Trọn đời cống hiến cho Thủ đô

100 công trình khoa học đã được công bố và được ứng dụng vào thực tiễn, hơn 50 sách chuyên khảo đề tài nghiên cứu khoa học bảo tồn các di sản văn hóa được xuất bản, xây dựng thành công ngành Hà Nội học trong chiến lược đào tạo con người phát triển bền vững Thủ đô. Đó là những công việc mà Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc đã làm được trong suốt nửa thế kỷ gắn bó với Hà Nội. Nói về ông là nói về một nhà khoa học hết lòng vì Hà Nội, một con người tận hiến cho mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Ở tuổi 72, Giáo sư, Tiến sĩ Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc vẫn say sưa nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Thăng Long-Hà Nội nói riêng.

Ở tuổi 72, Giáo sư, Tiến sĩ Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc vẫn say sưa nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Thăng Long-Hà Nội nói riêng.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc sinh ra trong một gia đình nông dân tại huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Từ nhỏ cậu bé Ngọc đã có niềm say mê đặc biệt với những con số.

Năm 1969, chàng trai ấy đã háo hức chờ đợi để được vào nhập học tại Khoa Toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, hồ sơ của cậu học sinh Khoa Toán lại lạc sang Khoa Lịch sử.

Trong thời gian đợi làm thủ tục chuyển khoa, Quang Ngọc vẫn nghiêm túc lên lớp với những buổi học đầu tiên cùng các bạn bè Khoa Lịch sử. Những buổi học đầu tiên với những bài giảng hết sức thú vị của cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã tạo nên bước ngoặt cho chàng trai Quang Ngọc.

"Thầy dạy về khảo cổ học, về nhập môn khảo cổ học, tôi nhớ mãi câu này của thầy: chúng ta là những nhà khoa học và việc của chúng ta là phải bắt hòn đá câm nói lên tiếng nói hùng hồn cuộc sống. Cùng với đó, thầy mô tả những hòn đá cuội và và rất nhiều thứ khác, làm tôi có cảm giác như chúng đều có hồn, sống động, thiêng liêng lắm", Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nhớ lại.

Từ sự bén duyên tình cờ ấy, tình yêu dành cho lịch sử của chàng tân sinh viên cứ thế lớn dần lên qua những tiết học cùng các giảng viên. Bằng tình yêu và sự nỗ lực của bản thân, Quang Ngọc đã giành được sự chú ý của các giảng viên trong khoa với thành tích học tập luôn ở tốp đầu và anh được nhiều thầy, cô định hình con đường trở thành giảng viên tại khoa sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên bước vào năm học thứ tư (năm 1972), đúng vào thời điểm cả nước đang tổng động viên thanh niên lên đường giải phóng miền nam, chàng trai thuộc diện con em gia đình liệt sĩ vẫn sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường chiến đấu.

Năm 1976, hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội, Quang Ngọc trở về tiếp tục học tập. Năm 1977, tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy Khoa Lịch sử rồi trở thành Chủ nhiệm bộ môn, Phó Chủ nhiệm khoa và Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

Một buổi làm việc cùng các giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Một buổi làm việc cùng các giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Cuốn giáo trình "Tiến trình lịch sử Việt Nam" do ông làm chủ biên, xuất bản lần đầu vào năm 2000 và đến nay tái bản gần 20 lần, đã trở thành tài liệu không thể thiếu trong giảng dạy. Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới.

Đồng thời ông là tác giả của nhiều sách tham khảo quan trọng như: "Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa - Tư liệu và sự thật lịch sử" xuất bản bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh; "Nông thôn và Đô thị Việt Nam-lịch sử, thực trạng và khuynh hướng biến đổi"...

Cùng với những cuốn sách về lịch sử Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc còn là chủ biên hoặc tham gia biên soạn hàng chục bộ sách, công trình về Thăng Long-Hà Nội, như: "Định đô Thăng Long - Tầm nhìn thiên niên kỷ"; tham gia xây dựng hồ sơ khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thành Di sản Văn hóa thế giới năm 2010; tham gia tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”; chủ trì xuất bản sách Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội (2012); Chủ nhiệm 5 đề tài nhánh trong chương trình khoa học cấp Nhà nước “Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử-văn hóa phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020”...

Ông cũng là người tư vấn cho xây dựng Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến". Tủ sách đã có 137 tên sách với 213 tập, hơn 154.000 trang, hệ thống hóa mọi lĩnh vực của Thăng Long-Hà Nội qua tiến trình 1.000 năm lịch sử.

