Trốn thuế thu nhập đối với những khoản tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài sẽ bị kết án và phạt tù
Từ một vụ việc 4 đối tượng bị khởi tố, điều tra và bị phạt tù về tội trốn thuế mà ngày 22/4/2022, Văn phòng Nhân quyền và Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (LHQ) ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bắt giữ, giam cầm rồi kết án những nhà hoạt động nhân quyền bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
Thông cáo phát đi từ Bangkok vinh danh và kêu gọi “công lý” cho 4 nhà “hoạt động nhân quyền bảo vệ môi trường ở Việt Nam” bị bắt giam, gồm: Ngụy Thị Khanh, luật gia Đặng Đình Bách, nhà báo Mai Phan Lợi, ông Bạch Hùng Dương. Trong khi thực chất họ bị kết án và phạt tù về tội trốn thuế thu nhập đối với những khoản tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Trước đó, ngày 18/4, các tổ chức phản động lưu vong, gồm: Mạng lưới nhân quyền Việt Nam, Tổ chức Người bảo vệ nhân quyền, Đại Việt quốc dân Đảng, Đảng Nhân bản xã hội, Họp Mặt dân chủ, lực lượng Dân tộc cứu nguy Tổ quốc, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi cũng công bố thư ngỏ kêu gọi các nước thành viên LHQ không bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025. Thư ngỏ này đã xuyên tạc, vu khống: “Trước khi muốn được làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam phải cải thiện hồ sơ nhân quyền của chính mình, thực thi nghiêm chỉnh các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết và đóng góp cùng cộng đồng quốc tế để xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng...”.
Vậy thực hư câu chuyện “về tình trạng bắt giữ, giam cầm rồi kết án những nhà hoạt động nhân quyền bảo vệ môi trường ở Việt Nam” như thế nào?
Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh GreenID, bị cáo buộc nhiều lần ký nhiều hợp đồng với các tổ chức xã hội và đại sứ quán nước ngoài để nhận tiền tài trợ. Bà Khanh bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi trốn thuế, quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự.
Đặng Đình Bách (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pháp luật & Phát triển Bền vững - LPSD) cũng bị cáo buộc nhiều lần liên hệ với các tổ chức nước ngoài, đàm phán nhận các khoản tiền tài trợ mà không được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các dự án theo quy định.
Cựu nhà báo Mai Phan Lợi - nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC); ông Bạch Hùng Dương là Giám đốc giai đoạn 2014-2021 cũng được xác định nhận tiền tài trợ từ nước ngoài mà không báo cáo tài chính; không nộp tờ khai thuế, không thực hiện chế độ kế toán theo quy định và đã trốn thuế nhiều tỉ đồng.
Vụ việc vi phạm pháp luật của 4 nhà “hoạt động nhân quyền bảo vệ môi trường” bị khởi tố, điều tra và bị phạt tù về tội trốn thuế rõ như ban ngày, vậy mà các thế lực thù địch lại cố tình tạo cớ “gây sóng”, xuyên tạc tình hình tự do, dân chủ tại Việt Nam nhằm chống phá đất nước.
Thay vì đưa thông tin một cách khách quan, Đài Á châu tự do (RFA), các trang web của các tổ chức phản động lưu vong lại dẫn dắt người đọc đến các vấn đề “xã hội dân sự”. Các “nhà dân chủ” xuyên tạc vấn đề, tô vẽ ra các “thuyết âm mưu”, hướng lái người đọc lầm tưởng cho rằng đây là việc chính quyền cố tình “bắt bớ người vô tội” để “ngăn chặn các tổ chức dân sự”. RFA còn suy diễn ra luận điệu: “Có hay không bàn tay của Trung Quốc trong vụ bắt giữ nhà hoạt động môi trường”. Từ đây, họ vu khống “tội danh trốn thuế chỉ là cái cớ để cơ quan công an triệt tiêu những người này vì một mục đích nào đó phía sau”, “một nhóm lợi ích đứng đằng sau các dự án điện, than, luyện kim tại Việt Nam (có liên quan đến Trung Quốc) ra tay “trừ khử” những kẻ ngáng chân họ làm ăn”,… Đích đến cuối cùng của các đối tượng là vu khống Việt Nam ngăn cản hoạt động của các tổ chức dân sự, không tôn trọng quyền tự do lập hội của người dân, hình sự hóa các vấn đề dân sự để cản trở các “nhà hoạt động xã hội dân sự”.
Trước hết, cần khẳng định rõ, việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam đối với 4 đối tượng: Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới cũng có những quy định hết sức chặt chẽ liên quan đến thuế.
Từ câu chuyện trên dễ để nhận thấy các “nhà dân chủ” đang cố tình lấy vấn đề xã hội dân sự ra để bao biện cho hành vi sai phạm, tạo cớ tấn công, xuyên tạc chính quyền. Thực tế, nhiều năm qua, các đối tượng xấu, cơ hội đã ráo riết thực hiện chiêu trò "xã hội dân sự" để chống phá đất nước. Thông thường khi mới thành lập, các tổ chức này sẽ núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền”, “hoạt động phi lợi nhuận”, “thúc đẩy sự phát triển của xã hội”,... để tạo danh tiếng, tập hợp lực lượng và móc nối với các tổ chức ở nước ngoài. Sau khi có đủ tiềm lực về nhân lực và vật lực, các tổ chức này sẽ “đổi màu”, không chỉ dừng lại ở vấn đề dân sự. Họ “thò tay” can thiệp vào vấn đề chính trị. Mục đích cuối cùng mà những kẻ này hướng đến là hình thành các tổ chức đối lập, âm mưu xây dựng chế độ đa nguyên đa đảng.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của người dân, trong đó có quyền tự do lập hội. Tuy nhiên, mọi cá nhân, tổ chức đều phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Dù là các tổ chức dân sự hay các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội thì khi vi phạm các quy định của pháp luật cũng sẽ bị xử lý. Đây là điều hiển nhiên, không có gì cần bàn cãi./.
Bút Chiến (Hội CCB Long An)