'Trôi' cùng Nguyễn Ngọc Tư

'Trôi' là tên tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Tác phẩm của chị từ truyện ngắn qua tản văn đến tiểu thuyết dường như đều tiếp nối nhau theo một dòng chảy cứ mải miết trôi đi, lúc băng băng dữ dội, lúc lững lờ, điềm nhiên, nhưng tất cả đều chối từ sự bất động, như nước của dòng sông kia có bao giờ để mình dừng chảy.

Nguyễn Ngọc Tư là tên tuổi quen thuộc với độc giả cả nước. Nhắc đến chị, người đọc có thể liên tưởng ngay đến vài từ khóa: châu thổ miền Tây sông nước, thân phận con người, nỗi buồn man mác… những từ khóa lâu dần cố định Nguyễn Ngọc Tư vào một chiều kích không gian, một lãnh thổ văn chương đã phân ranh hay có thể nói là một giới hạn, nơi người đọc vô tình giữ nhà văn và chính nhân vật của nhà văn hãy ở yên đó, không được thoát ra. Nhưng tại sao phải vậy?

Có lẽ ta có thể xem Trôi (NXB Trẻ ấn hành tháng 11.2023) như lời nhắn của chính tác giả, vạn vật vẫn không ngừng chuyển động, cả một xác tín, một niềm tin, cả một thứ không gian tưởng chừng bất di bất dịch, chính tự thân trong nó cũng không ngừng chuyển động. Mặt đất mỗi năm mỗi lún thêm dù mắt ta không nhận ra, những bồi lở đôi bờ, những ngôi nhà kiên cố một đêm bị con nước liếm sạch… và con người nữa, con người cũng nổi trôi theo dòng đời, theo biến thiên, lúc ồ ạt, khi chậm rãi như con nước đêm trăng.

“Một chiếu nhậu trải ngoài sân bị đất hả họng ra nuốt mất, để lại bảy người đàn ông trôi làm ba nhóm, chưa kịp uống ly rượu trên tay. Những rẻo đất rã ra, nổi nênh, hồi đó người ta trôi với nỗi kinh khiếp, vì chưa từng trải qua chuyện gì giống vậy. Mợ mình chết ngất lúc rẻo đất mang bà rời đi, dù may mắn trôi với nguyên một chái bếp, cơm đầy nhóc trong nồi, cái rổ chứa năm bảy loại cá khô treo ngay bên vách. Ba mình trôi với chùm bóng bay…” (truyện ngắn Trôi).

Ngay trích dẫn này trên tay gấp bìa một của cuốn Trôi, đã phát đi một “thông điệp, tín hiệu, thư mời” gọi người đọc làm cuộc đăng trình trôi nổi cùng trang sách, cùng nhân vật, cùng một thứ cảm thức trôi dạt bàng bạc, mơ hồ: “Chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời, sớm hay muộn thì cũng có kẻ nhận lời”.

Đa phần nội dung các truyện trong tập sách này cũng mang theo thứ cảm thức ấy. Tựa hồ giọt mưa rơi xuống mặt sông, loang sóng, giờ đây giọt mưa cũng là dòng sông, dòng sông trôi đi, trôi đi mãi mãi. Truyện trong tập này thường bắt đầu bằng một tứ, một hình ảnh nhỏ, dần dần mở rộng, cơ hồ không có cái kết, những cái kết lững lờ, bởi dường như nhà văn đã làm xong phần việc của mình, tôi chỉ chèo chống đưa bạn đọc đến khúc rạch này, tới ngã ba sông nọ, rồi thôi, câu chuyện vẫn còn đó, vì đời sống này căng tràn quá, và vì nó không ngừng chuyển di, vượt thoát ra khỏi phạm vi vật chất của trang sách và nhiều khả năng ra khỏi những dự kiến của chính tác giả để tiếp tục trở thành một sinh thể độc lập trong suy tưởng của người đọc.

Cho nên cái sự dịch chuyển ấy là vô định, là trôi Về phía không đâu (tên một truyện trong tập này), không đâu nhưng đồng thời mang dự phóng trở thành tất cả. Trong truyện ngắn này, Nguyễn Ngọc Tư có nhắc đến Bieguni, “một giáo phái những kẻ không ngừng di chuyển, kể cả phải đứng một chỗ họ cũng phải lắc lư người”. Bieguni là giáo phái hư cấu trong tiểu thuyết Bieguni, những người không ngừng chuyển động của nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk, chủ nhân giải Nobel Văn chương năm 2017. Một tiểu thuyết có cấu trúc phân mảnh.

Ta có thể thấy sự phân mảnh ấy trong Trôi. Độc giả có cảm giác đang đứng trên một lục địa trôi dạt, một nắm đất tan rã, con người bị xé ra khỏi cộng đồng, còn cá nhân bị xé ra thành linh hồn và thể phách, cả ký ức cũng bị xé ra, câu chuyện cũng bị xé ra thành những mảnh hư thực, giữa suy nghĩ rối bời với ngoại giới quay cuồng.

