Trò xấu ở Biển Đông giữa đại dịch Covid-19

Trong khi các quốc gia khu vực đang phải dồn mọi sức lực để chống chọi với đại dịch Covid-19 - vốn xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc và lây lan ra khắp thế giới - thì nước này sau khi tạm khống chế được dịch đã có những hành vi nguy hiểm, gây căng thẳng, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền các quốc gia liên quan.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy máy bay trinh sát quân sự KQ-200 triển khai tới sân bay trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy máy bay trinh sát quân sự KQ-200 triển khai tới sân bay trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Gia tăng gây hấn

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 22-4 cho biết, nước này đã gửi 2 công hàm phản đối Trung Quốc liên quan tới các động thái gây căng thẳng mà Bắc Kinh gây ra gần đây ở Biển Đông. Trong đó, công hàm đầu tiên phản đối việc tàu chiến Trung Quốc đã “hướng radar” vào tàu tuần tra BRP Conrado Yap của Hải quân Philippines khi tàu này đang ở vùng biển Philippines. Công hàm thứ hai phản đối việc Trung Quốc tuyên bố “các phần lãnh thổ Philippines thuộc về tỉnh Hải Nam”.

Ngoại trưởng Teodoro nêu rõ, cả 2 hành động trên đây của Trung Quốc “đều vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền Philippines”. Trước khi Bộ Ngoại giao Philippines trao các công hàm phản đối, cựu Ngoại trưởng Albert Del Rosario của nước này cũng đã thúc giục Malina phản đối các động thái của Trung Quốc. Ông cho rằng hành động của Bắc Kinh gần đây cho thấy họ “đã không ngừng lạm dụng đại dịch Covid-19 khi tiếp tục theo đuổi các yêu sách và mở rộng bất hợp pháp của mình ở Biển Đông”.

Các động thái hung hăng, gây hấn của Trung Quốc đối với Philippines diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang có hàng loạt những hành vi nguy hiểm tương tự ở Biển Đông, nhất là từ đầu tháng 4-2020 tới nay. Một trong những hành vi nguy hiểm là việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại khu vực đảo Phú Lâm, vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trong tháng 3, Trung Quốc cũng đã triển khai 2 trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy, Trung Quốc triển khai trái phép ít nhất 1 máy bay trinh sát quân sự KQ-200 tại đá Chữ Thập. Mới đây, ngày 18-4, Trung Quốc thông báo thành lập những cái gọi là quận Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và quận Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại thành phố Tam Sa.

Chỉ 1 ngày sau, Trung Quốc lại tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi công bố cái gọi là danh xưng tiêu chuẩn của 25 đảo, rạn san hô, cùng 55 thực thể ở Biển Đông mà phần lớn những đảo, rạn san hô và thực thể này nằm trong 2 quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

Hiện, Biển Đông cũng đang dậy sóng với hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng khoảng 10 tàu hộ tống ở phía Nam vùng biển này. Nhóm tàu Hải Dương 8 sau khi di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có lúc cách bờ biển Việt Nam 158 km, đã tiến sâu phía Nam Biển Đông, sát vùng biển của Malaysia.

Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 6 hoạt động sâu về phía Nam Biển Đông được cho nhằm lợi dụng dịch bệnh để gia tăng hiện thực hóa tham vọng độc chiếm vùng biển chiến lược

Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 6 hoạt động sâu về phía Nam Biển Đông được cho nhằm lợi dụng dịch bệnh để gia tăng hiện thực hóa tham vọng độc chiếm vùng biển chiến lược

Lợi dụng đại dịch, mưu đồ độc chiếm Biển Đông

Có thể thấy những hoạt động gây căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông đang ngày càng gia tăng khi mà quốc gia khởi phát dịch Covid-19 này dần khống chế được dịch bệnh. Trong khi đó, nhiều quốc gia khu vực đang phải dồn sức chống chọi với đại dịch (vốn xuất phát từ Trung Quốc lây lan ra), nay lại phải huy động lực lượng nhằm ứng phó với các hành vi gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Thống kê mới nhất vào cuối ngày 23-4 cho thấy, Philippines là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á với khoảng 7.000 trường hợp và 462 người tử vong. Malaysia cũng đã có hơn 5.600 người mắc và 95 người tử vong vì đại dịch. Đang phải căng sức, gồng mình để chiến đấu với đại dịch Covid-19 nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe người dân cũng như giảm thiểu sự tàn phá ghê gớm của nó với nền kinh tế, nay các quốc gia khu vực quanh Biển Đông lại phải huy động lực lượng để đối phó với tham vọng của Trung Quốc.

Đáng chú ý, trong số các tàu chiến Trung Quốc hoạt động ở ngoài khơi Malaysia có tàu khu trục mang tên Vũ Hán, con tàu đặt tên theo thành phố đầu tiên của Trung Quốc bùng phát đại dịch Covid-19 từ cuối tháng 12-2019, đầu tháng 1-2020.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù chính Trung Quốc đã phải vất vả đối phó Covid-19 kể từ khi dịch bùng lên ở Vũ Hán cuối năm ngoái, song Bắc Kinh không giảm hoạt động ở Biển Đông mà còn tăng cường các hành động quyết liệt. Sau khi tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam đầu tháng 4 này, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc “tập trung hỗ trợ các nỗ lực quốc tế chống lại đại dịch toàn cầu, ngừng lợi dụng lúc các nước khác bớt chú ý hoặc dễ bị tổn thương để mở rộng các yêu sách phi pháp ở Biển Đông”.

Trong công hàm phản đối Trung Quốc ngày 22-4, Bộ Ngoại giao Philippines đã nhắc lại thực tế rằng ASEAN, trong đó có cả Philippines, đã sát cánh cùng Trung Quốc khi nước này đang gồng mình chống đại dịch Covid-19, đồng thời nhấn mạnh “cả thế giới đã chứng kiến điều đó”. Lợi dụng dịch bệnh đang hoành hành ở khu vực để “tạo ra các sự cố trên biển sẽ không bao giờ làm phát sinh quyền hợp pháp ở bất cứ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào”.

Bộ trưởng Ngoại giao Australia ngày 23-4 khi lên án những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, đã nhấn mạnh điều quan trọng là mọi quốc gia tránh những hoạt động gây bất ổn, giảm bớt căng thẳng để cộng đồng quốc tế có thể tập trung vào cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Ông Michael Shoebridge, chuyên gia tại Viện chính sách chiến lược Australia nhận định, việc Trung Quốc xem dịch Covid-19 là cơ hội để gia tăng hành động nhằm phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông cho thấy tính hung hăng và bành trướng của nước này. Rõ ràng, cộng đồng quốc tế, trước hết là các quốc gia khu vực quanh Biển Đông, đang ngày càng lo lắng với các hành vi được xem là những đòn hiểm và xấu xa ở vùng biển này khi dịch Covid-19 đang hoành hành khắp nơi.

Hoàng Hà

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/tro-xau-o-bien-dong-giua-dai-dich-covid19/851651.antd