Tròn trách nhiệm với mỗi công việc được giao
Từ năm 2007 đến nay, toàn lực lượng BĐBP có 29 đồng chí bị thương trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm và được cơ quan chức năng làm thủ tục công nhận Thương binh. Hiện, các đồng chí thương binh BĐBP dù ở cương vị công tác nào cũng luôn nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những tấm gương thương binh BĐBP như thế.
Từng là cán bộ trinh sát, khắc tinh của tội phạm, chuyển sang lĩnh vực trái tay - cán bộ tăng cường xã, Trung tá, thương binh Kim Đình Tư không mất nhiều thời gian để chứng tỏ được khả năng dân vận của mình.
Tôi biết Trung tá Kim Đình Tư, cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP Hà Giang từ năm 2009. Qua nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện, tôi cảm nhận được tinh thần nhiệt huyết, lăn xả vào công việc của anh. Dù ở cương vị nào, anh cũng cố gắng tròn vai nhất với tâm thế của người luôn khát khao cống hiến.
Còn nhớ, biên giới Hà Giang hơn 10 năm về trước là điểm nóng của tình trạng lừa bán, bắt cóc phụ nữ và trẻ em. Bọn tội phạm thường ẩn nấp ở địa điểm hoang vắng, sát biên giới để bắt cóc phụ nữ khi họ đi làm nương hoặc đi chợ biên giới. Nhiều phụ nữ đi theo nhóm vẫn bị chúng khống chế, ép lên xe máy đưa qua biên giới, những người chống đối đều bị chúng thẳng tay đánh đập. Thậm chí, bọn tội phạm còn táo tợn đột nhập vào nhà dân, bắt cóc trẻ con khi chúng đang ngủ cùng bố mẹ. Tình trạng đó khiến người dân bất an, lo lắng và hoảng sợ.
Thời điểm đó, anh Tư mang quân hàm Thiếu tá, là Đồn phó Trinh sát Đồn Biên phòng Săm Pun (nay đổi tên là Đồn Biên phòng Xín Cái). Không ngại nguy hiểm, anh Tư trực tiếp cùng cán bộ trong đơn vị phá nhiều chuyên án bắt cóc phụ nữ, trẻ em, bắt giữ không ít đối tượng tội phạm. Nhớ lại những ngày rong ruổi, mật phục trên đường biên trấn áp tội phạm, anh Tư vui vẻ chia sẻ: “Mỗi chuyên án đều có những khó khăn nhất định và cả sự nguy hiểm nữa. Dẫu vậy, trước mỗi chuyên án, chúng tôi đều hừng hực khí thế tiến lên, quyết tâm truy bắt tội phạm bằng được để người dân có cuộc sống bình yên”.
Một trong những chuyên án mà anh Tư nhớ nhất là lần giải cứu hai cô học trò Phàn Thị X và Vàng Thị S, Trường Trung học cơ sở Xín Cái. Hai em này xin phép nhà trường về thăm nhà 2 ngày, sau đó không quay lại trường. Trong khi gia đình lại xác nhận cả hai không về nhà. “Sàng lọc các đầu mối thông tin, chúng tôi thấy nổi lên đối tượng người Mông có nhiều biểu hiện nghi vấn tên là Pó. Sau khi X và S mất tích, Pó không còn xuất hiện trên địa bàn” - anh Tư kể.
Công việc tìm kiếm 2 cô học trò quả thực vô cùng khó khăn, bởi thông tin duy nhất Ban chuyên án nắm được chỉ là một cái tên, không rõ nhân thân, nơi ở của đối tượng nghi vấn này. Anh Tư nhớ lại: “Xác minh lại các mối quan hệ của nạn nhân, chúng tôi biết Phàn Thị Mỷ, bạn của 2 cô gái mất tích có số điện thoại của Pó. Từ 3 số điện thoại do Mỷ cung cấp, chúng tôi gọi điện nhiều lần mới liên lạc được với Pó. Đúng như dự đoán của chúng tôi, đối tượng rất cảnh giác, hắn nói tên Minh, người dân tộc Kinh, đang sinh sống ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, giọng nói của đối tượng đặc sệt người Mông”.
Anh Tư và đồng đội tiếp tục vào các vai khác nhau để giữ liên lạc với Pó. “Chúng tôi phải sử dụng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ dụ hắn lộ diện. Sau nhiều lần liên lạc đặt vấn đề liên kết làm ăn, Pó mới nhận lời gặp mặt chúng tôi tại khu vực cột cờ Lũng Cú”. Tại điểm hẹn, anh Tư cùng đồng đội bắt gọn Pó tại chỗ. Hắn khai nhận tên thật là Thào Mí Gió, xã Thắng Mố, huyện Yên Minh và nhận tội lừa bán X và S qua biên giới. Nhờ sự phối hợp tích cực của lực lượng chức năng Trung Quốc, X và S cũng được giải cứu về đoàn tụ với gia đình.
Chuyên án thành công, tuy nhiên, xen lẫn niềm vui, là sự tổn thất về mặt sức khỏe của anh Tư. “Trong khi vật lộn với tên Pó, tôi bị thương ở tay và đầu. Hội đồng giám định y khoa xác nhận tôi bị mất 32% sức khỏe” - anh Tư cho hay. Cho tới tận bây giờ, di chứng của vết thương vẫn còn hành hạ anh mỗi khi trái gió, trở trời. Dẫu vậy, Trung tá Tư vẫn đang từng ngày cố gắng, nỗ lực, làm tròn nhiệm vụ được giao.
Năm 2016, anh Tư được điều động làm cán bộ tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đích, huyện Yên Minh. Trong vai trò mới, cái duyên làm công tác dân vận của anh Tư bộc lộ rõ hơn hết. Bên cạnh công tác tham mưu xây dựng Đảng bộ xã Bạch Đích và các chi bộ trực thuộc vững mạnh về mọi mặt, đảm bảo quốc phòng - an ninh, anh Tư đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp giúp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bản thân anh đã kêu gọi các tổ chức, người hảo tâm tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi trên địa bàn, hỗ trợ cho nhân dân 2.000 cây giống ăn quả; đầu tư làm đường bê tông với tổng số vốn 400 triệu đồng.
Hiện giờ, anh Tư đảm nhiệm chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc. Anh đã tham mưu giúp Đảng ủy xã Xín Cái củng cố các tổ chức đoàn thể, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đồng thời, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động các hộ dân theo đạo trái pháp luật lập lại bàn thờ theo phong tục tập quán.
Trong công tác an sinh xã hội, anh đã cùng bạn bè của mình tặng cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Xín Cái 500 áo ấm, 1.000 đôi dép trị giá 95 triệu đồng. Anh cũng vận động các đoàn từ thiện xây dựng 1 cây cầu và đổ bê tông 200m đường giao thông nông thôn, đồng thời, tặng 160 suất quà và 18 cái quạt cho các trường học trong xã trị giá 380 triệu đồng.
Chúng tôi được biết, anh Tư vẫn đang tiếp tục kêu gọi các các mạnh thường quân đồng hành giúp đỡ nhân dân xã Xín Cái xây dựng điểm trường, đường và cung cấp các đồ dùng cho các cháu học sinh... Tấm lòng và tinh thần nhiệt huyết của Trung tá, thương binh Kim Đình Tư thật đáng quý biết bao.