Trở về từ mùa hạ

Ông Năm chỉ gặp bố mình số lần đếm trên đầu ngón tay. Lần nào cũng ngắn ngủi, vội vã như cánh chim vụt qua bầu trời mỗi chiều hạ. Mỗi lần ông trở về nhà là một cuộc chạy đua với thời gian. Có lần chỉ ở được vài tiếng với mấy mẹ con bố đã vội đi. Nhưng với đứa trẻ như ông Năm ngày ấy, từng phút giây có bố bên cạnh đều quý giá.

Ông Năm lặng lẽ ngồi trên chõng tre cũ kỹ, đôi mắt dõi về khoảng sân trước nhà nơi nắng đang trải như mật. Ấm chè xanh bên cạnh đã nguội tự bao giờ, hương lá nhè nhẹ tỏa ra hòa vào cái nắng oi ả. Tháng Bảy trời vẫn còn hanh nồng nhưng phượng đã thôi rực lửa, bằng lăng cũng nhạt dần và muồng hoàng yến không còn chói chang. Những sắc màu từng rực rỡ một thời giờ như tấm áo cũ, mỏi mệt và chậm rãi khép lại một mùa.

Tờ lịch trên tường đã vơi quá nửa, thời gian như trượt qua tay, vội vã đến lạ. Mới đó mà lại sắp đến ngày ấy. Ông ngước nhìn lên ban thờ, ánh mắt quét qua từng cái tên quen thuộc. Đến tấm ảnh người cha, tim ông như thắt lại. Một tiếng thở dài bật ra, sống mũi cay xè, nước mắt rưng rưng nơi khóe mắt. nỗi nhớ ùa về trong ông.

*

Gia đình ông Năm có truyền thống quân nhân, ba đời khoác áo lính, ba đời tiễn nhau ra trận bằng những cái bắt tay siết chặt và ánh mắt kiên cường giấu đi những giọt nước mắt. Bản thân ông Năm cũng từng xách ba lô rời quê ra mặt trận giữa những năm tháng mưa bom bão đạn. Có lẽ vì thế mà sau này, khi chiến tranh đã lùi xa, hòa bình trở lại nhưng trong nếp nhà của ông vẫn vẹn nguyên cái kỷ cương, nề nếp của một người lính cụ Hồ.

Được tin tưởng giao trọng trách Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã, ông Năm sống và làm việc như thể lúc nào cũng đang giữa thời chiến, nghiêm cẩn, chặt chẽ và không khoan nhượng. Nhưng chiến tranh dẫu kết thúc trên chiến trường, lại chưa bao giờ rời khỏi tâm khảm ông. Có những vết thương không nhìn thấy được mà ngày một lắng sâu trong ký ức của người đàn ông tưởng chừng như đã can qua mọi khổ đau trong cuộc đời. Và chính những nỗi đau ấy theo năm tháng đã đúc ông thành một con người khắt khe, cứng rắn và cố chấp với những định kiến.

Bà Bình, người đàn bà tảo tần cả đời bên ông Năm, hiểu chồng mình hơn bất cứ ai. Chỉ bà biết có những đêm ông trằn trọc mãi không ngủ, những lần ánh mắt ông lặng đi như đang thả hồn lơ lửng ở tầng trời nào xa xôi lắm để trò chuyện với người đã khuất nẻo. Sau cái dáng vẻ cứng cỏi với đôi vai từng mang ba lô vượt qua lửa đạn, những năm tháng vào sinh ra tử mà vẫn nguyên vẹn trở về là một trái tim chưa bao giờ lành vết sẹo.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Chồng của bà là người đàn ông từng không run tay khi nắm chốt quả lựu đạn, từng băng qua mưa pháo mà không hề chớp mắt. vậy mà, cứ mỗi lần đứng trước ban thờ là tay cầm nén nhang run run và đôi mắt rưng rưng như một đứa trẻ. Không ít lần, bà lặng lẽ đứng sau nhìn ông bật khóc, những giọt nước mắt mặn chát chất chứa những tâm tư của cả một đời người. Ông mếu máo gọi mẹ, khóc lóc thưa cha với nỗi nhớ thương và day dứt chẳng biết phải giãi bày cùng ai.

