lòng hơn hết thảy vì sắp được về nhà.

Hành khách trở về quê hương trên chuyến bay của VNA. (Nguồn: VNA)

Hành khách trở về quê hương trên chuyến bay của VNA. (Nguồn: VNA)

Tôi viết những dòng này vào những ngày mùa thu của Hà Nội với nắng vàng, gió heo may se se lạnh hòa cùng hương cốm xanh non thơm phức của những gánh hàng rong vỉa hè. Thật may mắn cho tôi vì được an yên thưởng thức những ngày thu Hà Nội này thay vì vẫn mắc kẹt ở Morocco trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 ở nước này ngày càng gia tăng chóng mặt, lên tới 2500-3000 ca nhiễm mỗi ngày.

Hành trình hồi hương của tôi khá gian nan sau nhiều lần trì hoãn do Morocco ban hành lệnh giới nghiêm và đóng cửa các chuyến bay thương mại. Chỉ đến khi đất nước Bắc Phi này mở lại một số đường bay với Pháp, tôi mới tìm thấy đường về nhà bằng cách đăng ký chuyến bay hồi hương với Đại sứ quán Việt Nam tại Morocco và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. May mắn cũng mỉm cười với tôi khi được là một trong gần 280 công dân có mặt trên chuyến bay hồi hương của Vietnam Airlines từ Paris (Pháp) trong hai ngày 20-21/8.

Lựa chọn trở về

Chuyến đi của tôi càng thêm phần kịch tính bởi trước khi bay tám tiếng, hãng Air Arabia, hãng hàng không tôi mua vé bay từ Fes (Morocco) sang Paris để nối chuyến hồi hương, bất ngờ thông báo lùi lịch bay bốn tiếng, gần sát với giờ cất cánh của Vietnam Airlines. Đứng trước hai lựa chọn, một là tiếp tục thực hiện chuyến bay với hy vọng mong manh có thể kịp hoặc nhỡ chuyến bay của Vietnam Airlines vì thời gian quá cảnh rất ngắn, hai là hủy chuyến chờ chuyến hồi hương tiếp theo, tôi đánh liều lựa chọn tiếp tục lịch trình bay như dự định. Đây thực sự là một quyết định táo bạo bởi nếu lỡ chuyến hồi hương về Việt Nam, tôi sẽ bị kẹt lại sân bay Charles de Gaulle (Paris) với khả năng cao phải bay quay đầu về Morocco bởi trong đợt dịch Covid-19, Pháp quy định không cho công dân ngoài khối Schengen nhập cảnh.

Khi đã an tọa trên máy bay, nghe mọi người xung quanh nói tiếng mẹ đẻ, tôi thấy quê hương dường như đang ở rất gần mình. Thậm chí, khi tiếp viên thông báo trên loa: “Chào mừng quý khách đến với chuyến bay của Hãng hàng không Vietnam Airlines”, tôi phải tự cấu vào tay để chắc rằng đây không phải một giấc mơ.

Ngồi trên máy bay từ Fes sang Paris, lòng tôi không khỏi lo âu, bồn chồn, chỉ biết cầu nguyện để kịp bay chuyến hồi hương. Chưa bao giờ khao khát được trở về quê hương trong tôi lại mãnh liệt đến thế. Khi làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại lần hai, Việt Nam vẫn là quốc gia tương đối an toàn với số ca mắc Covid-19 chỉ hơn 1000 ca, một số lẻ so với số ca nhiễm ở nhiều quốc gia khác. Tôi tự nhủ, chỉ cần về đến đất mẹ an toàn thì dẫu hành trình bay có vất vả ra sao cũng phải cố gắng vượt qua.

May mắn đã mỉm cười với tôi khi máy bay hạ cánh sớm hơn dự kiến 30 phút và cùng đậu chung một terminal (nhà ga) với máy bay của Vietnam Airlines. Vậy là tôi có thêm thời gian để di chuyển sang cửa bay của chuyến tiếp đó và quãng đường phải đi cũng gần hơn. Khi máy bay Air Arabia di chuyển về bến đỗ, ngồi bên cửa sổ máy bay, tôi đưa mắt dáo dác tìm kiếm máy bay của Việt Nam. Thấp thoáng thấy hình bông sen vàng trên nền xanh quen thuộc ở đuôi máy bay của Vietnam Airlines từ xa, tôi cảm thấy an lòng hơn hết thảy như nhìn thấy được tia sáng ở cuối con đường. Mọi lo lắng, mệt mỏi vì thế cũng tan biến. Đến lúc này, tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì lựa chọn trở về của mình là đúng đắn.

Chuyến bay đáng nhớ

Xuống khỏi máy bay Air Arabia, nhờ sự giúp đỡ, dẫn đường tận tình của cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp mà cuối cùng tôi cũng lên kịp chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN218, chuyến bay đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi.

