Trời lạnh, coi chừng viêm họng phát tác
Nắm rõ nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây viêm họng và cách phòng ngừa là chìa khóa để tránh bệnh viêm họng không phát tác, nhất là vào các đợt không khí lạnh tràn về.
Họng là khoang đằng sau mũi và miệng dẫn đến dạ dày và phổi, là một vị trí dễ dàng cho nhiễm trùng và kích thích gây viêm họng. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh viêm họng.
Nhiễm virus: Chiếm hơn một nửa số trường hợp viêm họng và cảm lạnh thông thường. Có hơn 200 loại virus gây viêm đường hô hấp, bao gồm adenovirus, rhinovirus và coronavirus. Viêm họng do nhiễm virus thường kèm theo nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu và sốt. Viêm amiđan cũng có thể xuất hiện trong bối cảnh viêm hô hấp chung.
Nhiễm khuẩn: Một số vi khuẩn có thể gây viêm họng, phổ biến nhất là Streptococcus pyogenes, hay còn gọi là liên cầu khuẩn. Thống kê cho thấy viêm họng do liên cầu khuẩn chiếm 10% nguyên nhân viêm họng ở người lớn và trẻ nhỏ, nhưng chiếm đến 1/3 nguyên nhân viêm họng ở trẻ em tuổi đi học. Các triệu chứng viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn có thể bao gồm sốt, buồn nôn, nôn, hơi thở hôi và tình trạng viêm có thể nhìn thấy khi khám họng. Tiếp theo, gây viêm họng nhưng ít phổ biến hơn là các vi khuẩn neisseria gonorrhoeae, bordetella.
Nhiễm nấm: Phổ biến là Candida albicans - một loại nấm gây ra cả nấm miệng và nhiễm nấm vùng họng. Nhiễm nấm hô hấp có xu hướng xảy ra ở những người có hệ miễn dịch bị suy giảm như những người nhiễm HIV giai đoạn tiến triển nặng. Những người khác có nguy cơ bao gồm người sử dụng steroid dạng hít kéo dài, đeo răng giả hoặc bị tiểu đường không kiểm soát được. Nhiễm nấm Candida miệng thường không có triệu chứng, nhưng trong một số trường hợp có thể dẫn tới đau miệng, lưỡi và cổ họng. Khi nấm xâm lấn xuống thực quản là nghiêm trọng và phải điều trị ngay bằng thuốc kháng nấm.
Viêm họng do dị ứng: Viêm họng do dị ứng chủ yếu do chất gây dị ứng xâm nhập mũi họng hoặc miệng. Người bị viêm mũi dị ứng theo mùa, do thở qua miệng dễ bị viêm họng do dị ứng. Các tổ chức mô hô hấp trên bị khô, gây cảm giác khó chịu và kích thích mũi họng. Người bệnh cũng có thể khạc ra đờm do dịch nhầy chảy ra từ đường mũi xuống phía sau thành họng. Tình trạng này có thể dẫn đến viêm họng và viêm amiđan. Trong một số trường hợp, dị ứng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến họng như trong sốc phản vệ - một phản ứng đe dọa đến tính mạng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng, các triệu chứng có thể bao gồm viêm họng, phát ban, sốt và khó thở hoặc khó nuốt. Trong trường hợp nặng hơn, có thể dẫn đến co thắt cổ họng, buồn nôn, nôn, suy hô hấp, sốc và thậm chí tử vong.
Do trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Trào ngược dạ dày thực quản khi dịch dạ dày hoặc dịch mật di chuyển ngược về phía cổ họng. Cả hai chất dịch tiêu hóa này đều kích thích niêm mạc của thực quản và họng. Trào ngược có thể gây ra viêm họng, đặc biệt là khi người bệnh thức dậy vào buổi sáng hoặc sau khi đã nằm xuống một lúc. Trào ngược xảy ra vì nhiều lý do bao gồm do yếu cơ vòng thực quản dưới (LES) hoặc thoát vị hoành. Trào ngược cũng có thể là kết quả trực tiếp do chế độ ăn uống gây ra.
Các nguyên nhân khác có thể gây viêm họng: Thở miệng, đặc biệt khi ngủ; Tổn thương cổ họng trực tiếp do nuốt phải các hóa chất hoặc chất lỏng nóng cũng như chấn thương vùng cổ họng; Phẫu thuật cổ họng hoặc đặt nội khí quản trong quá trình phẫu thuật gây chấn thương và viêm họng; Căng cơ vùng cổ họng do nói to và hát trong thời gian dài; Tổn thương dây thanh âm; Viêm nắp thanh quản; Ung thư cổ họng; Do dùng thuốc chống loạn thần và các loại thuốc khác như pramipexole dùng để điều trị bệnh Parkinson.
Các yếu tố nguy cơ
Chất kích thích và độc tố: Tiếp xúc với một số chất có thể gây viêm họng và các cơ quan liên quan. Một số chất kích thích như không khí ô nhiễm, khói thuốc lá và khói công nghiệp. Một số độc tố có liên quan đến thực phẩm như rượu, thức ăn cay hoặc thuốc lá nhai. Ngay cả không khí khô lạnh có thể được coi là một chất kích thích vì thiếu độ ẩm có thể khiến cổ họng dễ bị khô và ngứa. Không khí nóng và sử dụng điều hòa không khí quá mức cũng có thể gây kích thích cổ họng.
Vệ sinh tay: Việc rửa tay không không được coi trọng hoặc làm đúng cách có thể khiến bạn dễ mắc các bệnh liên quan đến vi khuẩn.
Do tiếp xúc nơi đông người: Viêm họng và cảm cúm dễ lây lan ở những nơi tập trung đông người, đặc biệt là trong các khu đông dân cư, các trường học.
Cách phòng ngừa viêm họng
Thay đổi lối sống: Để phòng ngừa viêm họng, bạn có thể thực hiện một số thay đổi lối sống, cụ thể như sau: Uống nhiều nước và chất lỏng để giữ độ ẩm tránh khô cổ họng; Không ăn thức ăn khi quá nóng, để nguội đi một chút, nên ăn thức ăn mềm lỏng khi bị đau họng; Lắp máy làm ẩm trong phòng nếu không khí quá khô; Tránh uống rượu và hút thuốc do uống rượu và hút thuốc lá có thể kích thích trào ngược dạ dày; Gối cao đầu khi ngủ đêm bởi khi bạn nằm, các dịch dạ dày dễ trào ngược lên thực quản và gây viêm họng. Các cuộc hội họp, tiếp xúc đông người có thể không tránh được hoàn toàn, nhưng nếu thực hành đúng việc rửa tay và vệ sinh răng miệng có thể giúp bạn tránh mắc bệnh, đặc biệt là trong mùa cao điểm.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/troi-lanh-coi-chung-viem-hong-phat-tac-n168611.html