*

Ông Năm chỉ gặp bố mình số lần đếm trên đầu ngón tay. Lần nào cũng ngắn ngủi, vội vã như cánh chim vụt qua bầu trời mỗi chiều hạ. Mỗi lần ông trở về nhà là một cuộc chạy đua với thời gian. Có lần chỉ ở được vài tiếng với mấy mẹ con bố đã vội đi. Nhưng với đứa trẻ như ông Năm ngày ấy, từng phút giây có bố bên cạnh đều quý giá.

Lần cuối cùng ông được gặp bố là vào mùa hè năm ông vừa tròn 7 tuổi. Tuổi đó ông chưa đủ lớn để hiểu hết về chiến tranh nhưng cũng vừa đủ để biết thế nào là mất mát, hy sinh. Mùa hạ năm ấy lạ lắm, nắng miền Trung vẫn đổ lửa trên những rặng tre già, gió Lào vẫn hun hút thổi qua mái rạ, nhưng dường như tất cả trở nên dịu lại trong những ngày ngắn ngủi bố về. Bố đội mũ cối, mặc bộ quân phục sờn vai, bước vào sân với bước đi rắn rỏi, khuôn mặt rám nắng sáng lên khi thấy các con ùa ra đón.

Ông nhớ bố đã ngồi bên hiên nhà, uống chén nước chè mẹ rót, vừa vuốt tóc ông và các em vừa kể chuyện về đơn vị, về những người đồng đội như anh em ruột thịt và cả chuyện mùa khô trên rừng Trường Sơn cho ông nghe. Khi ấy ông chỉ hiểu lơ mơ nhưng vẫn cố lắng nghe, bởi từng lời bố nói như mang mùi rừng, mùi súng đạn và hơi ấm của một thế giới xa xôi mà ông chưa từng biết. Trước khi rời đi, bố xoa đầu từng đứa một, ánh mắt quét chầm chậm qua từng khuôn mặt nhỏ nhắn như muốn khắc ghi thật sâu trong ký ức của mình rồi dừng lại ở ông, đứa con trai trưởng và dặn:

- Ở nhà ngoan và phụ mẹ chăm em nhé. Mùa hè sau bố sẽ lại về.

Lời hứa ấy, ông đã giữ như một ngọn đèn nhỏ trong tim suốt những ngày thơ ấu. Nhưng mùa hè ấy đã không bao giờ đến. Một buổi chiều cuối đông rét mướt, trời phủ mây xám, ông thấy mẹ bần thần cầm một lá thư. Mẹ run run mở, đọc đến dòng cuối thì khuỵu xuống bên bếp. Đó chính là giấy báo tử, thứ giấy mà cả làng ông ai cũng sợ nhận. Bố ông đã ngã xuống trong một trận đánh lớn ở chiến trường phía Nam, khi mùa xuân vừa chớm nụ nơi quê nhà.

Từ đó, ông không bao giờ quên ánh mắt của mẹ ngày hôm ấy, ánh mắt rỗng không, nhìn xa như đang bấu víu lấy một tia hy vọng cuối cùng. Và ông một đứa trẻ lên bảy cũng từ đó lớn lên cùng nỗi mất mát lặng thầm. Cái mùa hạ có bố trở về, đến giờ vẫn là mùa hạ đẹp nhất đời ông. Nó ngắn ngủi, mong manh, nhưng ấm áp như ánh nắng cuối ngày còn vướng lại trên hàng tre quê nhà. Khăn trắng phủ phục trên khuôn mặt người đàn bà góa chết lặng chẳng còn nước mắt khóc chồng.

Qua một đêm mẹ ông như già đi cả chục tuổi. Rồi mẹ ông lại mạnh mẽ gánh gồng để làm lụng nuôi con, bởi bốn đứa con chẳng cho phép bà được yếu mềm được lâu. Bao đau khổ bà nén hết vào trong để rồi sau này về già khi làn da nhăn nheo và lớp phòng bị rạn vỡ thì những thương tổn như làn khói xám tràn ra ngoài phủ mờ đời bà và làm tổn thương ra cả cuộc đời của ông Năm.

