Trọn nghĩa, vẹn tình

Với truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn', 'Ăn quả nhớ người trồng cây' của dân tộc ta, những năm qua, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Bù Đăng đã không ngừng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Những việc làm trọn vẹn nghĩa tình này đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công.

100% đối tượng chính sách có mức sống ổn định

Cuối con đường nhỏ ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, bà Nguyễn Thị Hồng (72 tuổi), một cựu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong kháng chiến chống Mỹ đang sống những ngày tháng tuổi xế chiều trọn vẹn nghĩa tình bởi các chính sách người có công, công tác "Đền ơn đáp nghĩa".

Bà Hồng được chính quyền địa phương hỗ trợ 100 triệu đồng xây tặng căn nhà tình nghĩa khang trang, ấm áp. Bà Hồng cho biết, bà lớn lên ở xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nơi phần lớn gia đình đều có người thân là liệt sĩ. Gia đình bà Hồng có 4 anh chị em hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mất mát, hy sinh nhiều nhưng theo bà Hồng đó là tinh thần quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc. Bà Hồng chia sẻ: “Những năm qua, lãnh đạo các cấp luôn quan tâm đầy đủ tới người có công. Gia đình tôi không chỉ được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa mà còn được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách; dịp lễ, tết, nhất là ngày 27-7 luôn được nhận những phần quà thiết thực, nghĩa tình”.

Đại diện lãnh đạo xã Minh Hưng thăm hỏi, động viên gia đình người có công

Đại diện lãnh đạo xã Minh Hưng thăm hỏi, động viên gia đình người có công

Năm nay 82 tuổi, thương binh 2/4 Phan Bá Lân ở thôn 3, xã Minh Hưng cũng chia sẻ niềm vui khi được Nhà nước hỗ trợ sửa chữa căn nhà đã xuống cấp. Ông Lân cho biết: Nhiều năm qua, tôi luôn được hưởng các chế độ chi trả thường xuyên. Năm 2023, tôi được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa nhà. Tuổi cao, sức yếu nhưng tôi luôn thấy ấm lòng, hạnh phúc khi thường xuyên được các đoàn lãnh đạo đến thăm, tặng quà động viên vào các dịp lễ, tết, Ngày thương binh - liệt sĩ (27-7).

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Bù Đăng cho biết: Toàn huyện hiện có 1.774 đối tượng chính sách, người có công, trong đó có một Mẹ Việt Nam anh hùng. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã hướng dẫn, tiếp nhận và tham mưu giải quyết 3.792 hồ sơ chính sách người có công. Hằng năm, vào Ngày thương binh - liệt sĩ, lễ, tết, ngoài quà của Chủ tịch nước, huyện cũng đã tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà đối tượng chính sách tiêu biểu; đồng thời trích ngân sách huyện, xã tặng quà các gia đình chính sách, người có công. UBND huyện thường xuyên chăm sóc, tu sửa, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ huyện, 13 nhà bia ghi danh và 1 đài tưởng niệm liệt sĩ cấp xã.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được hưởng ứng tích cực, nhân rộng điển hình ở các khu dân cư đến xã, thị trấn và trở thành phong trào “Xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công”. Hằng năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tham mưu mua 2.624 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng, góp phần tạo điều kiện cho người có công được chăm sóc sức khỏe tốt nhất tại các cơ sở y tế.

Huyện Bù Đăng có 16/16 xã, thị trấn được công nhận và giữ vững danh hiệu xã, phường làm tốt công tác chính sách và 100% gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Thời gian qua, các cấp, ngành, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm hỗ trợ xây dựng được 357 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng; sửa chữa 114 căn với kinh phí hơn 1 tỷ đồng; tặng 191 sổ tiết kiệm (1 triệu đồng/sổ). Hiện toàn huyện không còn gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG THẮM, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bù Đăng

Tiếp sức người có công làm kinh tế

Từ những chính sách chăm lo phù hợp, kịp thời đã làm bệ đỡ, tiếp sức cho nhiều người có công vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi trở thành người có công tiêu biểu.

Ông Hoàng Quốc Hường ở xã Minh Hưng, nạn nhân chất độc da cam/dioxin là một điển hình của tinh thần lao động sáng tạo. Hiện gia đình ông có cơ sở sản xuất, chế biến điều quy mô lớn, hiện đại, xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông. Doanh nghiệp của gia đình ông Hường không chỉ giúp hàng chục lao động địa phương có công việc ổn định mà còn góp phần vào tỷ trọng phát triển của địa phương. Ông Hường cho biết: “Sau nhiều năm gắn bó với 4 ha điều, năm 2010, tôi cùng con trai đầu mở xưởng chẻ hạt điều. Khởi nghiệp với 6 bàn, 12 người chẻ, làm xưởng hấp nhỏ, đến nay cơ ngơi của gia đình đã được mở rộng với dây chuyền hiện đại, thị trường tiêu thụ vươn ra quốc tế”.

Người có công Lê Văn Nhấn, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng tích cực lao động, sản xuất và hiện kinh tế gia đình ông rất ổn định

Người có công Lê Văn Nhấn, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng tích cực lao động, sản xuất và hiện kinh tế gia đình ông rất ổn định

Năm 1966, tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Quảng Trị, sau đó trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Lê Văn Nhấn ở xã Minh Hưng đang từng ngày khẳng định tinh thần “thương binh tàn nhưng không phế”. Trở về với cuộc sống đời thường, phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, ông Nhấn không ngừng lao động, phát triển kinh tế gia đình. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn tích cực canh tác trên 3 ha sầu riêng xen các loại cây trồng khác; đồng thời đào ao thả cá nâng cao kinh tế gia đình. Ông Nhấn chia sẻ: Dù tuổi cao song tôi vẫn lao động hằng ngày. Trước hết là để phát triển kinh tế gia đình, tiếp đến là động viên, khuyến khích con cháu không ngừng học tập, lao động, cống hiến. Hiện nay, các con đã có cơ ngơi khá giả và thường xuyên tham gia công tác thiện nguyện tại địa phương. Đó cũng là cách gia đình giáo dục con cháu truyền thống yêu nước, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”.

Công tác chăm sóc, thực hiện chính sách người có công ở huyện Bù Đăng được triển khai không chỉ với tinh thần trách nhiệm mà còn là tình cảm, lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc đối với người có công. Những năm qua, đời sống người có công đã được đảm bảo trên mức sống trung bình của địa phương. Hằng năm, ngoài nguồn thực hiện theo chính sách của Trung ương, tỉnh, UBND huyện luôn phối hợp thực hiện tốt chính sách người có công qua công tác vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người có công như xây, sửa nhà; dịp lễ, tết, Ngày thương binh - liệt sĩ luôn thăm hỏi, động viên, tặng quà người có công, gia đình chính sách…

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/160486/tron-nghia-ven-tinh