Trộm cướp tăng, diễn biến phức tạp
Tại TPHCM, tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản (trộm, cướp và cướp giật) đang diễn biến rất phức tạp; có quận, loại phạm pháp hình sự này chiếm hơn 80% cơ cấu tội phạm. Đặc biệt, có nhiều vụ đối tượng gây án còn manh động, liều lĩnh, tấn công nạn nhân, những người phát giác hay ngăn cản đến chết.
Trong khi đó, các giải pháp ngăn chặn lại chưa đem lại hiệu quả cao, phần lớn chỉ mang tính “cắt ngọn” (tuần tra, bắt giữ, xử lý đối tượng), thiếu các giải pháp trọng tâm, bền vững.
Ngày càng manh động, nguy hiểm
Đã nhiều ngày trôi qua nhưng đến nay dư luận khắp nơi vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến vụ băng trộm xe gắn máy tấn công 5 người trong nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình thương vong vào tối 13-5. Trước đó không lâu, chị Đ.T.T.H. (21 tuổi, ngụ quận 7) thuê xe ôm Uber đi từ quận 12 về quận Bình Tân. Khi đến khu vực khu dân cư Ao Sen (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), tài xế Uber là Nguyễn Dương Khánh (25 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ) bất ngờ rút dao đe dọa chị H. để cướp điện thoại và cưỡng hiếp chị. Đó là 2 trong số hàng trăm vụ án xâm phạm sở hữu tài sản xảy ra trên địa bàn TPHCM từ cuối năm 2017 đến nay. Các vụ án cho thấy, giờ đây tội phạm trộm cắp, cướp và cướp giật không chỉ lộng hành mọi lúc mọi nơi (nội thành lẫn ngoại thành, nơi đông người cũng như nơi vắng người, đêm hay ngày) mà còn rất manh động, liều lĩnh và nguy hiểm.
Theo Công an TPHCM, những năm qua, tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản tại TP luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm. Đơn cử như quận Bình Tân, từ 15-4-2017 đến 15-4-2018, trên địa bàn quận xảy ra 225 vụ, chiếm tỷ lệ 81% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự ở quận. Đặc biệt, có vụ trộm xảy ra tại trụ sở của cơ quan công quyền. Còn tại huyện Bình Chánh, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 63 vụ trộm cắp và cướp giật tài sản, riêng cướp giật tài sản tăng 50% số vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Phân tích về nguyên nhân khiến tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản luôn chiếm tỷ lệ cao và tính chất hoạt động ngày càng nguy hiểm, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết có nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn là do tỷ lệ người nghiện ma túy còn nhiều, sự lệ thuộc vào ma túy trong xã hội còn lớn. Khi tội phạm ma túy tồn tại sẽ kéo theo tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản phát sinh. “Qua thống kê sơ bộ cho thấy, cứ 100 vụ xâm phạm sở hữu tài sản thì có khoảng 30 - 50 vụ có liên quan đến ma túy. Nếu thống kê đầy đủ hơn, có thể tỷ lệ đối tượng cướp giật là người nghiện còn cao hơn nhiều. Trong khi đó, chính sách về người nghiện ma túy hiện nay còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tái nghiện sau cai rất lớn”, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho hay, đồng thời đề nghị TP cần có chính sách nhất quán hơn để giải quyết hiệu quả vấn đề người nghiện ma túy hiện nay. Ông cảnh báo, người nghiện ma túy, đặc biệt là người sau cai bị tái nghiện nhiều lần, sẽ dễ gây án với tính chất nguy hiểm.
Kéo giảm, cách nào?
Để có thể ngăn chặn tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản hiệu quả trong thời gian tới, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng cần phải có sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị. Theo ông, tội phạm là hiện tượng xã hội và có nguyên nhân xã hội. Do đó phải giải quyết bằng giải pháp xã hội. Việc tuần tra, theo dõi, bắt giữ các đối tượng phạm tội của công an chỉ là giải pháp trước mắt, mang tính “cắt ngọn”. “Nói vậy không phải công an đùn đẩy trách nhiệm. Chúng tôi luôn nhìn nhận, công an phải có trách nhiệm lớn trong việc kéo giảm tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản. Bằng chứng là thời gian qua, Công an TP đã đưa vào thực hiện nhiều mô hình trấn áp tội phạm mới, hiệu quả, trong đó có việc thành lập Đội Hình sự đặc nhiệm hướng Nam thuộc Phòng Cảnh sát Hình sự. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào mỗi lực lượng công an thì e rằng kết quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản sẽ khó đạt như mong muốn. Chưa kể, lực lượng công an TP cũng đang gặp những khó khăn nhất định, một trong số đó là tỷ lệ cảnh sát khu vực trên tổng dân số đang là gánh nặng. Khi cảnh sát khu vực ít, phải quản lý địa bàn rộng, dân số đông, sẽ khó khăn trong công tác quản lý nơi cư trú, khó kiểm soát tội phạm ẩn náu, hoạt động”, Thiếu tướng Phan Anh Minh chia sẻ.
Ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân (địa phương có tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản diễn biến phức tạp thời gian qua) cho biết, địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý người nghiện sau cai, nhất là người nghiện không có nơi cư trú ổn định. “Đối với người nghiện có hộ khẩu tại TP, quận có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ việc làm, tái hòa nhập cộng đồng, thế nhưng kết quả không cao.
Về giải pháp lâu dài, Thiếu tướng Phan Anh Minh kiến nghị, ngoài việc nghiên cứu, có chính sách nhất quán để giải quyết hiệu quả vấn đề người nghiện ma túy, TPHCM cần có những chính sách hỗ trợ, chăm lo về giáo dục, giúp công nhân, người lao động từ các tỉnh, thành đến TPHCM lao động được nâng cao nhận thức, nắm rõ kiến thức pháp luật, thụ hưởng đầy đủ về văn hóa. Làm tốt các yếu tố này, khả năng phòng chống tội phạm ở người dân sẽ được nâng cao, nguy cơ phạm tội cũng sẽ giảm.