Năm mười tám tuổi, ông Năm nối gót cha, khoác súng lên vai, xung phong ra trận. Là con liệt sĩ, ông thuộc diện được ở lại hậu phương, nhưng ông không chịu. Người đàn bà sau một lần tiễn chồng đi không hẹn ngày về biết không có gì lay chuyển nổi ý chí trong tim thằng con trai giống bố như tạc nên mẹ ông chẳng ngăn cản.

Sáng hôm ấy, trời sớm còn mù sương, mẹ ông đã dậy lục tục chuẩn bị trong bếp. Bà làm thịt con gà mái mơ, đồ một chõ xôi nếp thơm, cẩn thận gói ghém trong mo cau, đặt vào tay con. Không một giọt nước mắt hay tiếng nấc nghẹn ngào, chỉ là đôi bàn tay bà run run lặng lẽ vuốt lên tấm áo bộ đội còn mới thơm mùi vải. Ra đến gốc đa đầu làng nơi ngày xưa bà từng tiễn chồng bà đứng lại. Bà nhìn ông, đôi mắt sâu thẳm nhưng rắn rỏi:

- Con đi, đánh cho thắng giặc rồi về. Đừng như bố con đi mãi mà không trở lại. Mẹ chờ.

Ông Năm không nói được gì. Ông chỉ lặng lẽ nắm lấy bàn tay nhăn nheo, chai sần của mẹ. Đôi bàn tay ấy từng xới đất trồng rau, từng cào rơm giữa ngày gió Lào bỏng rát và từng ôm ông ngủ những đêm thiếu vắng bóng bố. Nước mắt rưng rưng, giọng ông khản lại vì xúc động:

- Mẹ yên tâm. Con hứa con sẽ về cùng ngồi nơi hiên nhà với mẹ và các em.

Lời hứa ấy, ông đem theo suốt những năm tháng hành quân qua rừng rậm, vượt suối sâu, giữa những trận bom xé đất, những lần tiễn đồng đội nằm lại bên đường mòn Trường Sơn. Và trong mỗi giấc mơ lửa khói, hình bóng mẹ vẫn lặng lẽ ngồi bên gốc đa chờ con, giữa mùa hạ quê nhà. Chiến tranh, đạn bom vô tình đến núi đồi còn bị san phẳng huống hồ gì là lời nói gió thoảng mây bay, ấy vậy mà ông Năm đã thực hiện được lời hứa của mình.

Khi ông Năm yên bề gia thất, mẹ ông hạnh phúc lắm. Bà ôm lấy cháu nội, giọt nước mắt ấm như những giọt nắng cuối chiều khẽ rơi xuống gò má nhăn nheo. Nhưng niềm hạnh phúc ấy đối với bà chưa bao giờ tròn đầy, nó mong manh như tấm vải chắp vá, như vầng trăng mùa hạ bị mây che khuất một phần. Bởi tận sâu trong lòng, bà vẫn canh cánh một điều, nơi chồng bà nằm xuống vẫn bặt vô âm tín.

Tờ giấy báo tử ngày ấy, vỏn vẹn vài dòng khô khốc, chẳng nói rõ ông hy sinh nơi nào, không tọa độ, không mộ chí. Chiến trường thì mênh mông, đường sá hiểm trở, bà biết tìm ông ở đâu? Nỗi đau ấy, bà cắn răng chịu suốt bao năm, chỉ dám tự an ủi mình rằng người chồng đang ở một nơi nào đó, yên nghỉ giữa vòng tay đồng đội, những người anh em đã ngã xuống. Nhưng có một điều khiến bà đau đáu mãi khôn nguôi đó là trên ban thờ kia, không có nổi một tấm ảnh của chồng để con cháu thắp hương mà nhìn mặt người ông, người cha đã hy sinh cho Tổ quốc. Bà ân hận suốt một đời, rằng khi ông ra đi, vội quá, nghèo quá mà chưa kịp chụp lấy một tấm hình nào làm kỷ niệm.

