Chiều 26/1, bất chấp nhiệt độ dưới 10 độ C, Hoàng thành Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) thu hút các bạn trẻ đến tham quan, vui chơi với nhiều hoạt động trải nghiệm như chụp ảnh, ăn uống… trong khuôn khổ lễ hội Happy Tết 2024.
Không gian Tết mô phỏng theo văn hóa các vùng miền Việt Nam là điểm tham quan được quan tâm nhất. Thùy Linh (ảnh đầu), người đã "vượt" mưa gió từ Bắc Ninh, cho biết cô cùng nhóm bạn nhất định phải sắp xếp lịch ghé qua Hoàng thành Thăng Long sau khi thấy được những hình ảnh về không gian này trên mạng xã hội. “Nhiều cảnh đẹp hội tụ tại một điểm, khiến mình cảm thấy rất hài lòng và sẵn sàng bỏ công sức để trải nghiệm”, Linh nói với Tri thức - Znews.
Dù đang bị thương ở mắt, Nguyễn Linh (quận Hà Đông) và bạn đi cùng tranh thủ đi chụp ảnh trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. “Không gian rộng rãi và đa dạng góc chụp. Mình đặc biệt thích tiểu cảnh con tàu tại sân ga Hà Nội nên đã cố ý mặc chiếc áo màu xanh cùng tông để lên hình được đẹp hơn”, Linh chia sẻ.
Với Thu Hoài và Đặng Linh (quận Thanh Xuân), tiểu cảnh gây ấn tượng nhất lại là cầu Long Biên. “Mặc dù bản mô phỏng không giống về màu sắc, kiến trúc so với cầu thật, bọn mình vẫn có thể chụp được nhiều bức hình khá nghệ thuật từ cây cầu này”, đôi bạn chia sẻ.
Trong tiết trời Hà Nội rét buốt, khi tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, hầu hết du khách lựa chọn mặc những trang phục dày dặn, ấm áp. “Mình thấy thời tiết hôm nay không phù hợp để đi chơi. Nhưng vì trót hứa chụp cho bạn thân bộ ảnh áo dài trước Tết, mình cố gắng lên phố”, Thu Hường (quận Nam Từ Liêm) cho biết.
Một số người trẻ trải nghiệm hoạt động đốt lửa sưởi ấm ở ngoài trời. Bên cạnh áo dài, khách tham quan lễ hội lựa chọn những bộ trang phục phao, lông phối cùng nhiều phụ kiện như mũ nồi, boots nhằm đối phó với thời tiết rét hại ở Hà Nội.
Bên cạnh không gian Tết đậm sắc vùng miền và các tiểu cảnh hấp dẫn, khu ẩm thực tại đây cũng đông đúc du khách đến trải nghiệm. “Là một người đam mê ẩm thực, mình đến đây để ăn uống là chính. Giá bán hầu hết món ăn tại lễ hội đắt hơn so với ở ngoài. Nhưng vì menu đa dạng món ăn ba miền, không khí đông vui và nhộn nhịp, bọn mình vẫn cảm thấy xứng đáng”, Mai Hà (quận Cầu Giấy) cho hay.
Dịch vụ viết thư pháp cũng thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Giá được tính theo kích thước và chất lượng của giấy, ở mức dao động 50.000-200.000 đồng/tờ. “Tuy viết ở đây không được đắt khách như viết tại hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tôi vẫn mong có thể truyền bá được một phần văn hóa, phong tục của người Việt đến với du khách, đặc biệt là người trẻ", ông Dương Đức Hạnh (sinh năm 1955) chia sẻ.
Thụy Trang