Và việc của người đọc là thâu thập các mảnh tứ tán ấy ráp lại thành một thứ hiện thực dường như chỉ tồn tại trong tâm trí, một tâm trí không ngừng xáo động, đôi khi bởi một Cái đói xa xôi (cũng là tên một truyện trong tập này), nhưng đói gì: đói chân trời, đói khát sự xê dịch?

Bởi dừng lại đồng nghĩa với sự hư hoại, là hiện hữu nhưng không tồn tại hay nói đúng hơn sự tồn tại đó tê liệt, mất ý nghĩa. “Mình đang ngồi ngay tháng Sáu. Hoặc đã tháng Mười Một. Mà ngày tháng với mình quan trọng gì, ngày nào mà chẳng in hệt nhau…” (truyện Đợi). Nguyễn Ngọc Tư diễn tả cái bất động của mạch sống, một trạng thái bất động đáng thương và đáng sợ. Những kiếp sống ngồi yên chờ đợi trong thứ thời gian không trôi. Nhưng chờ đợi điều gì mới được? “Mình đang chờ ở giữa tháng Sáu. Hoặc giờ tháng Chín rồi, không chừng”. Truyện bắt đầu như thế, không cắt nghĩa gì thêm, và kết thúc bằng một dáng hình trông xa xăm ra cửa. Trạng thái chờ đợi từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc, hay có lẽ mọi thứ chỉ đang mắc kẹt, quẩn quanh?

Truyện ngắn Giữa vật chất này cũng diễn tả một sự mắc kẹt ở dạng khác. Hai vợ chồng già chung nhau chăm sóc ngôi nhà phủ thờ cổ. Mọi sinh hoạt đời thường đều xoay quanh ngôi nhà ấy, họ hy sinh cho nó. Họ trở thành tù nhân của ngôi nhà như hai vị thần giữ của bị nguyền rủa gắn chặt số mệnh với châu báu phải canh giữ. Rồi một ngày những chiếc vé bí ẩn được gởi đến, một lời mời gọi thoát ra, lên đường, một cú thúc vào lưng đánh thức “cái đói xa xôi”, cái đói khát của một quá khứ vùi sâu chôn chặt.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (thứ hai từ trái) tại sự kiện công chiếu Tro tàn rực rỡ - bộ phim được chọn đại diện Việt Nam tranh giải Oscar 2024, với kịch bản chuyển thể từ hai truyện ngắn Tro tàn rực rỡ Củi mục trôi về của Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: CTV

Những tên truyện của tập sách này khêu lên sự tò mò: Mơ người, Giữa đây và kia, Khởi đầu của gió, Đói xa xôi, Đong đưa trong kén, Trôi, Lửa nguội giữa trời, Giữa vật chất này, Nợ, Đợi, Bên cửa, Mưa diệp lục, Về phía không đâu. Mười ba truyện dàn trải trong một tập sách chừng 150 trang, kết lại với nhau trong cùng nỗi ám ảnh dày vò tâm trí các nhân vật và trong cuộc nổi trôi qua từng truyện, tưởng chừng nhân vật, số phận của truyện này cũng trôi sượt qua, bồng bềnh, ẩn khuất đâu đó trong truyện khác.

Cái gì xui khiến họ muôn đời luân lạc như thế, một nguyên tội khó lý giải. Như thứ tội lỗi mà nhân vật trong truyện Mơ người phạm phải. Cái nhân vật kỳ lạ ấy trèo rào, đánh thuốc mê chó, đột nhập vào nhà hàng xóm không trộm bất cứ thứ gì mà chỉ nhìn họ ngủ rồi thôi. Nhìn người khác ngủ phải chăng là một cái tội? Cuối cùng anh ngồi tù, trả giá cho tội của mình, trả món nợ mà người đọc không truy được như món nợ truyền kiếp trong truyện Nợ buộc một gia đình từ đời này sang đời khác, mỗi năm làm cuộc hành trình đi đòi món nợ mà cả người vay và người trả không biết đã nợ nần chi. Một hành động phi lý lặp đi lặp lại, một món nợ bị nguyền rủa, khép lại bằng lời của chủ nợ: “Không, nợ này mấy người không có quyền trả, bà sơ tui đã dặn vậy rồi”.

Và cứ thế cái vòng luẩn quẩn không bao giờ khép lại và con người mãi mãi phải lang thang tìm kiếm, mãi “đói”, mãi “đong đưa”, mãi “mơ”, mãi “đợi”, và mãi “trôi”, để đến một ngạch cửa, đợi chờ phán xét chung quyết cho thứ tội lỗi không biết là tội gì như trong truyện Bên cửa: “Tôi phải về. Cho kịp phiên tòa cuối”.

Bài và ảnh: Huỳnh Trọng Khang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/troi-cung-nguyen-ngoc-tu-41961.html