Trốn cách ly phòng chống dịch Covid-19: Thiếu hiểu biết hay thiếu ý thức?
Không ít trường hợp người dân từ vùng dịch về trốn tránh cách ly để rồi gây ra những hậu quả không hay. Hành vi này đến từ sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức hay đơn thuần chỉ là thói ích kỉ, chỉ nghĩ đến tiện cho mình?
Livestream hướng dẫn cách... trốn cách ly
Mới đây, một cô gái trở về từ Hàn Quốc đã làm cư dân mạng “dậy sóng”. Số là cô gái trẻ khá xinh đẹp này từ vùng dịch Hàn Quốc trở về, đã tìm cách khai gian, qua mặt lực lượng hải quan sân bay để trốn tránh cách ly. Cô gái này còn livestream, tự hào khoe với cộng đồng mạng rằng mình đã “khéo léo dùng cái não” để không bị đưa vào vùng cách ly và hứa hẹn sẽ tiếp tục hé lộ những cách thức hay để qua mặt lực lượng hải quan.
“Những người không thông minh là những người bị cách ly, những người thông minh như em có bị cách ly đâu. Phụ nữ phải sống bằng cái não, cái óc, mình phải biết cách nói như thế nào”, cô gái này chia sẻ.
Chia sẻ của cô gái nói trên đã nhận sự phản ứng mạnh của dư luận với hàng loạt lời chỉ trích. Điều này là không thể tránh khỏi, khi mà hành động của cô rất có thể sẽ gây ra những hậu quả khó lường: Là người trở về từ vùng dịch, không cách ly mà di chuyển lung tung khắp nơi, từ sân bay đến các phương tiện công cộng và về nhà.
Nếu không may cô gái này dương tính với virus Sars-CoV-2 thì rất nhiều người vô tình tiếp xúc trên đoạn đường di chuyển ấy sẽ đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao.
Trước diễn biến trên, các cơ quan chức năng đã cách ly cô gái và người nhà. Nhiều người cho rằng hành vi của cô gái nói trên cực kỳ đáng trách, vì không những đã không ý thức được hành vi khai gian của mình dẫn đến những hậu quả khó lường, còn lên mạng đưa ra những hướng dẫn lệch lạc, gây dư luận không tốt trong xã hội.
Bí quyết của cô là “lách” hải quan bằng cách di chuyển từ Daegu đến Busan, sau đó tại sân bay Tân Sơn Nhất cô này khai xuất hành từ Busan chứ không hề dính dáng tới Deagu, để rồi từ đó qua mặt được lực lượng kiểm tra.
Một sinh viên Việt Nam trở về từ Hàn Quốc đã kể câu chuyện đáng lo ngại, rằng một số du học sinh Việt Nam trên một diễn đàn dành cho sinh viên người Việt tại Hàn Quốc đã hướng dẫn kinh nghiệm tránh cách ly khi về Việt Nam bằng cách di chuyển từ vùng dịch tới thành phố không có dịch rồi bay về Việt Nam.
Hệ lụy cho cộng đồng
Cũng mới đây, một thanh niên tên V.H.L, ở Hà Nội đã lên mạng xã hội đăng tải bài viết và hình ảnh khoe bản thân trở về từ tâm dịch Daegu của Hàn Quốc, tuy nhiên lại tránh được cách ly. Sau đó, thanh niên này còn “chơi ngông” bằng cách đăng tải thông tin không bị cách ly, đứng trên sân thượng và đùa cợt “đứng trên này mà thả Corona xuống thì cả làng bay màu ấy nhờ”. Hành vi này cũng khiến dư luận rất bức xúc và thanh niên này cũng nhanh chóng được chính quyền địa phương đưa đi cách ly.
Dịch bệnh Covid-19 hiện đang lan rộng nhiều nơi trên thế giới. Diễn biến ổn định của dịch tại Việt Nam đòi hỏi sự nỗ lực hết mình của cả hệ thống chính trị, cả ngành Y tế với sự tận tụy của các y, bác sĩ và sự hợp tác của người dân. Thế nhưng, giữa những nỗ lực không ngừng ấy, vẫn còn không ít cá nhân rất thiếu tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Như sự việc hai mẹ con từ vùng dịch Deagu về Việt Nam nhưng không khai báo, di chuyển về nhà ở Lagi, Bình Thuận lưu trú, gia đình lại là điểm buôn bán thức ăn vặt của khu vực. Chỉ đến khi có biểu hiện sốt mới khai báo.
Sự cố này khiến chính quyền địa phương “sốt vó”, những cư dân chung quanh cũng phập phồng không yên vì thời gian qua đã có nhiều giao dịch mua bán với gia đình này, trẻ con các nhà cũng chạy qua chạy lại chơi với nhau. Rất may cuối cùng kết quả xét nghiệm của hai mẹ con nói trên là âm tính. Cả khu phố một phen hú vía, nếu như đây là ca dương tính thì hậu quả quả thật khó lường.
Còn không ít trường hợp “trốn cách ly” diễn ra khắp nơi, gây không ít tốn kém cho cơ quan chức năng, ảnh hưởng và hoang mang cho cộng đồng. Đó là cách cư xử vừa thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh cần xử lý nghiêm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:
“Việc cách ly tại nhà đòi hỏi cán bộ thực hiện phải làm có trách nhiệm và quyết liệt, đồng thời người dân cần có ý thức tuân thủ. Nếu một trong hai yếu tố đó không được đảm bảo thì việc cách ly gần như không có ý nghĩa”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (Lagi, Bình Thuận, hàng xóm của trường hợp trở về từ Deagu nhưng không khai báo cách ly):
“Mấy hôm nay từ khi biết chuyện hai mẹ con trở về từ vùng dịch nhưng không khai báo, không cách ly mà trốn trong nhà, không cho ai biết, trong khi gia đình vẫn mở quán buôn bán, giao dịch với những người chung quanh, rồi lại phát sốt, cả khu phố này rất lo lắng, bất an. Các cháu còn nhỏ, chạy chơi lung tung và ý thức phòng bệnh chưa có.
Cạnh đó, nếu như hai mẹ con nói trên nhiễm bệnh thì cả khu phố này có lẽ cũng bị cách ly mất. Đó là còn chưa kể đến thời gian qua một số bà con từ thành phố khác đến thăm, ở chơi... nếu có virus cúm thì sự lây lan sẽ là khủng khiếp.
Người dân chúng tôi không hề có ý kỳ thị mà chỉ mong mọi người trang bị cho mình ý thức phòng bệnh, chịu cách ly trong trường hợp cần để dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng, gây nguy hiểm cho sức khỏe mọi người. Cũng mong rằng, cơ quan chức năng sẽ nắm bắt sâu sát hơn các trường hợp trở về từ vùng dịch và kiên quyết tiến hành cách ly để hạn chế dịch lây lan, người dân chúng tôi được yên tâm sinh sống”.