Trời lạnh sâu, trẻ đi học trong tình trạng kín mít nhưng chuyên gia lại chỉ ra những sai lầm dễ làm trẻ mắc bệnh 'oan'

Sáng 8/1, trẻ mầm non, học sinh tiểu học được cha mẹ đưa đi học trong tình trạng bao bọc kín để tránh rét. Chuyên gia y tế đã đưa ra lời khuyên chú ý khi đưa con đi học trong điều kiện trời rét.

Trường học tích cực chống rét cho học sinh

Sáng 8/1, theo bản tin thời tiết của Đài truyền hình Việt Nam đưa tin Hà Nội rét đậm, rét hại, nhiệt độ là 11 độ C. Như vậy, theo quy định thì chỉ còn cách khoảng hơn 1 độ (dưới 10 độ C) nữa là học sinh mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố sẽ được nghỉ học. Tuy nhiên, theo ghi nhận, tại một số trường học đã có học sinh nghỉ do bố mẹ lo lắng cho sức khỏe của con mà để con ở nhà.

Cô T.A. Thu, phụ trách cơ sở mầm non tại Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, so với ngày hôm qua, sáng 8/1 nhiều trẻ được bố mẹ đưa đi học trong tình trạng mũ áo, khẩu trang và quần áo dầy để chống rét. Cũng có trường hợp trẻ được bố mẹ cho nghỉ ở nhà vì lo trời rét, hoặc con chưa được khỏe, nhưng trẻ nghỉ đều có người nhà trông nom.

Cũng theo cô Thu: "Để phòng chống rét cho học sinh, nhà trường cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh chú ý giữ gìn sức khỏe cho con, nhất là thời điểm đưa đón. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tích cực các biện pháp phòng chống rét như sử dụng điều hòa chế độ ấm, trải thảm xốp trong các lớp học và khu vực trẻ hay sử dụng. Các đồ ăn cũng được hâm nóng, nước nóng luôn có để sử dụng…".

Trời lạnh, nhiều trẻ mầm non được người nhà đưa đi học trong tình trạng bao bọc kín để tránh rét.

Trời lạnh, nhiều trẻ mầm non được người nhà đưa đi học trong tình trạng bao bọc kín để tránh rét.

Theo ghi nhận ở các trường tiểu học, không có tình trạng học sinh nghỉ học. Dù trời rét, nhưng học sinh đi học cũng đầy đủ như các ngày khác. Sáng 8/1, các trường cũng linh hoạt giờ vào lớp muộn hơn so với ngày thường. Đội sao đỏ không làm nhiệm vụ ghi tên học sinh đi học muộn mà nhắc nhở các bạn giữ trật tự trong lớp khi đến trường. Đại diện trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, những ngày rét sẽ hạn chế các hoạt động ngoài trời đối với học sinh, các món ăn đều được ấm nóng để đảm bảo sức khỏe cho học sinh…

Chia sẻ về công tác phòng chống rét trong các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo các trường có tổ chức bán trú, cần đặc biệt quan tâm: Đảm bảo đủ thức ăn và thực phẩm sạch, chế độ ăn hợp lý, cơm, thức ăn, nước uống nóng sốt. Chỗ nghỉ trưa ấm áp, chuẩn bị đủ cơ số thuốc theo quy định phục vụ công tác y tế học đường. Không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại. Phối hợp cha mẹ học sinh quan tâm, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm; không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày giá rét.

Lớp học được giữ ấm và trải miếng đệm để giữ ấm cho trẻ.

Lớp học được giữ ấm và trải miếng đệm để giữ ấm cho trẻ.

Đảm bảo giữ ấm khi đưa đón trẻ

Bên cạnh việc các nhà trường nâng cao các biện pháp phòng chống rét cho học sinh, trẻ mầm non, đối với các bậc phụ huynh cũng cần nâng cao các kiến thức để chống đột quỵ, ốm sốt cho trẻ nhỏ đến trường khi thời tiết 9 - 10 độ C, bởi miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng đang bước vào đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong những ngày tới.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho rằng, khi nhiệt độ giảm sâu, trẻ rất dễ bị ốm, nhiễm lạnh, mắc bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa, nhất là với những trẻ phải đến trường trong ngày lạnh. Do đó, điều quan trọng nhất với trẻ đi học trong buổi sáng rét mướt là phải giữ ấm toàn thân cho trẻ. Nhiều trẻ lại nhiễm lạnh, mắc bệnh vì sai lầm của cha mẹ như: Trẻ mặc ấm nhưng không đeo khẩu trang, mũ giữ ấm đầu. Khi mặc quá kín, ủ quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi rồi ngấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi...

Bác sỹ đưa ra lời khuyên phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ đúng cách chứ không nên giữ quá ấm dẫn đến cảm lạnh. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Bác sỹ đưa ra lời khuyên phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ đúng cách chứ không nên giữ quá ấm dẫn đến cảm lạnh. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Cũng theo PSG.TS Nguyễn Tiến Dũng, việc giữ ấm cho trẻ là cần thiết khi trời lạnh nhưng không có nghĩa ủ ấm quá mức. Trong những ngày thời tiết lạnh giá, các bậc cha mẹ chú ý mặc cho trẻ đủ ấm để cho trẻ vận động thoải mái và giúp bé duy trì thân nhiệt. Hãy chú ý giữ ấm những bộ phận dễ bị lạnh như cổ, tai, mũi, tay, chân, lưng… Nếu đi xe máy cần mặc ấm hơn bình thường. Quần áo mặc từ mỏng đến dày và nên dài qua mông để không bị lạnh bụng. Nên để bé ngồi sau xe đeo đai an toàn và tránh được rét.

Thời tiết lạnh còn có thể kèm theo mưa rét buốt, thậm chí mưa rào nặng hạt, nên PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đưa ra lời khuyên cha mẹ cố gắng đảm bảo trẻ không bị ướt, quần áo không bị ngấm nước mưa khi đưa trẻ đến trường. Ngoài quần áo mưa, cha mẹ có thể chuẩn bị túi nilon để chùm tay và chân cho trẻ. Đi ra ngoài cần mặc áo khoác chất liệu chắn gió, đeo khẩu trang.

Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong những ngày rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các trường có thể điều chỉnh thời gian học, sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm (theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT và các Phòng GD&ĐT). Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, cần giải quyết để học sinh không phải nghỉ học.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/troi-lanh-sau-tre-di-hoc-trong-tinh-trang-kin-mit-nhung-chuyen-gia-lai-chi-ra-nhung-sai-lam-de-lam-tre-mac-benh-oan-2021010815252659.htm