Tròn 55 năm phát sóng Bản Thông cáo đặc biệt về tin Bác Hồ mất trên VOV

Ký ức về bản tin đặc biệt thông báo sự ra đi của Bác Hồ trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cách đây 55 năm còn in đậm trong lòng thế hệ phát thanh viên cũng như thính giả cả nước.

"Trong những ngày đau thương này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi toàn Đảng, toàn dân ta hãy biến đau thương thành hành động cách mạng, tăng cường đoàn kết, dốc tất cả tinh thần và sức lực của mình vào sự nghiệp vĩ đại đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam nước ta, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thực hiện nguyện vọng cao cả của Hồ Chủ Tịch là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" - trích Thông cáo đặc biệt ngày 4/9/1969.

Nhà báo Hà Phương trong cuộc trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Quách Khiêm)

Nhà báo Hà Phương trong cuộc trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Quách Khiêm)

Tháng 9 năm 1969, nhà báo Hà Phương liên tục đi – về giữa Hà Nội và Nghệ An, viết bài phản ánh tình cảm của người dân quê hương Bác Hồ và chứng kiến đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam nén đau thương để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhớ lại guồng quay công việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam trong những ngày Bác Hồ vừa đi xa, ông Hà Phương chẳng thể quên hình ảnh các phát thanh viên của Đài kìm giữ nước mắt để tác nghiệp khi vào phòng thu. Cùng với phát thanh viên Minh Đạo, NSƯT Hà Phương đặc biệt ấn tượng về phát thanh viên Nguyễn Thơ.

Thời điểm ấy, phát thanh viên Nguyễn Thơ đã khiến các đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam khâm phục bởi tài năng kiềm chế cảm xúc để hoàn thành nhiệm vụ trong lúc các đồng nghiệp ôm nhau khóc. Từ đó, nhà báo Hà Phương thường gọi phát thanh viên Nguyễn Thơ là “Ông già thép” và ghi lại kỷ niệm ấy trong cuốn sách “Tiếng nói cùng năm tháng” do Đài Tiếng nói Việt Nam ấn hành.

“Cùng với các 'giọng đọc vàng' thời chống Mỹ cứu nước, hai giọng đọc nam xuất sắc (Minh Đạo và Nguyễn Thơ) đã để lại ấn tượng sâu sắc cho thính giả. Đây cũng là những mẫu mực về giọng đọc biểu cảm nghệ thuật cho các lớp đồng nghiệp đàn em sau này” – phát thanh viên, NSƯT Hà Phương nói về ký ức năm xưa.

Cán bộ và công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ (Hà Nội) theo dõi thông báo về tình hình sức khỏe của chủ tịch Hồ Chí Minh (1969) qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cán bộ và công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ (Hà Nội) theo dõi thông báo về tình hình sức khỏe của chủ tịch Hồ Chí Minh (1969) qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2/9/1969, nhưng do trùng ngày Quốc khánh nên Bộ Chính trị lúc bấy giờ thông báo là ngày 3/9. Hai mươi năm sau, toàn văn Di chúc và ngày mất của Bác mới được công bố.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Di chúc của Bác đã được công bố. Song do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ nên có một số điều chưa được công bố.

Dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất và chuẩn bị 100 năm ngày sinh của Bác, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI thấy trách nhiệm phải thông báo về ngày mất và di chúc của Người. Thông tin được công bố trong thông báo của Bộ Chính trị số 151 ngày 19/8/1989.

Bảo Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/tron-55-nam-phat-song-ban-thong-cao-dac-biet-ve-tin-bac-ho-mat-tren-vov-post1118133.vov