Từ ngày ông Năm trở về, những mùa hạ của bà không còn là những mùa chờ đợi nữa, không còn dáng người gầy ngồi thẫn thờ bên hiên, ngóng ra đầu ngõ. Nhưng thay vào đó, bà lại chìm trong hoài niệm. Những đêm trăng sáng, bà thường thẫn thờ ngồi một mình, nhớ về những đêm hạ xa xưa cái thời tuổi con gái, khi ông nhà còn là một chàng trai khỏe mạnh, hay lén ông ngoại dắt bà ra con đê làng, hóng gió sông thổi mát cả một quãng trời. Tiếng cười thuở ấy giờ chỉ còn vang vọng trong ký ức, như một giấc mộng đẹp chưa bao giờ tỉnh. Và với bà, mùa hạ đẹp nhất, dịu dàng nhất, đã mãi mãi dừng lại ở năm ông đi. Những mùa hạ sau này dẫu phượng vẫn nở, ve vẫn ngân, cháu con đầy nhà cũng không thể lấp được khoảng trống mà chiến tranh để lại.

Dẫu biết rằng chẳng ai là biến mất hoàn toàn khỏi thế giới này, thói quen của họ, đường nét trên khuôn mặt họ sẽ hiển hiện trên những thế hệ tiếp theo. Như cách bố ông Năm hiện diện trong thằng con trai của ông, khiến mẹ ông lần đầu tiên bế cháu đã phải thốt lên kinh ngạc, giống ông nội nó quá, từ mắt mũi đến cái điệu cười má lúm. Ấy vậy mà một tấm ảnh thờ cho chồng vẫn là điều bà canh cánh đến tận khi mất.

Trước khi về với miền mây trắng bà đã thuê người vẽ ký họa nổi tiếng nhất trong vùng về để nhờ vẽ lại khuôn mặt ông theo những gì bà miêu tả. Bức hình chẳng trọn vẹn nhưng cũng làm bà thấy yên lòng phần nào.

*

Ông Năm vẫn thường lắc đầu, mắt dõi xa xăm mỗi khi nhìn đám thanh niên tụ tập cười nói rôm rả đầu ngõ. Với ông chúng nó nào hiểu chiến tranh là gì, hòa bình này không phải tự nhiên mà có mà là máu xương của bao người đổ xuống. Thời ông đã phải cầm súng, từng đêm bò qua từng vạt cỏ ướt sương, từng ngày co ro dưới mưa pháo để có hòa bình.

Làm việc ở Ban chỉ huy quân sự xã, ông Năm cứng rắn như thép rèn. Ai xin miễn, xin hoãn nghĩa vụ với lý do không theo quy định ông đều gạt đi. Có người tìm cách nhờ vả, có kẻ mang quà cáp mong mềm lòng nhưng ông vẫn chỉ lạnh lùng lắc đầu. “Qua hai vòng sức khỏe, không thuộc diện miễn thì phải đi”, ông nói chắc nịch. Với ông, quân đội là nơi tôi luyện con người, nơi người trẻ học được kỷ luật, trách nhiệm và cả lòng yêu nước thật sự chứ không phải thứ khẩu hiệu suông.

Hai đứa con trai của ông, đứa nào cũng phải nhập ngũ trước rồi mới được học đại học. Vợ ông nhiều lần can ngăn, bà thương con, sợ con chậm chân trên đường học vấn. Nhưng ông cương quyết: “Chậm vài năm cũng được, miễn là không chậm làm người”. Người làng bảo ông bảo thủ, gàn dở, ông bỏ mặc ngoài tai hết. Đến khi hai con đều thành công với tính cách vững vàng, chính bà vợ ông cũng phải thừa nhận ông nói đúng.

Nhưng rồi thời thế thay đổi. Đứa cháu nội đến tuổi nghĩa vụ, thằng con trai cả của ông lại nhất quyết cho nó học đại học ngay, chiều theo ước mơ của con. Ông Năm giận lắm. Không phải vì ông ghét chuyện học mà vì ông sợ thế hệ sau sẽ lớn lên trong nhung lụa mà quên mất giá trị của máu và nước mắt. Ông giận không chỉ vì đứa cháu không đi lính mà vì con ông, từng là lính mà giờ lại không hiểu cha mình.

