Trọn nghĩa với quê hương

Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử ở các chiến trường để giành nền độc lập cho dân tộc, những người có công với cách mạng của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) tiếp tục góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Ký ức về những ngày tháng trực tiếp tham gia trận đánh 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 vẫn không phai mờ đối với cựu chiến binh Nguyễn Xuân Trường ở thôn Đại Đình, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ. Tại Mặt trận Quảng Trị, đơn vị Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 6, Quân khu Trị Thiên của ông đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Ông còn nhớ như in trận chiến cuối cùng vào ngày 15-9-1972 khi phát hiện địch đang đổ bộ với mục đích cắm cờ tại điểm canh gác của ông và đồng đội. Trong lúc nguy cấp, ông và đồng đội vẫn kiên cường chiến đấu để tiêu diệt địch.

Ông Trường chia sẻ: “Chiến trường Quảng Trị vô cùng ác liệt, bom đạn mịt mù song tinh thần chiến đấu của bộ đội rất gan dạ và dũng cảm, tôi và đồng đội lúc đó người trước ngã xuống người sau xông lên, chỉ biết là quyết tâm phải giải phóng được Quảng Trị”...

 Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Trường viết lại ký ức đánh giặc ở Thành cổ Quảng Trị.

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Trường viết lại ký ức đánh giặc ở Thành cổ Quảng Trị.

Năm 1986 xuất ngũ trở về địa phương, ông Trường tích cực tham gia công tác tại địa phương, hiện tại là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Đại Đình. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng ông luôn hăng hái tham gia vào các hoạt động phong trào của Hội cũng như của địa phương, tích cực tuyên truyền, động viên bà con nhân dân hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới. Thời gian rảnh rỗi, ông viết lại những ký ức khi còn ở chiến trường, ký ức các trận đánh ông tham gia chiến đấu làm tư liệu để truyền lại cho thế hệ trẻ.

Về với cuộc sống đời thường với di chứng chiến tranh là những vết sẹo, những cơn đau đầu hành hạ, một bên tai bị điếc, thương binh Nguyễn Đức Hoàng, ở thôn Thị Tứ, xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ vẫn thấy mình là người may mắn so với những đồng đội nằm lại ở chiến trường khi chiến đấu chống lại quân Khmer Đỏ, năm 1979. Là thương binh bị thương tật 81%, ông vẫn luôn tích cực tham gia các phong trào do Hội Cựu chiến binh phát động, gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động phòng trào, khích lệ, động viên các con, cháu phát huy truyền thống gia đình, xây dựng quê hương.

Trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, toàn huyện Tứ Kỳ có 481 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện 8 mẹ còn sống, có 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1.189 thương binh, 812 bệnh binh; 107 người tham gia hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và 842 người hoạt động kháng chiến và bị nhiễm chất độc hóa học.

Trong thời bình, những người có công với cách mạng lại tiếp tục tham gia vào nhiều hoạt động của địa phương, góp sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nổi bật là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều cựu chiến binh trong huyện đã gương mẫu hiến 18.930m2 đất để nâng cấp, mở rộng đường; tham gia hàng vạn ngày công, ủng hộ hàng tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi, đường nông thôn, công trình thủy lợi; duy trì hiệu quả hoạt động 65 tổ an ninh tự quản, 18 tổ vệ sinh môi trường, 108 tổ hòa giải.

Hàng nghìn lượt hội viên cựu chiến binh tham gia trực chốt, các tổ "Covid cộng đồng"; ủng hộ hàng tỷ đồng để phòng, chống Covid-19, xây nhà đồng đội, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư...

 Các cựu chiến binh thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình để mở rộng đường Miếu Đông Ốc là trục chính của khu dân cư La Tỉnh Bắc.

Các cựu chiến binh thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình để mở rộng đường Miếu Đông Ốc là trục chính của khu dân cư La Tỉnh Bắc.

Trong phát triển kinh tế, các cựu chiến binh trong huyện đã tích cực giúp nhau giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện nay, các cựu chiến binh, cựu quân nhân làm chủ 57 trang trại, 335 gia trại, 15 hợp tác xã, 17 tổ hợp tác... tạo việc làm ổn định cho hơn 1.800 người. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh trong huyện luôn đẩy mạnh phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu". Toàn huyện có 148 cựu chiến binh là cấp ủy viên, 197 cựu chiến binh tham gia làm đại biểu Hội đồng nhân dân... Các cấp hội phối hợp chặt chẽ tập hợp quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào các câu lạc bộ cựu quân nhân; tích cực giáo dục chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ.

 Trung tá Nguyễn Đắc Dũng, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tứ Kỳ thăm, tặng quà gia đình thương binh Vũ Văn Ngợi ở thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ nhân dịp 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, 27-7-2023.

Trung tá Nguyễn Đắc Dũng, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tứ Kỳ thăm, tặng quà gia đình thương binh Vũ Văn Ngợi ở thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ nhân dịp 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, 27-7-2023.

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, người có công với cách mạng trong huyện luôn nêu cao vai trò gương mẫu, đi đầu trên mọi lĩnh vực. Họ là những tấm gương điển hình trong công tác, học tập, lao động, xây dựng nông thôn mới, nghĩa tình đồng đội, vượt khó vươn lên làm giàu... Không ít người có công đã phát huy tốt vai trò là điển hình tiên tiến, thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở địa phương, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của huyện. Thời gian qua, huyện cũng đã có nhiều nỗ lực chăm lo đời sống người có công, gia đình chính sách. Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa đã được tổ chức nhằm tri ân những người có công với cách mạng, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay góp sức xây dựng quê hương.

Bài và ảnh: TRẦN YẾN - NGUYỄN THẾ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/tron-nghia-voi-que-huong-736505