"Thầy Trần Quốc Vượng có lần nói với chúng tôi rằng, chúng tôi là những người đang ăn cơm Hà Nội, uống nước Hà Nội, thì phải làm gì để trả nợ Hà Nội. Càng suy nghĩ, tôi càng thấm thía điều này. Hà Nội cho tôi nhiều thứ. Tôi nghĩ, những việc mình làm, dù còn nhỏ bé, cũng là để trả cái ân nghĩa đó”, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ.

Đau đáu với lời dạy của các thầy, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc luôn ấp ủ ý tưởng hình thành ngành Hà Nội học để xứng tầm với giá trị văn hóa lịch sử của Thủ đô. Năm 2004, khi là Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ông bắt đầu tổ chức các đề tài có tính liên ngành và tổng kết một số lĩnh vực về Hà Nội.

Năm 2014, Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô được thành lập và Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc là Giám đốc. Trung tâm trực thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội). Trung tâm có nhiệm vụ làm đầu mối tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội.

Từ đó đến nay, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc cùng các đồng nghiệp bước đầu đã xây dựng được cơ sở lý luận và phương pháp luận trong ngành học Hà Nội học. Cùng với các cộng sự, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc đã biên soạn và xuất bản được giáo trình Hà Nội học và một số sách tham khảo rất cơ bản cùng hàng chục cuốn sách và bài báo khoa học khác.

Đến nay Hà Nội học đã trở thành một chuyên ngành đào tạo của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Giáo trình Hà Nội học trở thành cuốn giáo trình thiết yếu trong giảng dạy bộ môn Hà Nội học của trường.

Một tiết học Hà Nội học của sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Một tiết học Hà Nội học của sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Văn hóa-Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đánh giá: Giáo trình Hà Nội học là cuốn giáo trình mở đầu để sinh viên của chúng tôi tiếp cận với kiến thức Hà Nội học, và chúng tôi phổ biến một cách có tính khoa học cho sinh viên trong toàn trường.

Cách tiếp cận của thầy không những có đầy đủ các cơ sở khoa học từ khảo cổ học cho đến những kiến thức lịch sử, mà chúng tôi thấy, cách tiếp cận của thầy dễ hiểu và dễ đến gần với công chúng hơn".

Năm 2020 khi chuẩn bị nghỉ hưu, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân vẫn tiếp tục những cống hiến cho ngành Hà Nội học nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung bằng một việc làm hết sức thiết thực đó là trở thành thành viên của Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc phát biểu trong buổi làm việc giữa Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội với đại diện của UNESCO.

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc phát biểu trong buổi làm việc giữa Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội với đại diện của UNESCO.

Tại đây, thầy Nguyễn Quang Ngọc không chỉ tiếp tục phát huy cao độ vai trò của một nhà giáo trong việc truyền lửa cho thế hệ trẻ, mà hơn cả ông còn có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của nhà trường trên nhiều phương diện, từ đó góp phần vào việc xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại đúng với tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ năm 2017, thành phố Hà Nội đã bắt đầu thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội là cơ quan được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao là đơn vị lập quy hoạch Thủ đô.

Để việc quy hoạch toàn diện, bền vững, viện đã mời nhiều nhà khoa học hỗ trợ việc quy hoạch và Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc là một trong những chuyên gia nhà nghiên cứu tiêu biểu. Nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu của ông đã trở thành nguồn tài liệu quý báu để viện nghiên cứu và đưa vào quy hoạch. Bên cạnh đó, ông còn có nhiều đóng góp tích cực trong việc trực tiếp tham gia lập quy hoạch.

Vì những đóng góp đặc biệt cho Hà Nội, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc được trao tặng danh hiệu Trí thức tiêu biểu vì sự phát triển Thủ đô năm 2014, danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2020.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2022. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2022. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ông cũng được Thủ tướng Chính phủ 3 lần tặng Bằng khen vào các năm 2001, 2010, 2011; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2013, Huân chương Lao động hạng Nhất vào năm 2022.

Ngoài 70 tuổi, xếp lại những phần thưởng cao quý, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc vẫn hăng say làm việc, nghiên cứu bằng tất cả sự nhiệt huyết của một người con mang nặng ân tình với mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Hành trình tận hiến ấy vẫn được ông viết tiếp cũng như truyền lửa cho lớp trẻ để xây dựng đất nước tươi đẹp và phồn vinh, xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch.

THANH DUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tron-doi-cong-hien-cho-thu-do-post850862.html