TRỌN NGHĨA, VẸN TÌNH LỚP TRƯỚC - SAU

Gắn với tiến trình đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc là quá trình sắp xếp, tinh giản, chuyển giao cán bộ ở tất cả các cấp của hệ thống chính trị.

Trong quá trình bình thường, tuần tự này đã có dấu ấn đậm nét về sự tự nguyện xin nghỉ sớm của những cán bộ còn tuổi công tác. Có những người tự thấy mình không còn đủ sức khỏe hoặc hạn chế về năng lực nhưng cũng có những người xin nghỉ sớm để tạo thuận lợi cho việc bố trí cán bộ kế nhiệm. Dù vì lý do gì thì việc tự nguyện xin nghỉ sớm đều thể hiện suy nghĩ chín chắn, trách nhiệm của cán bộ soi mình trong việc chung, không “tham quyền cố vị”. Đó cũng là tình cảm, là nghĩa tình của những cán bộ đó với cơ quan, đơn vị, tập thể mà họ đã gắn bó trong thời gian dài công tác.

Thấu hiểu, đánh giá cao sự tự nguyện ấy, các cấp ủy đảng ở nhiều ngành, địa phương đã có những ứng xử nghĩa tình đáp lại. Tại Thủ đô Hà Nội, cuộc gặp mặt của Ban Thường vụ Thành ủy do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ trì với các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý không tái cử cấp ủy, chính quyền diễn ra tháng trước đã để lại những dư âm ấm áp trong cán bộ và nhân dân thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng hoa các đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý không đủ điều kiện về tuổi tái cử cấp ủy, chính quyền khóa mới. Ảnh: dangcongsan.vn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng hoa các đồng chí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý không đủ điều kiện về tuổi tái cử cấp ủy, chính quyền khóa mới. Ảnh: dangcongsan.vn.

Tại cuộc gặp mặt, đồng chí Bí thư Thành ủy đã nhấn mạnh việc các đồng chí còn tuổi công tác từ 24 đến 36 tháng tự nguyện xin nghỉ sớm đã tô đậm thêm truyền thống nhân văn, tốt đẹp của Đảng và nghĩa cử đó đã thấm đến đội ngũ cán bộ trẻ của thành phố. Trong cuộc gặp ấy, người trước người sau, người đi người ở cùng trao gửi cho nhau niềm tin phát huy bản chất, truyền thống của cán bộ, đảng viên. Nghĩa cử nhân văn nêu gương của người đi trước luôn là nguồn động viên để người kế tục phát huy hơn nữa khả năng của mình. Và người đi sau không chỉ ghi nhận công lao và ứng xử “dĩ công vi thượng” của người đi trước mà còn thấy rõ tình cảm, trách nhiệm quan tâm và tranh thủ sự góp ý, trao truyền kinh nghiệm từ họ. Sự gắn bó người đi-người ở luôn là đạo lý thủy chung góp phần làm nên nguồn sinh lực của mỗi tập thể.

Việc nghỉ công tác theo chế độ hoặc chuyển sang vị trí mới dẫu gì cũng tạo nên ít nhiều hụt hẫng, tâm tư đối với những cán bộ đã phấn đấu, cống hiến những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời cho mỗi cơ quan, đơn vị. Những cách làm hay, những kinh nghiệm quý của họ có được người kế nhiệm phát huy? Mong mỏi về sự đổi mới, tiến bộ vươn lên trong tập thể cũ của họ sẽ thành hiện thực? Ai cũng cần gắn kết với tập thể, cộng đồng. Ngoài địa phương, đoàn thể nơi cư trú thì cơ quan, đơn vị cũ ít nhiều đều vẫn là chỗ dựa trong cuộc sống tinh thần của người ra đi. Ngược lại, truyền thống, kinh nghiệm, tâm huyết hiện thân trong người ra đi cũng là chỗ dựa cho những người ở lại. Thực tế cho thấy người về nghỉ hưu khi thiếu sự quan tâm, thiếu thông tin tin cậy thường khó nắm bắt đầy đủ và chính xác những mạch nguồn chủ đạo. Vì vậy, có những người suy nghĩ sai lệch, hoài nghi, dao động, thậm chí lạc lối, sa ngã.

Nhường chỗ cho nhau, quan tâm đến nhau, có trước có sau trọn vẹn nghĩa tình đồng chí anh em là truyền thống, là đạo đức nhân văn của Đảng ta, dân tộc ta. Đó cũng là nguồn cội làm nên sức sống của dân tộc trường tồn.

NGUYỄN MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tron-nghia-ven-tinh-lop-truoc-sau-639861