Ông giận nhà thằng con trai suốt mấy tháng trời không liên lạc hay hỏi han gì. Giận con trai một thì ông giận thằng cháu trai của mình mười. Nó được sinh ra trong một gia đình truyền thống bộ đội mà lại trốn tránh đi lính, như bố nó đi bộ đội xong cảm thấy phù hợp với môi trường quân ngũ nên ở lại chuyên nghiệp và đi học lên hoặc như chú nó đi lính xong rồi đi học đại học giờ vẫn thăng tiến như thường, thậm chí còn nhanh hơn bạn bè cùng lứa chứ có thua thiệt gì đâu. Càng nghĩ ông càng thất vọng về đứa cháu trai của mình và rồi ông điểm lại một loạt đám thanh niên trong làng năm nay không đi lính, ông lại càng thêm mất niềm tin vào lứa trẻ bây giờ.

*

Vì chẳng rõ ngày bố ngã xuống nơi chiến trường chính xác là ngày nào, nên mẹ ông Năm chọn hai ngày trong năm để làm mâm cơm cúng chồng. Mấy chục năm nay ông Năm vẫn duy trì đều đặn, một là vào ngày đầu đầu hạ khi bố lên đường năm ấy, hai là vào 27/7, ngày cả nước cúi đầu tưởng nhớ những người con chiến đấu, hy sinh hóa thân vào đất mẹ. Cuối hạ năm nay, trời oi bức khác thường, ao sen sau nhà đã cạn nắng, lá bắt đầu ngả màu, hoa cũng thưa thớt dần. Chỉ còn lác đác vài bông cuối vụ gắng gượng bung nở, hương thơm lẫn trong gió nhè nhẹ, mỏng manh như ký ức sắp tan.

Mẹ ông kể bố ông trông cục mịch như vậy thôi nhưng rất chiều bà, biết bà thích hoa sen nhất nên chính tay bố ông trồng một ao sen để cho bà thỏa thích ngắm. Hạ về những bông hoa sen thơm phức đưa hương trong gió sớm tạo cảm giác bình an và thư thái đến lạ. Năm đó khi đi ông hẹn mùa hạ về, bà đã chăm rất kỹ ao sen để đón ông về. Vậy mà hoa nở nhưng người chẳng bao giờ về nữa. Mẹ mất, ông Năm thay bà ngày giỗ bố dâng những bông sen lên ban thờ cha mẹ.

Sen quê mộc mạc, cánh dày mà tinh khôi, chẳng cần kiểu dáng cầu kỳ hay màu sắc lòe loẹt của những loài hoa ngoại nhập vẫn mang một vẻ đẹp riêng. Nhìn những đóa sen trong tay, lòng ông bỗng chùng xuống khi nhớ về một lần tình cờ lướt mạng, thấy đám trẻ tranh luận sôi nổi về sen. Chúng đem so sen với lan, với hồng nhập khẩu, rồi có đứa còn đặt cho loài hoa ấy cái tên lạ lẫm “quỳ” với ý mỉa mai. Ông chỉ lặng im mà thở dài. Người ta có thể không thích một loài hoa, nhưng sao lại nỡ buông lời cay nghiệt đến vậy?

Sen, với ông và cả một thế hệ từng đi qua chiến tranh đâu chỉ là một loài hoa. Đó là biểu tượng của thanh khiết, của kiên cường, của những gì bình dị mà đẹp đẽ nhất. Một bông sen nở giữa ngày hòa bình là thứ mà những cô gái tuổi xuân gửi thân nơi rừng sâu núi thẳm năm nào từng mơ được thấy mỗi độ hạ về, nhưng mấy ai có cơ hội.

Ông đặt bông sen vào lọ, cắm thật ngay ngắn trên ban thờ. Ngoài kia, gió lùa qua tán tre, đưa hương sen len vào trong nhà hòa trong khói nhang nhè nhẹ. Ông lại nhớ mẹ, người từng nâng niu mỗi nhành sen như nâng niu một mảnh ký ức. Tấm ảnh ký họa năm nào mà mẹ ông nhờ người vẽ đã ố vàng, có nét đã nhòe đi theo thời gian. Nhìn tấm ảnh của bố ảo mờ trong làn khói hương, ông ước có phép màu nào đó khiến ông có bức hình của bố như thật, để mai này ông có về với mẹ cha cũng không còn hối tiếc điều gì.

