Trở về với ánh sáng (bài 5)
Bài 5: Bình yên một dải biên cươngĐBP - Hiểu rõ cái xấu, từ bỏ tà đạo, đồng bào vùng có đạo ở Nậm Pồ ngày càng đoàn kết, chăm lo phát triển đời sống kinh tế - xã hội, sống 'tốt đời, đẹp đạo', kính Chúa, yêu nước. Các chính sách dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là trong đồng bào có đạo luôn được các cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đặc biệt quan tâm chăm lo; góp phần đem lại cuộc sống no ấm, bình yên cho một dải biên cương.Bài 1: Hệ lụy từ sự mê muội, cả tinBài 2: Ngăn chặn 'sóng ngầm' tà đạoBài 3: Cuộc chiến không khoan nhượngBài 4: Sống tốt đời, đẹp đạo dưới cờ Đảng
“Trái ngọt…”
Rũ bỏ ám ảnh những ngày theo tà đạo “Giê Sùa”, gia đình anh Hờ A Tủa, bản Huổi Thủng 3, xã Na Cô Sa đang bắt đầu những ngày tháng mới với công việc nương rẫy quen thuộc cùng niềm tin vào những mùa vàng bội thu. Có sự chung tay của lực lượng công an, bộ đội biên phòng và cán bộ xã, bản, khoảnh đất rộng quanh nhà anh nhanh chóng được cải tạo thành ao nuôi thả cá, khu chuồng trại chăn nuôi lợn và ruộng trồng lúa nước. Những ngày trung tuần tháng 8 vừa qua, ngôi nhà của gia đình anh Tủa rộn ràng, đông vui hơn hẳn khi con trai anh nhận được giấy báo trúng tuyển Trường Sĩ quan Chính trị. Họ hàng trong gia đình, bà con ở bản ai cùng vui mừng, phấn khởi cho gia đình anh.
“Tôi ở nhà trồng lúa, ngô và nuôi thêm lợn, gà, chăm chú làm kinh tế để lo cho các con được ăn học đầy đủ. Bây giờ vui lắm, gia đình và dòng họ sẽ không tin theo tà đạo nữa, chấp hành tốt các quy định của bản và chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” - anh Tủa trải lòng.
Ở Na Cô Sa hiện có 18/18 điểm nhóm tôn giáo đã được cấp giấy chứng nhận sinh hoạt tôn giáo tập trung. Đều đặn mỗi cuối tuần, các tín đồ, chức sắc lại đến điểm sinh hoạt để cùng hát thánh ca, nghe đọc Kinh Thánh, cầu nguyện. Không chỉ là những buổi sinh hoạt tôn giáo thuần túy nghe chấp sự giảng giáo lý, đây còn là nơi để các tín đồ học cách chăn nuôi, canh tác để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, có những buổi sinh hoạt, công an xã còn xuống tận bản hướng dẫn người dân kỹ năng phòng cháy, chữa cháy; cách chăm sóc, bảo vệ rừng; phòng tránh tai nạn thương tích mùa bão lũ. Bà con còn được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Đảng, Nhà nước để cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự của bản.
Quanh câu chuyện về đổi thay ở Na Cô Sa hôm nay, ông Vàng Văn Chuyển, Chủ tịch UBND xã kể với chúng tôi về những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, sự chủ động của người dân các bản ở Na Cô Sa. Ông Chuyển bảo, vẫn đồng bào dân tộc ở các bản ấy, vẫn những con người ấy, nhưng theo thời gian và có sự tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành trong huyện; các tổ chức chính trị - xã hội, đến nay người dân đã chủ động đăng ký thực hiện các mô hình trồng rừng, trồng cây dược liệu, nhiều bản đã chủ động cải tạo kênh dẫn nước để chuyển ruộng lúa một vụ thành hai vụ, đất ven suối cũng được cải tạo thành ruộng, vườn.
Minh chứng cho lời nói của mình, Chủ tịch UBND xã Vàng Văn Chuyển thông tin thêm: Nếu ở thời điểm năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã Na Cô Sa là 88,17% thì đến tháng 9/2024 đã giảm xuống còn 57,12%; tỷ lệ huy động nhà trẻ và trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tổng diện tích cây lương thực có hạt ước đạt 965,45ha; 9/11 bản có đường bê tông… Cuộc sống người dân nơi đây đã bước sang ngày mới tươi sáng.
