Trôi nổi xóm chài mom Thủy Đội

Xóm chài mom Thủy Đội gồm 46 hộ dân (gần 200 nhân khẩu), nằm trên đoạn sông Tam Bạc giáp sông Cấm, thuộc phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Họ là những người dân tứ xứ từ các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình… làm nghề chài lưới, nhặt ve chai rủ nhau về sinh sống tại khúc sông này.

Muốn vào xóm chài phải trèo qua một hàng rào sắt, đi trên những cây cầu gỗ tạm bợ. Tại đây, nơi che nắng che mưa cho các gia đình là những chiếc thuyền xi măng.

Tiếp chúng tôi trong chiếc thuyền xi măng chật hẹp, bà Lê Thị Lụa (63 tuổi, quê tỉnh Hải Dương) cho biết vợ chồng bà đã sống ở đây được 40 năm. Sức yếu nên bà ở nhà trông cháu cho con đi làm. Cũng tại khúc sông này, đứa cháu của bà Lụa không may rơi xuống chết đuối, con rể lớn của bà đang ngủ trong thuyền thì bất ngờ thuyền sập, nửa tháng sau cũng qua đời vì vết thương quá nặng.

Là người đặc biệt nhất xóm chài, cụ Nguyễn Thị Ái (74 tuổi) sống gần trọn đời ở đây mà không hề có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Cụ Ái bị tật ở bàn chân nên đi lại rất khó khăn. Cuộc sống của cụ Ái gần như trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà chùa và những người hảo tâm.

Khó khăn, hiểm nguy là vậy nhưng người dân nơi đây không có hướng gì để thay đổi cuộc sống. Nhiều gia đình hết đời bố mẹ rồi đến con cháu cũng sống ở đây. Ông Lê Văn Giang (quê ở tỉnh Hải Dương) ngậm ngùi: "Đám trẻ ở đây hầu hết chỉ học hết lớp 5 ở các lớp học tình thương rồi nghỉ ở nhà đi lượm ve chai, sắt vụn, chài lưới vì kinh tế không đủ nuôi học tiếp".

Những đứa trẻ xóm chài mom Thủy Đội

Những đứa trẻ xóm chài mom Thủy Đội

Một lãnh đạo quận Hồng Bàng cho biết dù không chính thức thừa nhận nhưng từ lâu, chính quyền địa phương đã coi xóm chài mom Thủy Đội là một khu dân cư cần được quan tâm với nhiều hỗ trợ. Những ngày mưa bão, người dân dưới thuyền đều được đưa lên bờ tránh trú. Điện và nước cũng được kéo xuống thuyền cho người dân sinh hoạt từ nhiều năm nay.

Cũng theo vị này, chậm nhất là ngày 31-7, xóm nhà thuyền ở mom Thủy Đội sẽ phải di dời để thực hiện dự án chỉnh trang sông Tam Bạc giai đoạn 2. Chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân quê quán ở đâu thì quay về đó tiếp tục sinh sống hoặc được tạo điều kiện cho thuê nhà với giá rẻ.

Ông Lê Văn Huệ (46 tuổi) bộc bạch: "Hầu hết người dân xóm chài đều không có quê quán hoặc có quê nhưng không còn đất đai, nhà cửa. Từ bé, chúng tôi đã lênh đênh sinh sống ở đây rồi. Đây chính là quê hương của chúng tôi. Nếu di dời xóm chài, chúng tôi cũng chưa biết đi đâu, về đâu".

Ông Đoàn Hồng Thắng, Chủ tịch UBND phường Minh Khai, cho biết phường đã đề xuất TP xem xét đối với những hộ dân xóm chài hiện không có nhà ở được thuê nhà. Theo hướng dẫn của phường, một số hộ đã về quê xin được giấy chứng nhận không có nhà đất và nộp cho chính quyền phường, chờ giải quyết. "Đối với những hộ đến từ địa phương khác có đất, có nhà, chúng tôi vận động họ về lại quê hương. Thực tế, các hộ xa quê đều có đăng ký hộ khẩu tại quê trước khi đi. Chính quyền phường có làm việc với các địa phương đó để phối hợp hỗ trợ người dân" - ông Thắng nói.

Bài và ảnh: Trọng Đức

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/troi-noi-xom-chai-mom-thuy-doi-20200719214151696.htm