Giỗ chạp cũng là dịp gia đình được sum họp, chúng nó ở thành phố bận bịu trăm bề nên cũng ít khi về. Nhà thằng cả và thằng út cùng từ thành phố trở về, ông thấy cháu con đông đủ thì lòng vui lắm nhưng ngoài mặt vẫn cố tỏ vẻ như còn giận gia đình thằng cả lắm. Ông ngồi trên hè hắng giọng khi thấy mấy đứa con đang bước vào nhà:

- Cũng còn nhớ để mà biết đường về cơ đấy, tưởng anh chị ở thành phố hiện đại quên luôn ông bà già nhà quê cổ hủ này rồi.

Biết bố giận mình, cậu con trai cả nhanh nhảu:

- Về thăm bố mẹ còn về ăn giỗ của ông nội nữa mà, làm sao mà chúng con dám quên.

Ông trả lời giọng có vẻ giận dỗi:

- Thế mà có nhiều thứ tôi tưởng nhà anh quên rồi đấy.

Lúc này anh con cả mới đẩy đứa con trai đang đứng sau mình lên. Thằng bé trên tay cầm thứ gì đó được phủ lên bằng tấm vải đỏ, giọng lí nhí, ông nội ơi, con có thứ này muốn cho ông nội xem. Nói rồi thằng bé gỡ tấm vải ra, ông Năm lúc này đứng bật dậy, sững người. Ông run run sờ vào món đồ trên tay cháu trai. Những nếp nhăn trên khuôn mặt ông bắt đầu xô lại, ép cho những giọt nước mắt chảy ra hai bên má. Chứng kiến cảnh đó, từ bà Bình cho đến các con, các cháu đều không kìm nổi nước mắt. Tâm nguyện mấy chục năm trời của ông cuối cùng đã trở thành hiện thực.

Thời gian trôi qua, hình ảnh bố ông như nào ông cũng không còn nhớ rõ nữa, ông rất sợ một ngày khi trí nhớ dần kém đi, ông sẽ quên hết hình ảnh của bố. Nhìn tấm hình của thằng cháu trai, ông sửng sốt đến nghẹn ngào:

- Bố đã về với con đấy ư? Bố ơi hạ này bố về với con à?

Nói rồi những giọt nước mắt lại chảy ra không thể kìm được. Phải một lúc lâu sau ông mới có thể bình tĩnh lại được. Hình ảnh bố như thước phim quay chậm lướt qua cuộc đời ông. Ông hỏi đứa cháu làm sao có được tấm hình này.

Thằng cháu bảo, lần trước về nó đã chụp lại bức ảnh ký họa trên ban thờ và nhờ nhóm bạn trẻ trên mạng chuyên phục dựng lại ảnh liệt sĩ bằng công nghệ để vẽ lại. Nhóm đó toàn người trẻ nhưng giỏi và đã phục chế hàng trăm bức ảnh cho các gia đình liệt sĩ, họ làm miễn phí hết ông ạ.

Ông Năm cầm bức hình của bố đặt lên ban thờ mà cứ ngỡ như một giấc mơ. Ông Năm nhìn tấm hình bố nghẹn ngào, hóa ra bọn trẻ bây giờ chúng nó biết ơn ngày xưa theo một cách thật khác. Ngoài ao, những bông sen cuối mùa, mùi hương sen không còn nồng nàn như đầu vụ, nhưng vẫn đủ để len lỏi vào từng góc nhà, dìu dịu như một tiếng thở dài xưa cũ. Trong ánh sáng loang nhẹ qua bức ảnh trên bàn thờ, Ông Năm thấy trong ánh nắng dịu nhẹ, bố mẹ ông đang mỉm cười nắm tay nhau trở về từ mùa hạ.

Truyện ngắn của Lê Đình Trung

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/tro-ve-tu-mua-ha-i776003/