Lấy “xây” để “chống”
Để giải quyết tận gốc tà đạo, vấn đề quan trọng nhất là phải quan tâm chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí ở vùng dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo theo đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Bản Na Cô Sa 3 (xã Na Cô Sa) có 139 hộ, 910 khẩu, 100% là dân tộc Mông. Bản từng được coi là “vùng lõm”, bởi có 18 hộ, 98 nhân khẩu từng theo tà đạo “Giê Sùa”, sống khép kín… ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Đó là chuyện cũ, nay Na Cô Sa 3 đã có chuyển biến rõ rệt khi các hộ đã được tuyên truyền, vận động, hiểu rõ bản chất, tự nguyện cam kết từ bỏ tà đào, tình làng nghĩa xóm ngày càng củng cố bền chặt. Ông Vàng A Sàng, Trưởng bản hồ hởi cho hay: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, bản có đường bê tông rộng, điện lưới quốc gia, trẻ con được chăm lo học hành. Các hộ nghèo được vay vốn làm ăn, hộ có nhà dột nát còn được hỗ trợ làm nhà mới. Bà con đã đoàn kết, bảo ban nhau cách phát triển kinh tế… cuộc sống ngày một ấm no hơn”.
Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, huyện Nậm Pồ đã chủ động hướng dẫn, đưa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nền nếp, ổn định, tuân thủ pháp luật; tập trung giải quyết các kiến nghị, nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo; vận động đồng bào người Mông từ bỏ tà đạo, trở về chăm lo phát triển với cuộc sống, với chính đạo và sinh hoạt theo điểm nhóm được pháp luật cho phép.
Ông Lý Thanh Tiềm, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trong những năm qua, với sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách về phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành, triển khai có hiệu quả. Nhờ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc huyện biên giới Nậm Pồ từng bước khởi sắc. Đặc biệt, cộng đồng các dân tộc, người theo tôn giáo luôn đóng góp trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, vận động các tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo; xây dựng đời sống mới”.
Hiện nay, huyện Nậm Pồ có 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); 52,7% dân số (4.588 hộ, 26.787 nhân khẩu) theo tôn giáo (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông). Với phương châm lấy “xây” để “chống”, Nậm Pồ đã thực hiện hỗ trợ đầy đủ, kịp thời, đảm bảo các chế độ chính sách cho vùng đồng bào có đạo. Đặc biệt, kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt, nhất là hệ thống đường giao thông, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế... Nếu như năm 2013, khi huyện mới thành lập tỷ lệ hộ nghèo chiếm ở mức cao, chưa có xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; chỉ có 4 trường học đạt chuẩn quốc gia; tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở những bản vùng có đạo… Hiện nay với sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân, diện mạo Nông thôn mới huyện Nậm Pồ đã có nhiều khởi sắc, đời sống Nhân dân, nhất là vùng có đạo đã no ấm, đủ đầy hơn. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,32 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 44,65%; 13 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (đạt 100%). Đặc biệt, từ 2018 - nay huyện đã chuyển hóa thành công 7 địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, trong đó có các địa bàn phức tạp về hoạt động tà đạo như: Na Cô Sa, Vàng Đán…
Nét mặt rạng ngời, phấn khởi đưa con đến lớp, anh Giàng A Chớ, bản Huổi Thủng 2 (người đã từ bỏ tà đạo “Giê Sùa”) cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Anh Chớ nói: “Người dân ốm đau đến trạm y tế, trẻ nhỏ được đến trường… Chúng tôi còn được Nhà nước hỗ trợ cây, con giống phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Vùng đất gian khó ngày nào giờ đã no ấm hơn rồi!”.
Bên cạnh đó, qua công tác nắm tình hình cho thấy, đa số những người đã từ bỏ tà đạo vẫn còn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, có nguyện vọng quay trở về sinh hoạt tại điểm nhóm Tin Lành cũ, tuy nhiên, họ có tâm lý tự ti, e ngại, sợ tín đồ trong điểm nhóm kì thị, xa lánh... Do đó, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ và các lực lượng chức năng đã quan tâm, vận động các điểm nhóm Tin Lành được chính quyền cho phép và quần chúng nhân dân tạo điều kiện, giúp đỡ để họ sớm tái hòa nhập với cộng đồng, không kì thị, xa lánh; đồng thời hướng dẫn để họ tham gia sinh hoạt tôn giáo đúng quy định của pháp luật.
Bước qua đêm đen, bão giông, lầm lỡ về tín ngưỡng, niềm tin, cuộc sống người Mông trên những rẻo núi cao Nậm Pồ đã trở lại ánh sáng với sự no ấm, đủ đầy. Những con đường bê tông vươn tới các ngõ, xóm, lá cờ Tổ quốc tung bay trên các bản làng người Mông đã minh chứng rõ nét về những vùng quê bình yên, đời sống khởi sắc, tăng cường niềm tin sắt son của người dân với Đảng.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/218881/tro-ve-voi-anh-sang-bai-5