Trước khi lên máy bay, mỗi hành khách đều được phát một bộ đồ bảo hộ gồm áo liền quần, khẩu trang, kính chống giọt bắn và găng tay nilon. Đây là điều khiến tôi vô cùng ấn tượng, thể hiện sự nghiêm túc phòng chống dịch bệnh của hãng hàng không nước nhà. Có lẽ, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chủ động trang bị “từ đầu đến chân” cho hành khách như vậy, bởi ngay chuyến bay từ Fes sang Paris trước đó, tôi phải tự chuẩn bị đồ bảo hộ cho bản thân, hành khách xung quanh tôi chủ yếu chỉ đeo khẩu trang để phòng dịch.

Có trải nghiệm thực tế mới thấu hiểu rằng mặc một bộ đồ bảo hộ bí bách suốt 13 giờ bay quả thật không mấy dễ dàng nhưng không ai bảo ai, tất cả các hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay đều chịu khó “xông hơi” trong bộ đồ bảo hộ vì an toàn cho cộng đồng và bản thân. Để giảm thiểu tiếp xúc giữa hành khách với tiếp viên, dịch vụ trên khoang máy bay cũng thay đổi. Đồ ăn nóng sốt và nhiều loại thức uống trước đây từng được phục vụ nay chỉ còn những món được đóng gói sẵn từ trước và nước đóng chai. Điều này đã được hãng hàng không thông báo từ trước và hầu như mọi người xung quanh tôi chẳng ai phàn nàn bởi mọi người đều hiểu rõ mức độ nguy hiểm và khả năng lây lan cao của virus SARS-CoV-2 nếu chúng ta lơ là các biện pháp phòng ngừa.

13 giờ bay chẳng mấy chốc trôi qua. Những lo âu, mệt mỏi trước đó được đền đáp bằng những giấc ngủ bù. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tất cả hành khách đều vỗ tay hân hoan. Mừng vì chuyến bay thành công tốt đẹp, mừng vì sau bao ngày mong ngóng cuối cùng đã trở về nhà.

Các công dân làm thủ tục tại sân bay. (Nguồn: VNA)

Các công dân làm thủ tục tại sân bay. (Nguồn: VNA)

Chuyện của 14 ngày

Đến sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi lấy hành lý, làm thủ tục nhập cảnh và khai báo y tế, chúng tôi được phân ra các xe để đi thực hiện cách ly tập trung 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Tôi nằm trong số 170 công dân được phân đi cách ly tập trung tại cơ sở Lâm viên Thanh niên, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.

Nằm cách sân bay Tân Sơn Nhất hai giờ đồng hồ đi bằng ô tô, Khu cách ly Lâm viên Thanh niên được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, an toàn và sạch sẽ cho công dân cách ly tập trung và lực lượng làm nhiệm vụ. Thực tế khác hẳn với một số bình luận xấu, chê bôi, không mang tính xây dựng của một số người thực hiện cách ly tập trung tại các địa điểm khác trước đó đăng tải trên mạng xã hội gây hoang mang cho tôi cùng các công dân đang chuẩn bị về nước.

Ngoài kiểm tra sức khỏe thường xuyên cùng hai lần làm xét nghiệm PCR nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2, tôi cùng các bà con được phục vụ ăn ba bữa/ngày, được cấp miễn phí nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn và các vật dụng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly. Chúng tôi nói đùa với nhau rằng 14 ngày cách ly chẳng khác nào nghỉ dưỡng ở khách sạn, resort với môi trường trong lành, yên tĩnh. Mọi người thay phiên nhau dọn dẹp vệ sinh chung, chia sẻ với nhau đồ dùng sinh hoạt cần thiết.

Trong những ngày cách ly tại Long An, được mọi người chia sẻ nhiều câu chuyện khác nhau, tôi mới thấy hành trình hồi hương của mình dẫu có gian nan cũng chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong một bức tranh đủ hỉ nộ ái ố của những hành khách trên đường trở về nhà. Đó là chuyện về cậu du học sinh ở Hà Lan trên đường sang Pháp bị cướp giật mất ba lô tại Bỉ, chuyện về một người mẹ mang bầu sáu tháng lặn lội từ Bờ Biển Ngà sang Pháp để về nước, chuyện về cụ ông gần 80 tuổi với nhiều bệnh lý nền bị mắc kẹt tại Pháp khi đi sang thăm con cháu… Mỗi người có hoàn cảnh riêng nhưng đều có một mẫu số chung là mong muốn trở về quê hương da diết trong bối cảnh dịch Covid-19 ở các nước châu Âu và châu Phi ngày càng khó lường. Tự nhủ bản thân thật may mắn vì khi khó khăn, nguy hiểm, quay trở về được đất nước đón chào, tôi chợt nhớ đến một câu thơ trong bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:

“Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”.

Quang Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tro-ve-que-huong-thoi-covid-19-chuyen-bay-dang-nho-va-chuyen-cua-14-ngay-cach-ly-126950.html