Rất nhiều trường hợp, ngay cả gia đình, người thân của người nghiện còn không biết họ đi đâu, làm gì, do vậy mà địa phương rất khó quản lý, hỗ trợ. Với người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định, việc quản lý họ còn gian nan hơn vì kinh phí di chuyển, bàn giao người sau cai cho địa phương (nơi người nghiện đăng ký hộ khẩu) rất hạn chế. Đã vậy, có trường hợp người nghiện, sau khi bàn giao cho địa phương nơi đăng ký hộ khẩu quản lý, vài ngày sau lại xuất hiện, lang thang ở nơi bị phát hiện trước đây”, ông Thiện chia sẻ và thừa nhận chính những bất cập trong quản lý người nghiện ma túy hiện nay đã khiến số lượng người tái nghiện ma túy luôn ở mức cao, kéo theo tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật diễn biến phức tạp trên địa bàn trong thời gian qua.
Cũng theo ông Đỗ Đình Thiện, để góp phần kéo giảm tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản, hiện nay quận đang tập trung vận động để gia đình, người thân của người nghiện đồng thuận, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công an, đoàn thể trong việc quản lý, giám sát người sau cai. Từ đó, xây dựng ý thức sống tốt cho người sau cai, rồi mới tạo việc làm cho họ, hạn chế các trường hợp tái nghiện. Song song đó, địa phương cũng siết chặt công tác quản lý, giám sát các loại tội phạm, tệ nạn liên quan đến trộm cắp, cướp giật. Cụ thể, hàng tuần, quận có chỉ đạo các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra, xử lý triệt để các điểm kinh doanh game bắn cá trá hình; các quán ăn, nhà hàng, nhà nghỉ chứa chấp tàng trữ, sử dụng ma túy; các ổ nhóm cờ bạc; các cá nhân, tổ chức tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có…
Cần tăng mức xử phạt hình sự
Rất nhiều đối tượng từng có tiền án, tiền sự về trộm cắp, cướp, hoặc cướp giật tài sản nhưng khi ra tù lại chứng nào tật đấy, ngựa quen đường cũ, tái phạm trở lại. Dẫn đến tình trạng này có nguyên nhân là do mức xử phạt hình sự đối với tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Có nhiều đối tượng trộm đến gần 50 triệu đồng nhưng chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc cao nhất cũng chỉ bị phạt tù 3 năm. Tôi nghĩ, nếu nâng mức phạt tù, đối tượng muốn trộm cắp, cướp giật sẽ dè dặt hơn, theo đó tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản sẽ giảm.
Thiếu tá NGUYỄN CÔNG SƠN, Phó đội trưởng Đội Hình sự đặc nhiệm hướng Nam - Công an TPHCM
Chưa làm tốt công tác quản lý cư trú thì tội phạm chưa giảm
Việc quản lý, giám sát người có hộ khẩu ở nơi khác đến cư trú trên địa bàn là việc làm quan trọng, góp phần đáng kể trong việc phòng ngừa tội phạm phát sinh. Thế nhưng, ở nhiều địa phương, công tác này hiện đang bị chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là công an bỏ ngỏ. Trên thực tế, có trường hợp người vãng lai đến ở trọ cả năm trời nhưng cảnh sát khu vực ở đó vẫn không biết, đến khi người đó ẩu đả, hoặc trộm cắp, phạm tộ, thì mới vỡ lẽ. Tồn tại này đang diễn ra phổ biến, nhất là các khu vực ven TP, ngoại thành, khu vực tập trung đông công nhân, người lao động. Lợi dụng hạn chế này, nhiều đối tượng, kẻ gian đến ẩn náu để hoạt động trộm cắp, cướp tài sản, mua bán - tàng trữ ma túy… Tôi cho rằng, một khi chưa làm tốt công tác quản lý cư trú thì tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản chưa giảm, đó là điều tất yếu.
Ông NGUYỄN HỮU HÙNG, cán bộ công an về hưu, ngụ xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh
Gia đình phải có trách nhiệm
Để kéo giảm tội phạm xâm phạm sở hữu tài sản, theo tôi yếu tố gia đình là rất quan trọng. Không ai có thể quản lý, giáo dục con em sâu sát bằng chính phụ huynh, cha mẹ, ông bà trong gia đình. Nếu gia đình có ý thức sống tốt, chăm lo, giáo dục tốt cho thanh thiếu niên thì nguy cơ phạm tội sẽ giảm đáng kể.
Cũng cần lưu ý, trong công tác quản lý địa bàn, chính quyền, đoàn thể, công an cần bám sát địa bàn, khi phát hiện gia đình, cá nhân có suy nghĩ lệnh lạc, có nguy cơ phạm tội thì cần chủ động hoặc phối hợp với cơ quan liên quan để có giải pháp vận động, tuyên truyền, ngăn chặn, chuyển hóa ngay từ đầu. Ngoài ra, gia đình, những người có con em, người thân có dấu hiệu phạm tội, hay đã phạm tội, hoặc bị nghiện ma túy, cần mạnh dạn phát giác, thông báo, phối hợp với chính quyền, ngành chức năng trong công tác xử lý, khắc phục. Như vậy mới tránh hậu quả để lại nghiêm trọng hơn về sau cho gia đình, xã hội.
Anh NGUYỄN NHƯ THANH, cán bộ Quận đoàn quận 8
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/trom-cuop-tang-dien-bien-phuc-tap-523735.html