Trở về với yêu thương

Cuộc sống cuốn đi. Có những lúc tưởng lòng chai sạn. Thế mà cứ cái cữ 23 tháng Chạp trở ra, ta bỗng trở thành một người khác. Ta vẫn cứ cập rập, vội vàng để gói ghém những việc năm cũ. Nhưng cũng lúc ấy, đang có một cuộc hành hương lặng lẽ trong lòng, về với nguồn cội, với những nhớ thương...

Những ngày cuối năm, tôi hay ra sân ga xem những sum vầy, tôi ra quốc lộ xem những chuyến xe nối liền những trái tim. Người xa quê, trong những ngày gần Tết, câu hỏi khi gặp nhau là: Có về quê ăn Tết không? Ăn Tết đây là ăn - cả - cái - Tết, cái hương cái vị, không khí, kỷ niệm xưa. Ngày xưa, thời đói kém, người ta chỉ đợi Tết để được “no 3 ngày” theo đúng nghĩa đen của nó. Nhưng vì sao bây giờ cuộc sống đã đủ đầy hơn, xu hướng nghiêng nhiều về chơi Tết, mà sao cái câu cửa miệng, cái tâm thức vẫn cứ là “ăn Tết”?

Một năm xoay vần về cái Tết. Và cái Tết như được “đơm” vào trong cái bát. Bát cơm với người Việt như là biểu trưng của thành quả lao động, chất chứa nỗi đầy vơi, yên vui, buồn tủi. Suy cho cùng, làm lụng cả năm, không chỉ lo miếng cơm, manh áo hằng ngày, mà cuối cùng là để Tết đến có được “bát cơm đầy” với người thân của mình hay không. Có lẽ, người người muốn về quê ăn Tết cũng vì lẽ đó.

Trong tâm thức người Việt, đi xa là để trở về, như loài cá hồi hương, như chim nhớ tổ. Không ít người - gia đình thừa điều kiện, có nhà cửa đàng hoàng ở thành phố, nhưng tết đến là đóng cửa, “bầu đoàn thê tử” dắt díu nhau về quê. Phải chăng cái chất phiêu dạt của con người cũng như cánh diều vậy, dù bay xa đâu đâu cũng cột mình với quê nhà. Từ một anh “giang hồ” như nhà thơ Phạm Hữu Quang, nhưng: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Cho đến tướng quân Huỳnh Văn Nghệ, trong khi chinh Nam lòng vẫn luôn đau đáu nhớ Bắc: “Ai về xứ Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”. Và như “ông già Nam bộ” Sơn Nam, dù “phong sương mấy độ qua đường phố” giữa Sài Gòn đô hội, nhưng hồn vẫn luôn là “hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.

Trong cuộc đời, chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu cái Tết, và chắc hẳn rằng cũng đã từng có những cái Tết vì lý do nào đó, ở một nơi chốn lạ, không có người thân. Chắc lúc đó trong lòng sẽ buồn, sẽ có nỗi nhớ khôn ngôi. Lạ cho trái tim người, thì cũng là ngày, là đêm. Và Tết cũng chỉ là sự dịch chuyển của thời tiết, là giáp một vòng quay của đất trời. Mà sao những ngày đó ta lại cần vùi trong chăn ấm của ngôi nhà, dẫu chỉ là mái tranh nghèo. Là tại sao lúc đó ta cần mở cánh cửa vào sân nhà, dẫu cánh cửa chỉ là những thân tre non cột lại, và sân nhà chỉ có những cây điệp vàng đang trổ hoa.

Tết, mở toang tất cả cánh cửa kỷ niệm, bỗng dưng nhìn thấy những dấu chân hằn trên bờ sông thời thơ ấu mà ta từng để lại. Bỗng dưng nhớ những lần theo bà nội đi lễ chùa, cũng tập tành chắp tay khấn vái, mà trong miệng thật ra chỉ lắp bắp những âm thanh.

Có lẽ không đất nước nào như đất nước mình, sợi dây tơ gia đình rất thiêng liêng, Tết là phải trở về, dẫu căn nhà chỉ là một mái lá đơn sơ ở một làng quê hiu quạnh. Cuộc sống bận rộn cuốn chúng ta đi. Lắm lúc tưởng con người chai sạn. Nhưng Tết đã cho mỗi người trở về với bản thể, với cội nguồn, để lắng lại với những nhớ thương.

Huy Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tro-ve-voi-yeu-thuong-post117482.html